Đây một dị tật nghiêm trọng làm hạn chế khả năng phát triển não bộ và vận động thể chất ở trẻ.
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Brazil – nơi dịch bùng phát mạnh – đã có hơn 3900 trường hợp bị nghi nhiễm vi-rút Zika, trong đó có 224 trẻ sơ sinh nhiễm vi-rút gây chứng đầu nhỏ này và 49 trường hợp đã tử vong. Tình trạng lây nhiễm vi-rút ngày một gia tăng tại nhiều nước trên thế giới cũng đang là vấn đề khiến cộng đồng lo ngại, đặc biệt trước những ảnh hưởng nghiêm trọng mà loại vi-rút này có thể gây ra.
Phụ nữ mang thai sống trong vùng dịch có nguy cơ nhiễm vi-rút cao hơn
Do vi-rút Zika lây truyền qua đường muỗi đốt nên việc sống trong vùng dịch, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai thì nguy cơ phơi nhiễm với yếu tố lây truyền bệnh cũng cao hơn những người sống ở khu vực không có dịch bệnh. Hơn nữa, khi mang thai cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi nội tiết tố, sức đề kháng của cơ thể giảm nên nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thai nhi cũng cao hơn người bình thường.
Khu vực Nam Mỹ hiện là nơi dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh. Các nhà chức trách tại đây cũng đã khuyến cáo phụ nữ của các nước trong khu vực có dịch nên tạm hoãn việc mang thai.
Bà bầu bị nhiễm vi-rút Zika con sinh ra có nguy cơ dị tật hoặc tử vong cao (Ảnh minh họa: Internet)
Vi-rút Zika gây ảnh hưởng cho cả thai phụ và thai nhi
Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 9 dễ có nguy cơ nhiễm vi-rút Zika nhất. Khi bị nhiễm, vi-rút này truyền từ mẹ sang con, có thể phá hủy các mô não đã hình thành khiến giảm kích thước não và gây ra các dị tật bẩm sinh đối với thai nhi. Đây là dạng rối loạn thần kinh gây tác hại xấu tới sự phát triển não bộ và giác quan vận động của phôi thai. Nguy hiểm hơn, nó có thể gây tử vong cho thai nhi ngay từ trong bụng mẹ. Trường hợp hiếm hoi sống được phải chịu nhiều vấn đề bất lợi về sức khỏe và phát triển.
Cũng theo phân tích từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) về 4 trường hợp xảy ra gần đây, trẻ đã bị nhiễm vi-rút Zika trong giai đoạn bào thai và bị vi-rút này xâm nhập vào não. Trong đó 2 trường hợp bị sảy thai và 2 trường hợp trẻ tử vong sau khi sinh.
Chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa vi-rút Zika
Trước và trong khi mang thai, thai phụ thường phải tiêm một số mũi tiêm chủng bắt buộc để bảo đảm sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa điều chế được vắc-xin phòng chống vi-rút Zika và thuốc đặc trị các bệnh do vi-rút này gây ra. Do vậy mang thai trong thời điểm dịch đang bùng phát rất dễ bị nhiễm vi-rút gây nguy hiểm tới sức khỏe và sự phát triển bình thường của thai nhi.
Tật não nhỏ là hậu quả của việc bà bầu, trẻ nhỏ nhiễm vi-rút Zika (Ảnh minh họa: Internet)
Đứng trước nguy cơ dịch vi-rút Zika đang lây lan nhanh chóng, Tổng thống Mỹ Obama đang hối thúc Bộ Y tế nước này đề xuất các phương pháp điều trị thích hợp và điều chế vắc-xin phòng dịch, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng các nước phối hợp để cùng kiểm soát dịch bệnh.
Hậu quả để lại ảnh hưởng đến suốt cuộc đời những đứa trẻ không may bị bệnh
Một đứa trẻ bị ảnh hưởng từ khi còn trong bụng mẹ, ra đời với dị tật teo não sẽ bị chậm phát triển cả thể chất và nhận thức, cần phải được theo dõi và chăm sóc suốt đời do hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh do vi-rút này gây ra. Những đứa trẻ này không thể sống một cách bình thường, không thể tự lập mà luôn cần có sự chăm sóc của người khác. Đây không chỉ là nỗi đau tinh thần đối với bậc cha mẹ mà còn là thử thách tài chính khi con họ mắc dị tật quái ác này.
Phụ nữ sống trong vùng dịch nên cân nhắc thời điểm mang thai an toàn
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, vi-rút Zika có thể bùng phát thành đại dịch và ảnh hưởng tới hàng triệu người trên thế giới trong năm nay. Vì vậy các nhà chức trách khuyến cáo phụ nữ trong vùng có dịch nên hoãn việc mang thai tới năm 2018, hay ít nhất cũng đợi tới khi dịch bệnh này được kiểm soát và thuốc đặc trị các bệnh do vi-rút Zika gây ra được điều chế.
>> Xem thêm: Trẻ bị bệnh đầu nhỏ do vi-rút Zika: Chúng con có tội tình gì?
Vân Doãn
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!