Xã hội hóa đầu tư y tế ở Đồng Nai: Thành quả kèm thách thức

Thời sự - 11/24/2024

Những năm qua, Đồng Nai luôn phải đối mặt với áp lực tăng đầu tư cho y tế nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, việc khuyến khích xã hội hóa (XHH) đầu tư vào lĩnh vực này đã mang lại những kết quả bước đầu rất ấn tượng, nhưng đi kèm với đó là những thách thức.

Xã hội hóa đầu tư y tế ở Đồng Nai: Thành quả kèm thách thức

Máy xét nghiệm hóa sinh giúp phát hiện ung thư của Bệnh viện Đa khoa Hạnh Phúc. Ảnh: HẠNH DUNG

Những con số ấn tượng

Nói đến công tác XHH của ngành y tế Đồng Nai, đầu tiên phải kể đến các bệnh viện: Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất, Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, với tỷ lệ giường bệnh XHH rất cao. Trong đó, đứng đầu là Đa khoa Đồng Nai với quy mô 1.400 giường thì có đến 700 giường được đầu tư bằng hình thức XHH, góp phần nâng số giường bệnh XHH trong toàn tỉnh lên 1.984 giường, đạt tỷ lệ 6,4 giường/10.000 dân. Nhờ khuyến khích đầu tư XHH y tế mà đến nay, toàn tỉnh có trên 3.236 cơ sở hành nghề y dược tư nhân, trong đó có 6 bệnh viện, 49 phòng khám đa khoa, 720 phòng khám chuyên khoa, 110 phòng chẩn trị y học cổ truyền, 2.230 cơ sở kinh doanh dược phẩm... Cơ sở hành nghề y dược tư nhân phần lớn được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Chỉ tính riêng 49 phòng khám đa khoa tư nhân hiện có, tổng số vốn đầu tư XHH y tế đã lên đến con số 490 tỷ đồng - một con số không nhỏ trong điều kiện ngân sách không đủ đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh với đòi hỏi ngày càng cao của người dân.

Đối với các cơ sở y tế công lập, ngoài việc quản lý tốt nguồn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ nguồn vốn ngân sách, các đơn vị còn mạnh dạn vay vốn ngân hàng với tổng số vốn hơn 200 tỷ đồng để đầu tư máy móc hiện đại dùng trong chẩn đoán, phẫu thuật, như máy CT scaner, MI, lọc máu, hệ thống điều trị bằng oxy cao áp, máy gia tốc tuyến tính, máy CT 2,4 tesla… Nhờ đó, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai ở các bệnh viện lớn, giúp cho việc chẩn đoán nhanh, chính xác, điều trị kịp thời cho bệnh nhân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tính đến nay, đã có 6 bệnh viện trong tỉnh thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật sọ não hoặc thay khớp gối, thay khớp háng, thay chỏm xương đùi, tán sỏi tiết niệu, thận nhân tạo, điều trị ung thư, vô sinh…

Cần tháo gỡ nút thắt

Tuy vậy, việc các cơ sở y tế tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều đã khiến cho tình trạng chảy máu chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân diễn ra với mức độ ngày càng gay gắt. Một lượng lớn bác sĩ giỏi (chuyên khoa 1, chuyên khoa 2) có thâm niên công tác 10 - 20 năm, đang giữ cương vị trưởng, phó khoa phòng, đã đầu quân cho các cơ sở y tế tư nhân với mức lương cao hơn, khiến một số bệnh viện công thiếu hụt bác sĩ giỏi.

Bác sĩ - Tiến sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, thừa nhận việc bác sĩ giỏi bỏ ra ngoài làm việc ở các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đang là một vấn nạn của ngành y tế địa phương. Các bác sĩ mới ra trường phần lớn tập trung ở TPHCM và rất khó lôi kéo về địa phương, thậm chí cả với các sinh viên Đồng Nai, trong khi nguồn đào tạo tại chỗ lại rất hạn chế. Do đó, theo bác sĩ Vũ, giải pháp căn cơ vẫn là cho phép tỉnh Đồng Nai được mở đào tạo ngành y khoa chính quy ngay tại Trường Đại học Đồng Nai, mỗi năm cần bổ sung 50 - 70 bác sĩ để đủ cung ứng cho các bệnh viện công và tư. Ngoài ra, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cần quan tâm giải quyết kịp thời nguồn chi vượt quỹ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh năm 2019 để các bệnh viện công của tỉnh có điều kiện bổ sung kinh phí, nguồn thuốc men và giải quyết nhu cầu tăng thu nhập chính đáng của đội ngũ y bác sĩ, tạo tâm lý an tâm phục vụ bệnh nhân. Dân số tăng nhanh, trong khi nguồn kinh phí được Chính phủ giao lại có xu hướng giảm cơ học, là rất bất hợp lý và không công bằng cho các tỉnh có đóng góp lớn vào ngân sách trung ương hàng năm như Đồng Nai.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!