Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa (Quảng Bình) hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Ảnh: HƯƠNG GIANG
Việc quan trọng cần thực hiện ngay là xử lý các giếng nước để ăn, uống, sinh hoạt. Quá trình xử lý cần được thực hiện theo ba bước: thau rửa giếng nước; làm trong giếng; khử trùng giếng nước (bằng Cloramin B là tốt nhất và bảo đảm nồng độ Clo thừa là 0,5 đến 1 mg/lít). Sau khi khử trùng, ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng có tác dụng; nước đã khử trùng bằng cloramin nhưng vẫn phải đun sôi mới được uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn, uống nước đã đun sôi 10 phút trở lên, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng. Ðối với giếng khoan, cần bơm hết nước đục, bơm tiếp 15 phút nữa, bỏ nước đi sau đó có thể sử dụng được (cần chú ý vệ sinh bơm, sàn giếng).
Nước rút đến đâu, vệ sinh nhà cửa, môi trường đến đó. Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế. Ðồng thời dọn dẹp nhà cửa, phơi khô quần áo; không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ, dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi.
Trong và sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Mưa và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi-rút và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người. Những dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết, nhất là nguy cơ của dịch Covid-19 trong điều kiện bão lũ, thiên tai. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch. Cần tìm hiểu thông tin, chủ động thực hiện khuyến cáo về các biện pháp giữ an toàn trong bão, lũ lụt, các biện pháp phòng, chống tai nạn, dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa bão lũ của các cơ quan y tế và chính quyền.
Các biện pháp được khuyến cáo là: Lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Thường xuyên rửa tay với xà-phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô-tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng. Mắc màn khi ngủ (kể cả ban ngày). Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế… Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa thường gặp tại những nơi bị ảnh hưởng của mưa lũ là: Tiêu chảy do vi khuẩn E.coli, tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A (các bệnh này xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm). Do đó cần xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc 'Ăn chín, uống chín'. Người dân có thể uống hoặc tiêm vắc-xin phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vắc-xin.
Các bệnh đường hô hấp thường gặp là: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp. Phòng bệnh đó là giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là ở trẻ em và người già; hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp; bảo đảm đủ dinh dưỡng; chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng.
Các bệnh về mắt thường gặp gồm: Ðau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ. Cách phòng bệnh là: Không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn; rửa tay bằng xà-phòng với nước sạch; không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ; tra thuốc nhỏ mắt cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn. Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.
Các bệnh ngoài da thường gặp: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Cách phòng bệnh là: Không tắm gội và giặt quần áo bằng nước bẩn. Nếu không có nước giếng đã được khử trùng, phải đánh phèn hoặc lọc nước bằng cát; không mặc áo quần ẩm ướt; không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da còn gây ra bệnh đường tiêu hóa do nuốt phải nước bẩn. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn, sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.
Người dân tại những vùng bị mưa, lũ rất dễ bị các bệnh do muỗi truyền, nhất là sốt xuất huyết. Cách phòng bệnh hiệu quả là: Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!