Tới dự buổi lễ có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế.
Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Jeffery Kobza cho biết, một số sự cố an toàn thực phẩm trong những năm gần đây đã thể hiện ảnh hưởng mang tính đa quốc gia. Do đó, cần những nỗ lực giải quyết của chính phủ các nước cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng thực phẩm trên toàn cầu.
An toàn thực phẩm đã trở thành một chủ đề nổi bật và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn là chủ đề cho Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và kêu gọi nhiều chính phủ nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm.
An toàn thực phẩm đã trở thành một chủ đề nổi bật trong Ngày Sức khỏe Thế giới 2015 (7/4) (Ảnh: Internet)
Theo ông Jeffery Kobza, đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm của tất cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Các nhà sản xuất, nhà chế biến và người kinh doanh thực phẩm ở Việt Nam cần phải chịu trách nhiệm đối với sự an toàn của thực phẩm mà họ sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần phải thực hiện các biện pháp dự phòng và tuân thủ các thực hành tốt về an toàn thực phẩm.
'Tổ chức Y tế Thế giới cam kết luôn sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm', Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới Jeffery Kobza nhấn mạnh.
Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế đưa ra năm thông điệp giúp thực phẩm an toàn hơn bao gồm:
- Giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch tay và giữ sạch sẽ bề mặt nơi chế biến thức ăn.
- Bảo quản riêng biệt thức ăn chín và thực phẩm sống.
- Nấu chín kỹ thức ăn, đặc biệt là thịt, gia cầm, trứng.
- Giữ thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp.
- Sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn khi chuẩn bị thức ăn.
Sau buổi lễ, các đại biểu đã tham gia buổi trình diễn thực hành theo hướng dẫn 'năm bước quan trọng để đảm bảo thức ăn an toàn'.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!