Một phòng bệnh theo yêu cầu với mô hình chăm sóc gần như toàn diện tại Bệnh viện Việt Đức
Tại hội thảo truyền thông nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh diễn ra ngày 20-12, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho đề án 'Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030'. Đây là việc hết sức cần thiết và cấp bách.
Theo ông Khuê, bác sĩ Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán… Sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị.
Cũng theo ông Khuê, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém. Kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thực hiện tháng 8-2019 tại 329 bệnh viện, tổng số 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhìn nhận chất lượng dịch vụ hiện nay chưa tương xứng với chất lượng lâm sàng nên một bộ phận người có thu nhập cao không lựa chọn điều trị tại các bệnh viện trong nước mà ra nước ngoài điều trị. Ước tính, khoảng 40.000 người ra nước ngoài điều trị với chi phí hơn 2 tỉ USD/năm. Điều này có thể dẫn tới việc 'chảy máu' ngoại tệ, người bệnh phải chịu chi phí điều trị, mất nhiều thời gian, tiền bạc, phiền hà....
Nhiều bệnh viện đã có nhiều dịch vụ gội đầu cho bệnh nhân ngay tại giường bệnh
Hiện tỉ lệ bệnh viện có khu/khoa điều trị quốc tế chất lượng cao chỉ chiếm 5,5%; tỉ lệ bệnh viện có khu/khoa điều trị yêu cầu chiếm 22,2%. Do đó, Bộ Y tế đã đề xuất chủ trương mới 'dây rút ngược' trong năm 2019 với quan điểm sáng tạo và bứt phá định hướng cho các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối ưu tiên phát triển kỹ thuật chất lượng cao, thay vì tiếp nhận nhiều mặt bệnh như hiện nay.
Theo chỉ tiêu của đề án, đến năm 2030, tỉ lệ bệnh viện xây dựng đề án khám, chữa bệnh chất lượng cao, kỹ thuật cao tại tuyến trung ương là 100%, tuyến tỉnh 20%, tư nhân 15%. Tỉ lệ bệnh viện tuyến trung ương được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 95%. Tỉ lệ tỉnh/thành phố có bệnh viện được công nhận có khu điều trị quốc tế chất lượng cao là 80% và tỉ lệ người nước ngoài khám, chữa bệnh tại Việt Nam tăng trưởng hàng năm từ 1% trở lên.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!