Định nghĩa
Định nghĩa
Bệnh van động mạch chủ là bệnh gì?
Bệnh van động mạch chủ bao gồm bệnh hẹp van động mạch chủ và bệnh hở van động mạch chủ:
Ở bệnh hẹp van động mạch chủ: van tim trở nên dày và hẹp hơn nên tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu qua van, vì vậy lượng máu dẫn lưu khắp cơ thể bị ít đi. Bác sĩ có thể nghe thấy tiếng tim đập bất thường.
Ở bệnh hở van động mạch chủ: van tim không khép lại đúng mức, do vậy một số lượng máu mới vừa được bơm ra liền bị chảy ngược trở lại. Qua thời gian, tâm thất trái sẽ lớn dần lên vì lượng máu dư này và làm giảm khả năng bơm máu hiệu quả.
Những ai thường mắc bệnh van động mạch chủ?
Van động mạch chủ là bệnh khá phổ biến hiện nay, đặc biệt ở người lớn tuổi. Theo thống kê, nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới. Bệnh van động mạch chủ có thể là bệnh bẩm sinh (dị tật tim bẩm sinh) hoặc do biến chứng của các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, xơ vữa động mạch hoặc cao huyết áp. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh van động mạch chủ là gì?
Bệnh nhân mắc bệnh van động mạch chủ thường có các triệu chứng sau:
- Đau ngực hoặc đau thắt ngực;
- Ngất;
- Chóng mặt, mệt mỏi;
- Khó thở;
- Đánh trống ngực.
- Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:
- Tim đập nhanh hoặc đập bất thường;
- Phù mắt cá và bàn chân.
Những người bị hở van động mạch chủ mãn tính thường không có dấu hiệu của bệnh trong nhiều năm. Khi tình trạng hở van động mạch chủ trở nên nghiêm trọng hơn, những triệu chứng tương tự nêu trên mới bắt đầu xuất hiện.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ đang mắc phải một trong các triệu chứng được nêu trên. Ngoài ra, nếu bạn bị đau họng và sốt kéo dài, nên gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị. Đau họng kéo dài mà không được điều trị có thể chuyển thành sốt thấp khớp – một trong những nguyên nhân gây hẹp động mạch chủ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh van động mạch chủ là gì?
Nguyên nhân gây bệnh van động mạch chủ được chia theo hai nhóm đối tượng: trẻ em và người lớn.
- Ở trẻ em: do dị tật tim bẩm sinh.
- Ở người lớn: do bị viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng tim do vi khuẩn), vôi hóa van ở người lớn tuổi, sốt thấp khớp có thể làm tổn thương đến van động mạch chủ.
Các nguyên nhân hiếm gặp khác bao gồm:
- Bị nhiễm phóng xạ;
- Viêm khớp dạng thấp;
- Chấn thương hoặc các bệnh khác (như bệnh Paget’s và Fabry, bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối).
Nguy cơ mắc bệnh
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh van động mạch chủ?
Ngoài dị tật tim bẩm sinh, bệnh van động mạch chủ còn xuất hiện ở các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh sau:
- Viêm khớp dạng thấp;
- Bệnh Paget’s và Fabry;
- Bệnh thận mạn giai đoạn cuối;
- Viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng tim do vi khuẩn);
- Vôi hóa van do tuổi;
- Sốt thấp khớp.
Điều trị
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh van động mạch chủ?
Tùy vào tình trạng của bệnh mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Đối với tình trạng bệnh nhẹ hoặc triệu chứng bệnh chưa tiến triển nghiêm trọng, người bệnh cần thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên hoặc điều trị bằng thuốc để tránh trường hợp bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Trong các trường hợp bệnh nặng hơn, bệnh nhân cần tiến hành phẫu thuật để thay van tim hoặc nong van bằng bóng. Nong van bằng bóng là dùng một ống mềm và mỏng (ống thông) gắn chặt với bóng ở đầu để nong rộng lỗ van.
Đối với chứng hở van tim, người bệnh thường phải được phẫu thuật. Sau khi siêu âm tim, nếu các dấu hiệu của hở van động mạch chủ trở nên nghiêm trọng thì người bệnh nên được phẫu thuật thay van tim.
Dùng thuốc giãn mạch có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh van động mạch chủ?
Bác sĩ chẩn đoán dựa trên bệnh sử và khám thực thể. Bác sĩ sẽ nghe âm thổi của tim để xác định những âm thanh lớn hoặc bất thường khi máu chảy qua van tim.
Điện tâm đồ (ECG), chụp X-quang ngực và siêu âm tim cũng có thể được áp dụng trong điều trị.
Siêu âm tim Doppler 2 chiều là phương pháp tốt nhất để kiểm tra hẹp van động mạch chủ. Với phương pháp này, các sóng âm được sử dụng để kiểm tra hoạt động của tim.
Nghiệm pháp gắng sức và đặt ống thông tim có thể được dùng để xem xét người bệnh có nên tiến hành phẫu thuật hay không.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh van động mạch chủ?
Bệnh van động mạch chủ có thể được hạn chế nếu:
- Kiểm soát huyết áp cao trong máu và hàm lượng Cholesterol. Bạn nên ăn ít chất béo, dùng các loại thực phẩm ít mặn và ít Cholesterol.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc mà không có sự chỉ định, hoặc tự ý bỏ thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!