Vô kinh không phải là bệnh lý

Sức khỏe giới tính - 11/24/2024

Vô kinh là khi người phụ nữ đã hoặc đang ở tuổi có khả năng sinh sản nhưng lại không có kinh nguyệt hàng tháng.

Bình thường, tuổi bắt đầu có kinh ở các bé gái trung bình từ 13-16 tuổi. Ở một số em có thể sớm hơn (10-12 tuổi), muộn hơn (17-19 tuổi). Nếu người phụ nữ đã hoặc đang ở tuổi có khả năng sinh sản nhưng lại không có kinh nguyệt hàng tháng như những người bình thường khác thì gọi là vô kinh.

Trong đời người phụ nữ, kinh nguyệt tồn tại khoảng 35 đến 40 năm và thường kết thúc ở tuổi 45-50 hoặc hơn 1 chút, lúc đó không gọi là 'vô kinh' mà là 'mãn kinh'.

Các loại vô kinh

Vô kinh được chia ra 2 nhóm: Vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát.

Vô kinh nguyên phát là trường hợp đã quá tuổi đáng lẽ phải có kinh mà em gái vẫn không có. Vô kinh thứ phát là trường hợp người phụ nữ đã từng có kinh từ 1 lần trở lên nhưng lại không có trong 3 chu kỳ liên tục (có thể là trên dưới 3 tháng) trở lên.

Khi người phụ nữ có thai thì kinh nguyệt hàng tháng cũng không còn nhưng đó là tác động của quá trình mang thai (khi có thai, dưới tác động của các chất nội tiết từ buồng trứng và rau thai, người phụ nữ không còn kinh nguyệt nữa) thì gọi là 'vô kinh sinh lý'.

Vô kinh còn được chia ra 2 loại khác là 'vô kinh giả' và 'vô kinh thật'.

Vô kinh giả là khi người phụ nữ thực sự vẫn có kinh hàng tháng nhưng máu kinh không chảy được ra ngoài mà lại đọng ở bên trong do khuyết tật ở bộ phận sinh dục như không có âm đạo, màng trinh bị bịt kín.

Vô kinh thật là những trường hợp bộ máy sinh dục của người phụ nữ bên ngoài cấu tạo gần như bình thường như mọi phụ nữ khác, nhưng từ tuổi dậy thì đến lúc trưởng thành chưa bao giờ thấy kinh.

Với những dấu hiệu mô tả trên đây, nhận biết 1 trường hợp vô kinh không khó, nhiều khi chưa cần đến sự thăm khám của thầy thuốc.

Tuy vậy vô kinh đó là do nguyên nhân gì thì đôi khi ngay cả thầy thuốc chuyên khoa cũng không phải dễ dàng tìm ra được.

Vô kinh không phải là bệnh lý

Ảnh minh họa

Các nguyên nhân thường gặp

1. Vô kinh do tình trạng toàn thân

- Có thể gặp vô kinh ở người quá gầy yếu do suy dinh dưỡng, do thiếu máu, nhiễm độc, có bệnh gan, bệnh thận mạn tính…

- Có người bị vô kinh sau khi phải dùng dài ngày các thuốc an thần, thuốc chuyển hóa hoặc thuốc chống ung thư.

- Vô kinh có thể xuất hiện khi có những biến động về tâm thần quá mức như vui, buồn, tang tóc, sợ hãi, vất vả, thay đổi môi trường sống…

2. Vô kinh do rối loạn hoạt động nội tiết

- Do vùng chỉ huy nội tiết ở trên não bị suy thoái, hoặc do tăng hoạt động quá mức toàn bộ hệ thống hay từng bộ phận làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các bộ phận khác trong hệ thống đó.

- Do các rối loạn của các tuyến nội tiết khác trong cơ thể như tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng…

3. Vô kinh do bất thường, dị tật, khuyết tật của cơ thể hoặc của bộ phận sinh dục, đặc biệt ở buồng trứng, tử cung

- Có thể do người phụ nữ bị rối loạn di truyền về thể nhiễm sắc khiến cơ thể nói chung, đặc biệt bộ phận sinh dục không phát triển.

- Người mang dị tật bẩm sinh không có buồng trứng, không có tử cung. Có khi tuy có buồng trứng, có tử cung nhưng lại không có âm đạo hoặc do màng trinh bịt kín âm đạo gây nên tình trạng 'vô kinh giả'.

- Những trường hợp người phụ nữ do bệnh tật hay tai biến của sinh đẻ gây tổn thương ở não hoặc phải cắt bỏ tử cung, buồng trứng sẽ bị vô kinh sau mổ.

- Những bệnh ở ngay tử cung, đặc biệt bệnh lao tử cung, những trường hợp phải nạo, hút nhiều lần khiến mất hết niêm mạc tử cung hoặc làm cho tử cung bị dính sẽ đưa đến thiểu kinh (kinh ít) hoặc vô kinh.

Mặc dù vô kinh không phải là 1 bệnh, cũng không phải là 1 triệu chứng nhưng nó luôn gây ra tâm lý lo lắng và buồn phiền, thậm chí nó có thể là vấn đề khá căng thẳng đối với hầu hết các phụ nữ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!