PGS, TS Trần Đắc Phu. (Ảnh: Bộ Y tế)
Những 'lỗ hổng' từ khu cách ly
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã rút ra được những bài học từ việc chủ quan, lơ là, sơ hở tại các khu cách ly khi người thực hiện cách ly không có ý thức tốt và người được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quản lý tại khu cách ly cũng chưa làm hết vai trò, nhiệm vụ.
Cuối tháng 11, tại TP Hồ Chí Minh, ổ dịch nhỏ bùng phát bắt nguồn từ ca nhiễm Covid-19 trong khu cách ly đoàn tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines của BN 1342. Khi cách ly tại nhà, bệnh nhân này không tuân thủ quy định cách ly, có và để lây bệnh ra ba trường hợp khác.
Như vậy, sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 30-11, địa bàn này ghi nhận bốn ca mắc mới, trong đó có một ca lây trong khu cách ly và ba ca lây nhiễm liên quan đến người cách ly, trong đó có BN1347. Ngay sau đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh quyết định đóng cửa khu cách ly đoàn tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines.
Trước đó, tại Hà Nội, đã có hai nhân viên khách sạn phải đi cách ly tập trung vì có tiếp xúc gần và không tuân thủ biện pháp phòng bệnh với bệnh nhân 1.203. Từ bài học này, Hà Nội đã yêu cầu những người phục vụ trong khu cách ly khi tiếp xúc với người nhập cảnh (dù không bị nhiễm Covid-19) vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là phải mặc đồ bảo hộ khi cần tiếp xúc.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, mặc dù, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc thực hiện nghiêm quy định khi thực hiện cách ly nhưng chúng ta vẫn có lỗ hổng tại khu cách ly khi để người được cách ly có tiếp xúc với đối tượng khác.
Theo quy định, trường hợp được cách ly tại nhà như tiếp viên hàng không là không được ra ngoài, phải đeo khẩu trang, không được tiếp xúc với người khác, gia đình phải vệ sinh khử khuẩn, bố trí cơm nước ăn uống riêng, thậm chí phải xử lý rác thải y tế theo quy định. Tuy nhiên, trường hợp này đã vi phạm nghiêm trọng quy định cách ly, dẫn tới việc lây lan dịch cho ba người khác.
Ông Phu cho rằng, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã có quy định cả về trách nhiệm của người được cách ly, trách nhiệm của các đơn vị nhưng các đơn vị này cũng chưa thực hiện hết vai trò, nhiệm vụ trong việc kiểm tra, giám sát. Người cách ly cũng chưa có ý thức chấp hành tốt.
Do đó, ông Phu đặc biệt lưu ý, người được phân công kiểm soát cách ly trong khu phân công như chính quyền, công an, y tế, chủ khách sạn phải thực hiện nghiêm cách ly tại nơi lưu trú, có kiểm tra, giám sát và nhắc nhở thường xuyên. Nơi nào đủ điều kiện cách ly, bảo đảm tuân thủ quy định cách ly mới phòng bệnh triệt để được.
'Nếu chúng ta làm tốt cách ly, phát hiện ngay từ ca đầu tiên như TP Hồ Chí Minh và khoanh vùng ngay thì dịch sẽ chỉ như đốm lửa nhỏ. Khi đó, dù chúng ta có phải đối mặt với mùa đông khắc nghiệt cũng không quá lo lắng, dịch không thể bùng phát được', ông Phu nói.
Dịch cơ bản được kiểm soát tốt
Khác với dịch bùng phát tại Đà Nẵng hồi tháng 7-8 năm nay, PGS, TS Trần Đắc Phu nhận định, ổ dịch lần này ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh có thể kiểm soát được vì chúng ta phát hiện nguồn lây nhiễm ban đầu, tìm được F0.
Trong lần khống chế này, chúng ta có nhiều điều thuận lợi là đã phát hiện sớm được ca bệnh, từ đó kiểm soát tốt không để lây lan trong cộng đồng. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc rất khẩn trương, đã tổ chức truy vết, phát hiện hết các trường hợp tiếp xúc gần (F1) và tiếp xúc gần với những trường hợp tiếp xúc gần (F2). Đến nay, vẫn chỉ ghi nhận bốn ca dương tính.
'Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã xét nghiệm tất cả trường hợp phát hiện liên quan đều có kết quả âm tính. Chỉ trong một tuần, chúng ta khống chế được dịch nên chúng ta không cần phải lo lắng. Các địa phương cũng không phải có những biện pháp siết chặt quản lý với người ở tỉnh, thành phố khác đi và đến TP Hồ Chí Minh như khi dịch xảy ra tại Đà Nẵng', ông Phu nói.
Tuy nhiên, ông Phu cũng đặc biệt lưu ý, trong bốn trường hợp dương tính với Covid-19 lần này thì có ba trường hợp không có triệu chứng.
'Tôi nghĩ dịch có thể dập tắt được nhưng chúng ta không được chủ quan lơ là vì có thể hiện nay cũng có những trường hợp tương tự ở những ổ dịch khác lây lan trong cộng đồng, mà không phát hiện được. Có khoảng 40-60% trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng không đến cơ sở y tế để được phát hiện, nguy cơ lây lan rất cao', ông Phu nói.
Chuyên gia dịch tễ này cũng cảnh báo dịch trên thế giới còn rất phức tạp, nguy cơ xâm nhập còn lớn. Hiện nay, mỗi chuyến bay vào Việt Nam có từ 3-20 trường hợp dương tính. Nếu chúng ta không phòng, chống tốt, để sơ hở tại khu cách ly thì sẽ lây lan bệnh rất nhanh, đặc biệt trong thời tiết mùa đông xuân này.
Tập trung phòng, chống dịch Covid-19
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!