Việc cần làm khi bệnh sốt xuất huyết xảy ra

Sống khỏe mạnh - 05/19/2024

Sốt xuất huyết có tính chất lây lan nhanh và rất có khả năng gây thành dịch làm cho nhiều người ở trong một vùng, một địa phương.

Khi trong gia đình, một lớp học có người sốt cao, đặc biệt có nhiều người cùng mắc nên nghĩ đến là bệnh sốt xuất huyết và cần khẩn trương cho người bệnh đến cơ sở y tế để khám bệnh, đặc biệt là trẻ em (trẻ càng nhỏ càng phải được đặc biệt quan tâm). Sau khi đã có ý kiến của bác sỹ khám bệnh, nếu thể bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà riêng.

Tại nhà riêng phải luôn luôn có người chăm sóc và theo dõi tình trạng bệnh của người bệnh (đặc biệt là trẻ em) kèm theo cho uống nhiều nước, nhất là dung dịch oresol (ORS). Ngoài ra, nên cho người bệnh (trẻ em, người lớn) uống thêm nước hoa quả tươi như cam, chanh, dưa hấu, xoài… Nên cho ăn nhẹ như cháo, súp, canh và uống thêm sữa (với trẻ còn bú mẹ thì không hạn chế số lần bú và số lượng sữa bú).

Việc cần làm khi bệnh sốt xuất huyết xảy ra

Cần cho trẻ nhỏ uống nhiều nước khi mắc bệnh sốt xuất huyết (Ảnh minh họa: Iternet)

Cần hạ sốt khi thân nhiệt ≥ 38oC (nên lưu ý là nếu cặp nhiệt độ ở nách hoặc bẹn thì cần cộng thêm ½ độ) bằng cách cho uống thuốc paracetamol với liều lượng 10mg/1kg cân nặng, với trẻ nhỏ có thể dùng loại paracetamol viên nang đút vào hậu môn.

Ngoài ra nên chườm mát (với trẻ nên chườm ấm, tức là nhiệt độ của nước dùng để nhúng khăn vào đắp lên trán, bẹn cho trẻ nên thấp hơn nhiệt độ của cơ thể trẻ khoảng chừng 2 độ). Vị trí chườm khăn mát, ấm là trán, bẹn, nách.

Không nên chườm lạnh hoặc nước đá cho trẻ vì sẽ làm hạn chế thoát nhiệt của cơ thể trẻ. Tuyệt đối không dùng thuốc aspirin để hạ nhiệt cho người bệnh. Cần theo dõi sát người bệnh, nhất là trẻ em. Nếu thấy hiện tượng xuất huyết dưới da (chấm, mảng, bầm tím…) hoặc chảy máu mũi, chảy máu chân răng, thậm chí nôn ra máu... người bệnh cần đến ngay bệnh viện để điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!