Viêm cơ tim cấp ở trẻ dễ bị nhầm với cảm thường

Nuôi dạy con - 04/23/2024

Căn bệnh có thể khiến trẻ tử vong nhưng biểu hiện bệnh lại dễ khiến phụ huynh bỏ qua hoặc nghĩ trẻ chỉ bị sốt cảm thông thường.

Những bệnh nhi suýt chết chỉ vì “cảm” thoáng qua

BV. Nhi Đồng Thành phố cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu và đang điều trị cho bệnh nhân 14 tuổi ở Long An bị viêm cơ tim rất nguy kịch. Trước đó, bệnh nhân chỉ cảm sốt, đau đau nhức toàn thân, mệt mỏi, chóng mặt, tê tay chân. Nghĩ con chỉ bị cảm cúm thông thường nên bố bé mua thuốc tại một tiệm thuốc tây gần nhà cho bé uống. Tình trạng bệnh của bệnh nhi không cải thiện mà càng ngày càng nặng hơn kèm theo tình trạng khó thở.

Tại BV. Nhi Đồng Thành phố, tình trạng càng trở nặng, huyết áp tụt, nhịp tim đập nhanh loạn xạ và kém đáp ứng với thuốc chống loạn nhịp, máy tạo nhịp khẩn cấp và cả... sốc điện. Cùng lúc, các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu sốc điện, đặt máy tạo nhịp và nhanh chóng thiết lập hệ thống Oxy hoá qua màng ngoài cơ thể. Phải đến nhiều ngày cấp cứu, bệnh nhân mới may mắn được cứu sống.

Trường hợp khác, đang khỏe mạnh, cậu học sinh lớp 9 nhà ở Thủ Đức (TP.HCM) bỗng thấy mệt mỏi và chỉ một ngày sau đó cậu bé đã mê man. Các bác sĩ BV.Nhi Đồng 1 đã phải phối hợp với BV. Chợ Rẫy thực hiện kỹ thuật ECMO mới may mắn cứu sống được bệnh nhân.

Người nhà cho biết, trước khi mê man, cậu bé vẫn khỏe mạnh nhưng đột nhiên sốt cao, khó thở, tay chân lạnh, trụy tim mạch, rối loạn tri giác, hô hấp. Tại BV. Nhi Đồng 1, kết quả chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị viêm cơ tim cấp, bệnh lý có diễn tiến nhanh và dễ dẫn đến tử vong.

Theo các bác sĩ khoa Cấp cứu BV. Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng Thành phố, những trường hợp viêm cơ tim cấp nhập viện thường trong tình trạng nguy kịch, đặc biệt trước đó phụ huynh đều nghĩ con mình chỉ bị cảm thông thường.

Viêm cơ tim cấp ở trẻ dễ bị nhầm với cảm thườngẢnh minh họa

Bệnh rất khó nhận biết

Theo PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, BV. 103, viêm cơ tim cấp là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim gây nên do nhiễm trùng, do bệnh mô liên kết, do nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. Các quá trình bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ tim kèm hoặc không kèm theo triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, tuy nhiên đôi khi rối loạn nhịp hoặc đột tử là biểu hiện đầu tiên của bệnh. Nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cơ tim.

Tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim cấp không được biết rõ do có nhiều trường hợp viêm cơ tim nhẹ tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận thấy. Viêm cơ tim cấp do virus thường xảy ra rải rác, tuy nhiên đôi khi cũng xảy thành dịch. Ở trẻ bú mẹ, viêm cơ tim cấp do virus thường biểu hiện bằng viêm cơ tim cấp tính và rất trầm trọng. Ở trẻ nhỏ (2 đến 5 tuổi) bệnh cũng thường khởi đầu bằng viêm cơ tim cấp nhưng ít nặng nề hơn.

Ở trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên, bệnh thường không có triệu chứng và trẻ thường đến phòng khám khi đã có biểu hiện bệnh cơ tim giãn, thường là hậu quả của viêm cơ tim virus tiềm tàng trước đó.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cần đưa trẻ đến bác sĩ khám khi thấy có dấu hiệu bất thường như cảm sốt không giảm khi uống thuốc.

Hết sức cẩn trọng khi trẻ than khó thở, đau ngực hoặc tim đập bất thường.

Tác nhân gây bệnh

Thường gặp nhất của viêm cơ tim là adenovirus và Coxsackie virus B cùng nhiều loại virus khác.

Adenovirus là một trong những virus phổ biến nhất gây bệnh viêm cơ tim cấp ở cả trẻ em và người lớn. Virus này cũng thường gây nên các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đôi khi gây viêm bàng quang và nhiễm trùng tiêu hóa.Adenovirus chủ yếu lây qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và họng của người bệnh.

Cytomegalovirus (CMV) thuộc nhóm virus này bao gồm các virus herpes simplex, virus varicella-zoster (gây bệnh thủy đậu và zona), và virus Epstein-Barr (gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cứ 100 người có khoảng từ 50 - 80 người từng bị nhiễm CMV cho tới khi 40 tuổi. Có tới 90% người trưởng thành đã từng bị nhiễm virus Epstein-Barr.

Thông thường các CMV có thể tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động và vô hại, tuy nhiên đôi khi chúng có thể gây nhiễm trùng các cơ quan, bao gồm cả viêm cơ tim. Những virus này lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch thể của người bệnh. Ngoài ra, chúng cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai.

Coxsackievirus B là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm cơ tim cấp do virus, chiếm khoảng một nửa các ca bệnh viêm cơ tim cấp tại Mỹ. Coxsackievirus B có thể gây bệnh cúm hay tấn công vào tim, gây nhiễm trùng kéo dài khoảng 2 - 10 ngày.

Các triệu chứng trên tim có thể diễn ra trong khoảng 2 tuần, bao gồm: sốt, mệt mỏi và đau ngực. Bệnh thường không gây tử vong nhưng có thể để lại hậu quả là cơ tim bị tổn thương vĩnh viễn, đặc biệt nếu bệnh đã tái phát lại lần thứ hai. Virus này lây truyền qua phân, do vậy một trong những biện phòng phòng tránh nhiễm virus hiệu quả nhất đó là luôn rửa tay sạch sẽ và cải thiện những thói quen vệ sinh hàng ngày.

Human parvovirus B19 là loại virus gây ra bệnh gây phát ban nhẹ phổ biến ở trẻ em và người lớn. Đôi khi, virus này có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim cấp. Đường lây truyền của virus là qua nước bọt và dịch tiết đường hô hấp. Thực hành thói quen rửa tay sạch sẽ và che mũi, miệng khi ho, hắt hơi có thể giúp giảm sự phát tán của virus.

Rubella cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp. Phụ nữ khi mang thai bị mắc bệnh rubella cũng thường gặp những biến chứng như sảy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Khi virus xâm nhập vào tim, nó có thể gây bệnh viêm cơ tim cấp. Hiện tại đã có vaccin phòng bệnh rubella được khuyến cáo sử dụng cho mọi phụ nữ trước khi mang thai.

Ngoài virus một số tác nhân khác cũng có thể gây ra viêm cơ tim cấp nhưng ít gặp hơn như: Vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, phản ứng quá mẫn với thuốc, các bệnh khác như lupus, các bệnh mô liên kết và tình trạng viêm hiếm, chẳng hạn như của u hạt Wegener.

Xảy ra đột ngột

Viêm cơ tim cấp do virus có thể biểu hiện bằng một tình trạng viêm rất đột ngột, đặc trưng bằng tế bào viêm, thoái hóa và hoại tử tế bào cơ tim, sau đó là quá trình xơ hóa của cơ tim.

Một hình thức khác của viêm cơ tim do virus là ARN hoặc ADN, vật chất di truyền của virus, có thể tồn tại lâu dài trong cơ tim. Cơ thể chống lại tình trạng này bằng những phản ứng miễn dịch thông qua sự hoạt hóa các tế bào lympho độc tế bào (cytotoxic lymphocytes) và tế bào giết tự nhiên (natural killer cells). Tuy nhiên những phản ứng miễn dịch này cùng với sự phát triển không bình thường của virus lại làm suy giảm chức năng cơ tim mà không có sự tiêu tế bào rõ rệt.

Ngoài ra, sự tồn tại của virus có thể làm thay đổi sự biểu hiện kháng nguyên tạo nên sự phơi nhiễm của hệ miễn dịch với những kháng nguyên tân tạo.Sự giải phóng các chất tiền viêm cytokine như yếu tố ly giải khối u alpha (TNF alpha) và interleukin 1 dẫn đến thay đổi bất thường về đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Hậu quả cuối cùng của các quá trình bệnh lý phức tạp trên thường là bệnh cơ tim giãn.

Dấu hiệu nhận biết

Tiếng tim mờ, đầu tiên là mờ tiếng thứ nhất, sau mờ cả tiếng thứ 2. Đây là triệu chứng xuất hiện sớm và có giá trị trong chẩn đoán. Nhịp tim nhanh, mạch yếu, huyết áp hạ, nhất là huyết áp tối đa; hồi hộp trống ngực, đau tức ngực; khó thở khi gắng sức, có khi khó thở cả khi nghỉ ngơi. Đôi khi có tiếng ngựa phi, tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim do buồng thất trái giãn gây hở van 2 lá cơ năng.

Các triệu chứng của suy tim xuất hiện khi viêm cơ tim lan rộng, biểu hiện: Đau ngực, nhịp tim đập nhanh hoặc bất thường (loạn nhịp tim), khó thở, lúc nghỉ ngơi hoặc trong quá trình hoạt động thể chất. Ứ dịch gây phù chân, mắt cá chân và bàn chân.

Dấu hiệu và triệu chứng có nhiễm virus: Sốt nhẹ, đau họng hoặc tiêu chảy, đau đầu, đau mỏi người, đau mỏi khớp. Trong trường hợp nhẹ, viêm cơ tim có thể không có triệu chứng đáng chú ý. Có thể cảm thấy bị bệnh và có triệu chứng chung của nhiễm siêu vi và không bao giờ nhận ra tim bị ảnh hưởng. Biểu hiện lâm sàng tùy thuộc vào lứa tuổi trẻ bị bệnh và vào bản chất cấp tính hay mạn tính của tình trạng nhiễm virus.

Trẻ sơ sinh thường biểu hiện bệnh bằng sốt, suy tim nặng, suy hô hấp, tím, tiếng tim nghe xa xăm, mạch yếu, nhịp nhanh, hở van hai lá do vòng van bị giãn rộng, nhịp ngựa phi, nhiễm toan và sốc. Các biểu hiện đi kèm có thể là viêm gan virus, viêm màng não nước trong, và nổi ban.Ở thể tối cấp, trẻ có thể tử vong trong vòng 1 đến 7 ngày kể từ khi khởi bệnh. X quang lồng ngực thường cho thấy tim to một cách bất thường, phù phổi. Đo điện tim có thể thấy nhịp nhanh xoang. Đôi khi rối loạn nhịp là biểu hiển đầu tiên của bệnh. Lúc này các triệu chứng như sốt và tim to gợi ý viêm cơ tim cấp.

Ở trẻ lớn hơn viêm cơ tim cấp cũng có thể biểu hiện bằng suy tim xung huyết cấp nhưng thường gặp hơn là suy tim có tiến triển từ từ hoặc tình trạng nhịp nhanh thất xảy ra đột ngột. Ở những bệnh nhân này, tình trạng nhiễm virus cấp tính đã qua và thường đã có tình trạng bệnh cơ tim giãn.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!