Văn Miếu Vinh đang bị lãng quên

Thời sự - 04/29/2024

Văn Miếu Vinh còn được gọi là Văn thánh Vinh, được xây dựng năm 1803 tại Yên Dũng, tổng Yên Trường, nay là phường Hồng Sơn, TP. Vinh (Nghệ An). Tỉnh Nghệ An đã có đề án phục hồi, tôn tạo lại Văn Miếu Vinh, tuy nhiên đã gần 20 năm trôi qua, đề án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Từ khi có Văn Miếu Vinh, phong trào hiếu học ở Nghệ An ngày càng phát triển, đạt đến mức trường thi hương xứ Nghệ trở thành một trung tâm Khoa bảng rực rỡ nhất trong 7 trung tâm thi hương của đất nước.

Văn Miếu Vinh hiện chỉ còn sót lại một ngôi Hậu cung cột gỗ nằm trong khuôn viên của Công ty CP In Nghệ An có địa chỉ số 216 đường Trần Phú, phường Hồng Sơn, TP. Vinh, Nghệ An.

Ông Uông Văn Hiệp - Giám đốc Công ty CP in Nghệ An dẫn phóng viên đi đến ngôi Hậu cung khuất phía sau nhà xưởng. Đến trước ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, xuống cấp, ông Hiệp giới thiệu đây là ngôi Hậu cung, phía trước là bàn thờ do công ty lập để thắp hương ngày rằm và ngày mồng một.

Để gìn giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa của Văn Miếu, góp phần tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ ngày 10/10/2007 tỉnh Nghệ An đã tổ chức Hội thảo khoa học chọn địa điểm phục hồi, tôn tạo Văn Miếu (tại địa điểm cũ). Nội dung phục hồi, tôn tạo (các kiến trúc cảnh quan như sân, tường rào, tam quan, khuê văn các, giếng Thiên Quang Tĩnh, nhà bái đường, hậu cung, tả vu, hữu vu; các bia đá ghi tên những vị đỗ đạt ở Nghệ An qua các kỳ thi...).

Văn Miếu Vinh đang bị lãng quên

Ngôi Hậu cung cột gỗ được Công ty CP In Nghệ An cải tạo thành kho để hàng.

Ngày 27/5/2011, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An đã tổ chức cuộc họp và đồng ý chủ trương 'phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh tại địa điểm cũ' với tổng mức đầu tư là 196 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ hỗ trợ của Trung ương, nguồn vượt thu của ngân sách tỉnh, UBND TP. Vinh và nguồn xã hội hoá được huy động hợp pháp.

Năm 2013, Thường trực Tỉnh uỷ Nghệ An ra tiếp Thông báo về việc thực hiện dự án. Công văn này nêu rõ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương phục hồi, tôn tạo di tích Văn Miếu Vinh tại vị trí Văn Miếu cũ.

Khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và bố trí vào khu tái định cư của TP. Vinh cho 14 hộ dân ảnh hưởng bởi dự án. Đối với Công ty CP In Nghệ An, nghiên cứu bố trí vị trí mới vào cụm khu công nghiệp nhỏ Hưng Đông. Nhưng đến nay, mọi vấn đề chỉ đang nằm trên giấy.

Trao đổi về việc phục hồi, tôn tạo Văn Miếu Vinh đã gần 20 năm nay vẫn chưa thực hiện được, ông Uông Văn Hiệp cho hay: 'Mặc dù đã có quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được vì chưa có tiền để đến bù, giải phóng mặt bằng. Đối với công ty chúng tôi vì đã có quy hoạch nên công ty không được phép xây dựng mở rộng sản xuất kinh doanh, trong khi đó, mỗi năm công ty phải nộp 840 triệu đồng tiền thuế (thuế đất 823 triệu đồng, 17 triệu tiền thuế phi nông nghiệp)... nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị tỉnh Nghệ An, TP. Vinh và cơ quan chức năng cần quyết liệt trong triển khai dự án để chúng tôi ổn định sản xuất'.

'Hiện nay, dự án chưa triển khai được vì không có vốn, ngoài ra còn có lý do quan trọng nữa là sự vào cuộc chưa quyết liệt', ông Nguyễn Hữu Trung - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP. Vinh (Nghệ An) cho biết.

Ông Trần Ngọc Tú - Chủ tịch UBND TP. Vinh cho hay: Có nhiều dự án tồn đọng 20 năm nhưng gần đây mới được giải quyết. Riêng Văn Miếu Vinh, chúng tôi phải tập hợp toàn bộ hồ sơ để nghiên cứu lại. Xem trước đây họ đã làm đầy đủ chưa, đúng quy trình chưa. Xem có quyết định tạm dừng dự án không. Từ đó, thành phố đề xuất lên tỉnh.

Chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh hướng xử lý như thế nào cho tốt nhất, nhanh nhất từ bố trí ngân sách đến GPMB và xây dựng cơ bản. Có thể phải làm theo lộ trình từng năm, năm nào GPMB, di dời tái định cư, năm nào xây dựng. Tất cả đều phải tuỳ thuộc vào nguồn vốn. Sở dĩ thành phố phải trình lại để tỉnh quan tâm đặc biệt trong kế hoạch dự trù ngân sách cho Văn Miếu Vinh', ông Tú cho biết thêm.

Văn Miếu Vinh từ xa xưa là nơi hội tụ, kết tinh những tinh hoa văn hóa, truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ. Để Văn Miếu Vinh không bị lãng quên và trở thành phế tích, rất mong sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức trong việc triển khai dự án phục hồi, tôn tạo.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!