Vì sao canh cua để lâu lại gây bệnh?

Sống khỏe mạnh - 05/03/2024

Ăn phải bát canh cua thừa, không đun nấu lại sẽ khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm, nếu không chữa kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cua đồng được biết đến là một trong những thực phẩm giải nhiệt mùa hè rất tốt. Những bữa cơm ngày hè nóng nực của nhiều gia đình, không thể thiếu những bát canh cua nấu với rau đay, mồng tơi... thơm ngon, đậm đà và ngọt mát.

Tuy nhiên, nếu bạn không biết ăn canh cua đúng cách có thể gây nên những nguy hại cho sức khỏe, thậm chí là ảnh hưởng đến cả tính mạng.

Nhập viện vì... tiếc bát canh cua

Tại Yên Mỹ, Hưng Yên vừa qua xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân xuất phát từ việc tiếc bát canh cua để lại từ bữa ăn trước. Theo đó, do tối hôm trước không ăn hết bát canh cua, bà Nguyễn Thị Lừ cất vào trong tủ lạnh để hôm sau ăn tiếp.

Vào ngày hôm sau, bà lấy bát canh cua ra ăn. Lúc này bát canh vẫn sánh màu vàng nên bà ăn luôn với cà mà không đun nấu lại. Sau khoảng 30 phút, bà xuất hiện các triệu chứng như chân tay bủn rủn, đau bụng và người thì lạnh toát. Sau khi nhập viện, bác sĩ kết luận bà bị ngộ độc thức ăn do ăn lại bát canh cua thừa.

Vì sao canh cua để lâu lại gây bệnh?

Cua đồng được biết đến là một trong những thực phẩm giải nhiệt mùa hè rất tốt (Ảnh minh họa: Internet)

Tác hại khôn lường khi ăn canh cua để lâu

Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Lừ ở trên giúp chúng ta nhận thấy được mối nguy hại tiềm ẩn khi ăn canh cua không đúng cách. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, canh cua rất giàu chất đạm, có vị tanh nên rất dễ bị ôi thiu và nhiễm khuẩn. Đặc biệt là trong thời tiết oi bức, nóng nực, canh cua càng dễ hỏng hơn khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Khi bạn ăn phải canh cua để lâu, không đun nấu lại kỹ càng có thể dễ dàng bị ngộ độ thực phẩm. Nếu bị ngộ độc nhẹ thì tiêu chảy, đau bụng... nếu ở mức độ nặng hơn thì dẫn đến mất nước trụy mạch, trong trường hợp không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.

Cua là loại thủy sản mang ký sinh trùng nguy hiểm hiện nay là ấu trùng sán lá phổi Paragonimus. Đây là ấu trùng tồn tại rất lâu kể cả trong môi trường nhiệt độ cao. Khi bạn ăn phải canh cua chế biến chưa kỹ có thể bị sán ký sinh. Khi ký sinh trùng di chuyển lên phổi sẽ làm hại phổi, gây tức ngực, ho ra máu, nếu lên não thì có thể gây ra động kinh.

Ngoài ra, nhiều người nội trợ hiện nay có thói quen mua cua xay sẵn ngoài chợ để về chế biến cho tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên điều này thường chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bởi có thể người bán hàng thường không rửa kỹ, loại bỏ những con cua đã chết, cho vào xay luôn. Ăn phải bát canh cua chết không chỉ làm món ăn thiếu vị hấp dẫn mà còn chứa cả độc tố gây hại.

Trong những con cua chết, có chứa độc tố a-xít amin histidine, cua chết càng để lâu thì lượng độc tố sinh ra sẽ càng nhiều, gây nguy hại cho sức khỏe.

Vì sao canh cua để lâu lại gây bệnh?

Cua là loại thủy sản mang ký sinh trùng nguy hiểm hiện nay là ấu trùng sán lá phổi Paragonimus (Ảnh minh họa: Internet)

Lưu ý ăn cua đúng cách

- Những người bị tiêu chảy, mới ốm dậy, bị bệnh gút, có tiền sử về tim mạch và cao huyết áp, bị dị ứng, phụ nữ mang thai... cần tránh ăn cua đồng. Nguyên nhân là do cua đồng có tính hàn, nếu ăn nhiều có thể gây đạu bụng. Ngoài ra, hàm lượng chất béo ở trong cua cao, nếu ăn nhiều sẽ làm lượng cholesterol trong máu tăng cao, khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

- Tránh để cua hoặc canh cua quá lâu trong tủ lạnh, có thể sẽ làm cho nó bị biến chất, mùi vị sẽ không còn được thơm ngon nữa. Bạn chỉ nên để bảo quản trong tủ lạnh khoảng 1 - 3 ngày.

- Với những món ăn chế biến từ cua mà ăn dở, muốn để lại thì bạn cần đun sôi lại, sau đó để nguội rồi mới cho thức ăn vào hộp kín bảo quản trong tủ lạnh. Tuyệt đối bạn không được để lẫn thức ăn đã được nấu chín với thức ăn chưa nấu.

- Khi ăn cua không được ăn kèm với quả hồng. Nguyên nhân là do cua rất giàu protein khi kết hợp với chất tanin có trong quả hồng sẽ khiến việc tiêu hoá diễn ra chậm hơn, có thể tạo đông vón thực phẩm. Khi chất rắn này tích tụ trong ruột lâu dài sẽ lên men và trở nên thối rữa, gây đau bụng, buồn nôn, bị tiêu chảy, thậm chí có thể tạo thành sỏi.

- Sau khi ăn cua xong, bạn không nên uống trà ngay bởi vì trong trà cũng chứa chất tanin. Kết hợp trà với cua, một số thành phần của cua sẽ bị đông đặc lại, ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, hấp thu những chất dinh dưỡng khác, có thể gây đau bụng đi ngoài. Bạn nên uống trà sau khoảng 1 giờ ăn cua.

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!