Vấn đề ăn–chơi–ngủ-nghỉ ở trẻ 9 tháng tuổi

Làm mẹ - 11/24/2024

Bạn không được vừa bế trẻ vừa nấu ăn bởi rất có thể việc này sẽ gây ra những tai nạn mà bạn không kịp phản ứng.

Đến tháng thứ 9, trẻ trở nên hiếu động ‘không chịu nổi’, hết leo trèo lại đến lê la khắp các xó xỉnh trong nhà để khám phá. Đã thế lại còn thích chứng tỏ mình ở bàn ăn làm bạn vô cùng mệt mỏi. Nhưng dù mệt đến đâu, bạn vẫn muốn con mình được chăm sóc một cách toàn diện nhất. Hãy tham khảo những gợi ý chăm sóc trẻ 9 tháng tuổi sau đây:

Luôn quan sát: Trẻ 9 tháng tuổi đã biết cách vịn tường đứng lên, hoặc leo trèo. Hãy để trẻ được phát triển một cách bình thường, đừng ‘cấm đoán’ trẻ, chẳng hạn bạn sợ trẻ bò xa hoặc sợ trẻ ngã khi vướng vào vật gì đó. Nhưng đối với trẻ mới tập đi thì việc bò và leo trèo, đặc biệt là leo trèo cầu thang là một sức hấp dẫn không thể nào cưỡng lại được.

Tuy vậy, để leo lên xuống cầu thang thì cần phải vài tháng nữa các trẻ mới làm được, nên bố mẹ phải hết sức chú ý. Hãy lắp rào chắn ở đầu và chân cầu thang để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc khi trẻ leo trèo, khám phá mà bạn không để mắt kịp.

Vấn đề ăn–chơi–ngủ-nghỉ ở trẻ 9 tháng tuổi

Nhiếp ảnh gia Laura Davis (Mỹ) đã thực hiện bộ ảnh con gái 9 tháng tuổi đang chơi đùa trong rừng

Đảm bảo an toàn trong phòng ngủ, phòng chơi:Đến tháng này, dường như cũi để cho trẻ chơi, ngủ dường như không còn tác dụng với trẻ. Bởi khoảng thời gian này, trẻ rất hiếu động và sẽ tìm cách trèo ra khỏi cũi. Bố mẹ hãy đảm bảo cũi đã được hạ xuống nấc thấp nhất. Nếu thấy con đặt chân lên tấm quây cũi, tay thì bám vào thành cũi muốn trèo ra ngoài thì cũng đã đến lúc bạn có thể tháo tấm quây cũi cất đi. (Tuy vậy cũng còn khá lâu trẻ mới đủ lớn để có thể trèo ra khỏi cũi, hầu hết các trẻ tới gần hai tuổi mới đủ khả năng trèo ra khỏi cũi và có trẻ chẳng bao giờ trèo ra ngoài).

Đảm bảo an toàn trong nhà bếp: Đến tháng thứ 9, bạn có thể cho trẻ đi chơi khắp nơi trong nhà và đặc biệc nhà bếp thường là nơi trẻ thích khám phá, nhất là khi có bạn đang nấu ăn. Nhà bếp là nơi rất nguy hiểm cho trẻ nên khi cho trẻ chơi ở nhà bếp, bạn hãy chú ý tránh xa những vật dụng như lò nướng, máy rửa bát, dao, bếp phải để cao tránh xa tầm với của trẻ…

Đặc biệt, bạn không được vừa bế trẻ vừa nấu ăn bởi rất có thể việc này sẽ gây ra những tai nạn mà bạn không kịp phản ứng. Nếu có thể, bạn hãy cho trẻ chơi các đồ chơi trong bếp như nồi, chảo, bát nhựa (loại an toàn cho trẻ), hoặc thìa… Những âm thanh leng keng từ chúng sẽ khiến trẻ vô cùng thích thú.

Thực đơn dinh dưỡng phong phú:Đến tháng thứ 9, trẻ đã biết tỏ ra yêu thích món gì và không thích ăn món gì. Lúc này, việc ăn uống sẽ là một vấn đề vô cùng đau đầu với bạn bởi con không chịu ăn, không chịu nuốt, lúc trẻ ăn như bị bỏ đói lâu ngày… Vì vậy, bạn cần phải lên thực đơn dinh dưỡng hàng tuần cho trẻ thật phong phú nhưng cũng phải đảm bảo đủ chất cho trẻ. Hãy tham khảo thực đơn dinh dưỡng của các mẹ đang nuôi con khác để có những chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ.

Cho trẻ ăn trước hoặc sau bữa ăn của cả nhà: Trẻ ở tháng tuổi này thường biết đòi và quấy khóc nếu không đáp ứng nhu cầu của mình. Vì vậy, nếu bạn cho trẻ ăn cùng lúc với giờ ăn cơm của cả nhà, hoặc cho trẻ chơi trong cũi để bạn dễ quan sát thì trẻ sẽ đòi thứ này thứ kia làm cho bữa ăn càng của gia đình trở nên vất vả hơn. Trong trường hợp này, bạn hãy thử thỏa hiệp bằng cách đưa cho con một cái thìa và bát nhỏ để trẻ ngồi chơi một mình.

Vấn đề ăn–chơi–ngủ-nghỉ ở trẻ 9 tháng tuổi

Chế biến thức ăn thật kỹ: Giờ đây, trẻ đã sử dụng các ngón tay thành thạo và rất thích cầm, nắm, bốc thức ăn. Để giảm nguy cơ trẻ bị hóc khi bỏ thức ăn cắt miếng vào miệng, bạn hãy cho con thử dần với những miếng thức ăn nhỏ và mềm, dễ tan, ví dụ như trái cây hoặc rau củ hấp chín mềm. Việc chuyển từ thức ăn nghiền mịn sang thức ăn lổn nhổn, nấu mềm rất quan trọng vì khi chuyển như vậy, trẻ sẽ quen với các dạng và các loại thức ăn khác nhau. Độ thô của thức ăn cũng là một vấn đề quyết định trẻ có chịu ăn và nhai hay không.

Ăn theo nhu cầu: Ngoài thức ăn, con vẫn còn nhận được các chất dinh dưỡng từ sữa nên bạn hãy cho trẻ ăn theo nhu cầu. Khi nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể trẻ thay đổi, trẻ sẽ dễ chấp nhận thức ăn hơn.

Chăm sóc giấc ngủ cho trẻ:Giai đoạn 9 tháng tuổi, một số trẻ dễ bị tỉnh giấc về đêm. Khi ấy, bạn không nên cho trẻ ăn đêm hoặc bú thêm sữa (trừ khi trẻ thực sự đói). Nếu không, điều này sẽ tạo thói quen xấu và làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ. Trẻ giật mình thức giấc là do ngủ không được sâu hoặc do những tác động bên ngoài môi trường, cũng có thể nhiều trẻ buộc phải tỉnh giấc do tè dầm. Bạn nên nhanh chóng dỗ để trẻ quay lại với giấc ngủ như bình thường.

Hãy trao đổi với bác sỹ nếu trẻ của bạn có những dấu hiệu sau:

- Không dồn lực xuống chân khi được cho đứng có trợ giúp.

- Không ngồi được dù có trợ giúp.

- Không bập bẹ ‘bà bà’, ‘mẹ mẹ’.

- Không phản ứng lại khi được gọi tên.

- Không phân biệt được người thân.

- Không nhìn vào chỗ được chỉ.

- Không chuyển đồ vật từ tay này sang tay khác.

Con luôn cần bạn vì bạn làm cho trẻ thoải mái và tiếp thêm năng lượng để trẻ tiếp tục trò chơi. Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển tính tự lập của con, trẻ chỉ yên tâm khám phá thế giới nếu biết chắc có người thương yêu nhất của mình ở bên.

Nguồn ảnh: Internet

Thùy Chi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!