Vô sinh: nguyên nhân và cách điều trị (Phần 2)

Chuẩn bị mang thai - 04/30/2024

Hello Bacsi - Vô sinh (hay hiếm muộn) là nỗi niềm của rất nhiều cặp vợ chồng muốn có con. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách thoát khỏi tình trạng này nhé.

Nếu vợ chồng bạn sinh hoạt tình dục đều đặn trong 1 năm, không sử dụng bất kỳ biện pháp phòng tránh nào mà chưa có tin vui thì bác sĩ có thể chẩn đoán vợ hoặc chồng mắc bệnh vô sinh. Trong trường hợp người vợ trên 35 tuổi, khi đã quan hệ trên 6 tháng vẫn chưa mang bầu thì cũng được xem là vô sinh.

Hiếm muộn (vô sinh) là nỗi đau của nhiều gia đình, nhưng bạn đừng nên quá bi quan vì y học hiện đại đã phát triển nhiều biện pháp chữa bệnh hiệu quả, sớm mang lại tiếng cười trẻ nhỏ trong mái ấm của vợ chồng bạn.

Trong bài viết trước Hello Bacsi đã cập nhật 4 nguyên nhân chính yếu gây vô sinh, bài viết này sẽ tiếp tục chủ đề với 6 nguyên nhân thường gặp khác và phương án đề nghị chữa trị phù hợp.

Thừa hoặc thiếu cân ở vợ/chồng

Thừa hoặc thiếu cân quá mức đều có thể làm rối loạn chức năng nội tiết trong cơ thể bạn hoặc chồng bạn. Tập thể dục quá sức cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam và nữ. Giải pháp cho vấn đề này là duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và sử dụng các thực phẩm chức năng.

Trước khi quyết định có thai, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng và bổ sung các dưỡng chất như dầu cá, vitamin D, khuẩn sống,… Khi bạn muốn dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm để điều trị, hãy nhớ  bổ sung dưỡng chất trước đó 3 tháng nhé.

Stress

Stress cũng có thể làm cho kinh nguyệt của bạn không đều, dẫn đến khó mang thai. Nếu stress là nguyên nhân duy nhất khiến cho bạn có thể rơi vào tình trạng hiếm muộn, bạn nên đến tìm gặp bác sĩ tâm lý để tư vấn về cách điều hòa stress, hoặc bạn có thể tập yoga, ngồi thiền hoặc thư giãn cùng với gia đình. Châm cứu cũng có thể giúp giảm stress cho bạn đấy!

Bệnh tắc vòi trứng

Một trong những nguyên nhân gây vô sinh là bị tắc vòi trứng do nhiễm trùng. Cách điều trị thông thường và hiệu quả nhất là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Tuổi tác

Ở độ tuổi dậy thì, cơ thể người nữ có 300.000 trứng và trong số đó chỉ có khoảng 400 trứng đủ trưởng thành để phóng ra ngoài, số còn lại sẽ mất đi. Đến khi mãn kinh, bạn sẽ không còn trứng trong buồng trứng nữa.

Bạn không thể điều trị vì đây là vấn đề không thể thay đổi được. Nhưng nếu nhìn vào lý do tại sao tỉ lệ những người phụ nữ vô sinh tăng cao, bạn sẽ thấy đa số phụ nữ hiện nay đều có nhu cầu mang thai trễ. Cụ thể là nữ giới ở lứa tuổi 35 hoặc 36 mới quan tâm đến việc mang bầu. Lúc đó, số lượng trứng trong buồng trứng đã gần hết, và chất lượng chắc chắn cũng không như khi bạn còn trẻ.

Vậy cách tốt nhất để có thể có thai khi đã ngoài 30 là đảm bảo chất lượng của trứng luôn ở mức tốt nhất. Điều đó có nghĩa là người vợ không hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý, điều trị bệnh tuyến giáp (nếu có), bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết như dầu cá, vitamin D, khuẩn sống, các loại vitamin tốt cho thai kỳ, CoQ10 ( giúp tăng chất lượng trứng),…

Vợ hoặc chồng nghiện thuốc lá

Khói thuốc lá có ảnh hưởng xấu đến khả năng thụ thai, cơ bản là làm kéo dài thời gian thụ thai, giảm số lượng và động năng tinh trùng, rụng trứng không đều và hàng loạt thứ khác nữa. Cách điều trị đơn giản và hiệu quả tuyệt đối nhất mà chỉ có bản thân bạn hoặc chồng bạn mới làm được là ngưng hút thuốc và tránh xa khói thuốc.

Progesterone thấp

Sau khi rụng trứng, progesterone sẽ được sản xuất từ hoàng thể để hỗ trợ phôi làm tổ và hỗ trợ thai kỳ trong những ngày đầu. Trong giai đoạn này của chu kỳ kinh, tình trạng thiếu progesterone này được gọi là suy hoàng thể. Tình trạng này có thể dẫn tới rối loạn phát triển nội mạc tử cung hoặc làm giảm khả năng nâng đỡ thai của lớp lót tử cung. Cách điều trị tốt nhất là bổ sung progesterone bằng viên nén, đặt âm đạo hoặc tiêm thuốc qua tĩnh mạch, giúp làm dày nội mạc tử cung cho phép phôi làm tổ ở tử cung.

Khi nghi ngờ mình mắc các tình trạng trên, vợ chồng bạn nên đến bệnh viện để tiến hành các xét nghiệm nhằm tìm rõ nguyên nhân và được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với cơ địa.

Bạn có thể quan tâm một số bài viết sau đây:

  • Làm sao để có thai khi kinh nguyệt không đều?
  • Làm gì để có thai khi mắc buồng trứng đa nang? (Phần 1)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!