Que thử thai được xem là phương pháp phát hiện thai sớm và chính xác nhất. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp phương pháp này đưa kết quả sai dẫn đến 'mừng hụt' hay lo lắng không cần thiết. Vậy những sai sót đó bắt nguồn từ đâu, hãy tìm câu trả lời trong những thông tin sau:
1. Thử thai vào thời điểm không phù hợp
Que thử thai giúp bạn xác định sự hiện diện của hCG (human chorionic gonadotrophin) một nội tiết của thai kỳ, có trong nước tiểu của thai phụ trong khoảng thời gian 7-10 ngày sau thụ thai. Nếu thử sớm thành phần này chưa đủ nhiều để cho kết quả chính xác. Bạn vẫn có thể nhận kết quả âm tính dù đã mang thai.
Tương tự vậy, thử thai quá muộn cũng có thể cho kết quả âm tính giả do lượng nước tiểu chứa lượng hCG quá lớn, gây ức chế que thử và làm đảo lộn kết quả. Tuy vậy, trong trường hợp này bạn có thể pha loãng nước tiểu để có được kết quả đúng.
Một lưu ý khác là thử thai vào sáng sớm sẽ cho kết quả chính xác hơn các thời gian khác trong ngày.
Que thử thai giúp bạn xác định mang thai trong khoảng thời gian 7-10 ngày sau thụ thai (Ảnh minh họa: Internet)
2. Không 'đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng'
Sử dụng que thử sai phương pháp sẽ khiến kết quả sai lệch. Những lỗi mắc phải trong quá trình sử dụng như không sử dụng luôn ngay sau khi xé bao bì, để nước tiểu ngập quá que hay đọc kết quả sau 15 phút đều dẫn đến độ sai lệch của kết quả. Để có được kết quả chính xác nhất, bạn cần tuân thủ đầy đủ hướng dẫn sử dụng:
Bước 1: Lấy mẫu nước tiểu.
Bước 2: Xé vỏ que thử thai.
Bước 3: Cầm que thử thai theo hướng mũi tên hướng xuống.
Bước 4. Cắm que thử vào nước tiểu đã lấy sao cho nước không ngập quá mũi tên.
Bước 5: Chờ 5 phút rồi đọc kết quả. Khi vạch ngang thứ nhất xuất hiện là kết quả đã sẵn sàng. Nếu vạch thứ hai xuất hiện, điều đó chứng tỏ bạn đã có thai. Độ đậm của vạch thứ hai cho biết tuổi thai của bạn. Vạch càng đậm, tuổi thai càng lớn. Nếu không có thai chỉ có một vạch duy nhất lúc đầu.
Cần đọc kết quả trong vòng 15 phút sau khi thử.
3. Mắc các bệnh lý hoặc đang sử dụng thuốc
Một số bệnh lý như thai trứng, ung thư tế bào nuôi hoặc rối loạn nội tiết có thể gây xáo trộn thành phần nước tiểu dẫn đến kết quả không chính xác khi kiểm tra bằng que thử. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc cũng góp phần thay đổi nội tiết tố làm sai lệch kết quả thử. Trong những trường hợp này, bạn cần ngừng thuốc và tiến hành kiểm tra bằng những hình thức khác như siêu âm, xét nghiệm…
Ngoài ra chu kỳ kinh nguyệt không đều cũng dễ làm vạch thứ 2 xuất hiện nhạt màu. Do đó bạn nên kiểm tra hai lần để đối chiếu kết quả. Nếu có sự khác biệt thì nên đến các cơ sở y tế lớn để kiểm tra lại.
Chu kỳ kinh nguyệt không đều cũng dễ làm vạch thứ 2 xuất hiện nhạt màu (Ảnh minh họa: Internet)
4. Sử dụng que thử thai kém chất lượng
Khi que thử thai không xuất hiện vạch nào thì chứng tỏ que thử thai đã bị hỏng. Trong trường hợp này bạn nên thử lại bằng một que mới.
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại que thử thai giả và kém chất lượng. Nếu mua phải những loại này, kết quả sẽ không chính xác. Do đó, bạn cần lựa chọn những cửa hàng uy tín cũng như tìm những nhãn hiệu tin cậy, không sử dụng những thương hiệu lạ, không nhãn mác. Đặc biệt, cần lưu ý thời hạn sử dụng của que thử, tránh những que thử hết hạn hoặc rách bao bì.
Hồng Quân (Madeformums)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!