Trong số 251 ca bệnh mắc COVID-19 tại Việt Nam đến nay, ca bệnh 243 - theo đánh giá của Hà Nội - có thời gian ủ bệnh lên tới 23 ngày.
Bệnh nhân 243 là công dân Q.Q.T., sinh năm 1973, ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh đến khám, điều trị ngoại trú tại Khoa Dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 12/3, đến 9h15 ngày 6/4 dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin về nguồn lây cũng như thời gian ủ bệnh của bệnh nhân này đặt ra nhiều câu hỏi. Vào chiều 8/4, trả lời với báo giới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh nhân 243 có thể 'mới nhiễm', không thể khẳng định lây từ BV Bạch Mai.
Theo ông Trần Đắc Phu, bệnh nhân 243 vào Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3, đến ngày 4/4 lấy máu, ngày 5/4 xét nghiệm ra dương tính thể hiện là bệnh nhân đang mắc bệnh. Đồng thời, bệnh nhân cũng được làm kháng thể để xem nhiễm lâu chưa hay mới nhiễm. Trong xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư làm không phát hiện ra kháng thể. Trong quá trình điều tra dịch tễ bệnh nhân này tiếp xúc với nhiều người tại nhiều nơi, kể cả có những nơi nguy cơ cao như các bệnh viện khác nên không thể khẳng định bệnh nhân lây từ Bệnh viện Bạch Mai lâu rồi, mà nghĩ đến mới nhiễm, lây nhiễm trong cộng đồng.
Trên cơ sở phân tích của chuyên gia, trường hợp này mới nhiễm thì thời gian ủ bệnh 23 ngày mà không phải 14 ngày như khuyến cáo là khó.
Ảnh minh họa
ThS. BSCKII Nguyễn Hồng Hà - Chuyên gia Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cũng cho rằng, mọi người không nên quá hoang mang về thời gian ủ bệnh kéo dài bất thường của ca bệnh 243. Đại đa số thời gian ủ bệnh của hầu hết các ca bệnh vẫn nằm trong khoảng từ 3 – 7 ngày là chính, cũng có những ca từ 10 – 14 ngày. Chọn 14 ngày để theo dõi, cách ly phù hợp.
Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày. Với những trường hợp sau cách ly 14 ngày vẫn có lời khuyến cáo nên cách ly tại nhà thêm thời gian. Nếu có biểu hiện sốt, viêm họng…phải khai báo, đến viện.
'Trong thời điểm này, mọi người cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo của cơ quan chức năng về phòng bệnh, thực hiện cách ly xã hội tốt… Đồng thời nâng cao sức đề kháng để ngăn ngừa virus. Khi cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp ta chống lại virus một cách tốt nhất. Nếu bị mắc bệnh, sức đề kháng tốt hơn cũng giúp loại trừ virus, cơ thể chóng tự khỏi' ' – BS Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo BS Trương Hữu Khanh – BV Nhi đồng 1, TP HCM, thời gian đánh giá ủ bệnh chính xác nhất là phải tìm chính xác được nguồn lây. Bệnh nhân ở Mê Linh không xác định được có phải nhiễm bệnh khi đến BV Bạch Mai không thì chưa khẳng định được thời gian ủ bệnh là 23 ngày. Dịch bệnh có thể truyền nhiễm ngay cả trước khi các triệu chứng xuất hiện, chưa có triệu chứng, việc xác định dương tính bắt đầu ủ bệnh từ đâu cũng rất khó.
Tại Trung Quốc trước cũng đã có những tranh cãi virus có thể ủ bệnh lên 24 ngày, nhưng sau đó đã được các khuyến cáo đưa ra là 14 ngày vì có thể cộng đồng có ca mắc nhưng không xác định thời gian tiếp xúc nguồn lây.
Cột mốc 14 ngày cũng là khoảng thời gian Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị để theo dõi các ca nhiễm COVID – 19 dựa trên các dữ liệu từ các ca nhiễm khác.
BS Khanh khuyến cáo, các bệnh do virus gây ra đều có thể có trường hợp người lành mang trùng bệnh. Người lành mang trùng bệnh không có biểu hiện của bệnh, triệu chứng nhẹ vẫn có thể lây cho người khác khi không có biện pháp phòng hộ chặt chẽ. Bởi vậy, mọi người dân cần tiếp tục thực hiện biện pháp nâng cao phòng bệnh cá nhân như ngành y tế khuyến cáo.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!