Vô sinh hiếm muộn: Nỗi lo của các cặp vợ chồng trẻ

Sức khỏe sinh sản - 11/24/2024

Vì có nhiều nguyên nhân gây ra hiếm muộn nên để điều trị, cả hai vợ chồng phải đi khám chuyên khoa sản để tìm hiểu nguyên nhân và có phác đồ điều trị hiệu quả.

Phần lớn các cặp vợ chồng sẽ có thai trong vòng một năm đầu khi không sử dụng biện pháp ngừa thai. Hiếm muộn hay vô sinh là tình trạng một cặp vợ chồng không thể có thai hoặc không có con sau ít nhất một năm giao hợp bình thường, không áp dụng biện pháp ngừa thai.

Thực trạng về vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam

Theo số liệu từ Trung tâm hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nếu như 10 năm trước, mỗi ngày trung tâm chỉ tiếp nhận 2 – 3 cặp vợ chồng đến điều trị các vấn đề về hiếm muộn vô sinh thì năm 2015 con số này đã tăng lên gấp 20 lần. Cũng năm 2015, một nghiên cứu do Đại học Y Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương, thực hiện ở 8 tỉnh thành, trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ cho thấy: Tỉ lệ vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam ngày càng tăng cao, lên đến 7,7%.

Trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và thứ phát là 3,8%. Đặc biệt, 50% trong số đó là các cặp vợ chồng có tuổi đời dưới 30. Cũng trong nghiên cứu này, tỷ lệ vô sinh ở nam giới ngày càng tăng cao.

Tại Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm đón nhận 400.000 lượt khám vô sinh hiếm muộn, trong đó tỷ lệ nam giới ngày càng cao. Cùng cho kết quả tương tự, trong một nghiên cứu quy mô lớn tại Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản TP. HCM, thì 85% nam giới trong nghiên cứu có bất thường về tinh dịch.

Vô sinh hiếm muộn: Nỗi lo của các cặp vợ chồng trẻ

Số cặp vợ chồng bị vô sinh ngày càng nhiều.

Tình trạng vô sinh hiếm muộn đang là gánh nặng cho rất nhiều gia đình. Không chỉ gánh nặng chi phí về chữa trị, mà nó còn đè nặng lên tâm lý của nhiều thế hệ trong một gia đình và cũng từ đó không ít trường hợp hôn nhân bị tan vỡ khi không đạt được niềm mong mỏi có con…

Nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh hiếm muộn?

Hiếm muộn được xem là một tình trạng bệnh lý của một cặp vợ chồng. Bệnh lý này có nguyên nhân do vợ hoặc chồng là tương đương nhau, chiếm khoảng 30 - 40% . Do cả vợ và chồng chiếm 15-30% và có khoảng 10% vô sinh hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân thường gặp do chồng:

Ở đàn ông, tình trạng vô sinh hiếm muộn thường thấy đầu tiên là do bất thường chất lượng và số lượng tinh trùng. Một số nam giới không có tinh trùng do biến chứng các bệnh lý như giãn tĩnh mạch thừng tinh, viêm tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh và một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Trường hợp tinh trùng quá ít và yếu có thể do các bệnh về nội tiết, giãn tĩnh mạch thừng tinh, tinh hoàn ẩn, nhiễm các chất độc hại ảnh hưởng đến quá trình sinh sản tinh trùng. Hoặc tinh trùng bị dị dạng (tinh trùng có cấu trúc bất thường ở đầu, thân, đuôi…). Nguyên nhân thường do các bệnh lý như nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm mào tinh hoàn di biến chứng quai bị, lao mào tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh. Sự ảnh hưởng của các tia phóng xạ, nghiện rượu, thuốc lá… cũng có thể gây ra những đột biến tinh trùng. Khi tinh trùng bị dị dạng thì rất khó thụ thai, nếu thụ thai thành công thì cũng khó giữ thai.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân như thiếu hụt nội tiết do suy tuyến sinh dục; xuất tinh sớm; xuất tinh ngược dòng. Ở người nghiện thuốc lá, rượu cũng có tỉ lệ vô sinh cao hơn.

Hiện nay đã có rất nhiều biện pháp hỗ trợ điều trị hiếm muộn, tuy nhiên vẫn chưa có một biện pháp nào mang lại hiệu quả 100%...

Nguyên nhân thường gặp do vợ:

Ở nữ giới, đa dạng hơn về nguyên nhân, trong đó tình trạng tổn thương vòi trứng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tính trạng vô sinh. Khi vòi trứng bị tắc, dính, ứ dịch… sẽ khiến cho tinh trùng và trứng không thể gặp nhau để thụ tinh. Tắc vòi trứng có thể do các bệnh lý như viêm phần phụ, lạc nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung, viêm âm đạo, nhiễm khuẩn vùng chậu.

Nguyên nhân thứ hai là rối loạn rụng trứng hay không rụng trứng. Biểu hiện rõ nhất đó là tình trạng vô kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Tình trạng này có thể do các bệnh lý về buồng trứng (buồng trứng đa nang, ung thư buồng trứng, u nang buồng trứng, viêm buồng trứng, suy buồng trứng) hoặc do rối loạn nội tiết tố nữ.

Thứ ba là do lạc nội mạc tử cung gây viêm, dính vòi tử cung, hai buồng trứng, dẫn tới co kéo, lệch vị trí buồng trứng, thậm chí tắc vòi tử cung gây khó khăn cho việc di chuyển của trứng, cản trở trứng gặp tinh trùng để thụ tinh. Ngoài ra, còn có các bệnh ở cổ tử cung như: U xơ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, hẹp cổ tử cung, dính cổ tử cung… đều cản trở sự di động của tinh trùng vào buồng tử cung gây vô sinh nữ.

Ngoài những nguyên nhân trên thì tác động từ môi trường sống bị ô nhiễm, việc tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ hoặc ăn uống chứa nhiều chất độc hại, nghiện rượu bia, thuốc lá… và kể cả tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, trầm cảm kéo dài… cũng là những tác nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ vô sinh của nam và nữ giới ngày càng gia tăng.

Khi nào cần đi khám và điều trị?

Vì có rất nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh hiếm muộn như trên đã nêu, do đó để điều trị bệnh này, cả hai vợ chồng cần phải đi khám chuyên khoa sản để tìm hiểu nguyên nhân và từ đó bác sĩ mới có phác đồ điều trị hiệu quả.

Vô sinh hiếm muộn: Nỗi lo của các cặp vợ chồng trẻ

Siêu âm đầu dò phát hiện bất thường ở buồng trứng chẩn đoán vô sinh.

Đối với nam giới: Trước hết cần xét nghiệm tinh trùng (hay còn gọi là xét nghiệm tinh dịch đồ). Đây là một xét nghiệm quan trọng được sử dụng trong việc chẩn đoán và hỗ trợ điều trị vô sinh ở nam giới. Từ kết quả của xét nghiệm tinh trùng, bác sĩ đánh giá sơ bộ về khả năng sinh sản ở nam giới, đánh giá về số lượng, chất lượng tinh trùng, từ đó phân tích rõ nguyên nhân gây vô sinh do đâu, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Nam giới cần sớm đi xét nghiệm tinh dịch đồ khi thấy biểu hiện: Tinh dịch có lẫn máu, đau khi xuất tinh; lượng tinh dịch khi xuất tinh quá nhiều hoặc quá ít (lượng tinh dịch bình thường là 2- 5ml. Nếu tinh dịch ít hơn 2ml hay nhiều hơn 7ml thì rất dễ dẫn đến vô sinh). Tinh hoàn đau không do chấn thương; đau nhẹ quanh tinh hoàn; tinh hoàn có cục nhỏ, rắn, không đau; bìu sưng to và mềm ở một hay cả hai bên; bìu to tròn, căng như quả bóng, có nước ở tinh mạc; sưng to nhưng mềm ở phía trên tinh hoàn và càng to hơn khi hoạt động, khi nâng vác vật nặng hay khi ho; tinh hoàn xoắn (là trường hợp mà máu cung cấp cho tinh hoàn bị chặn lại) hay tinh hoàn không nằm đúng vị trí.

Dương vật bất thường: Dương vật không cương cứng, dương vật cong quặp, dương vật nhỏ ngắn kèm theo tinh hoàn nhỏ. Hoặc khi thấy các biểu hiện như: Xuất tinh sớm, xuất tinh ngược; đau khi giao hợp; rối loạn cương dương.

Đối với nữ giới: Sau khi khám bệnh cùng với các biện pháp cận lâm sàng, bác sĩ sẽ tìm được nguyên nhân gây vô sinh và có tư vấn điều trị hợp lý. Tùy từng trường hợp mà có thể dùng thuốc điều trị các bệnh dẫn đến tình trạng vô sinh hoặc sử dụng biện pháp phẫu thuật để sửa chữa các khuyết tật di truyền, loại bỏ dính tắc vòi trứng, cắt bỏ polyp, u nang và những tế bào tăng trưởng bất thường. Tỷ lệ thành công rất khác nhau, từ 10 – 90%, tùy thuộc vào mức độ và quá trình phẫu thuật.

Hiện tại, rất nhiều các phương pháp mới ra đời nhằm hỗ trợ quá trình điều trị, góp phần mang đến niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng không may bị vô sinh hiếm muộn, không có khả năng mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chưa có một phương pháp nào cho hiệu quả 100%.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!