Xăm mình coi chừng giang mai, HIV

Kỹ năng sống - 11/24/2024

Nếu bị thâm nhiễm tế bào, họ sẽ bị ngứa, khó chịu, lở loét da, dẫn đến viêm mạn tính tại chỗ, thậm chí ung thư da.

Xăm trổ trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Những người tham gia thường không biết rằng thú chơi này sẽ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, dị ứng, HIV, thậm chí là ung thư da…

Theo các bác sĩ, hầu hết giới trẻ tự xăm cho nhau hoặc đi xăm tại các cơ sở không đảm bảo nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Mức độ tổn thương càng nghiêm trọng nếu hình xăm lớn, sâu, đậm tại vùng nhiều đầu dây thần kinh, mạch máu, các tổ chức nhạy cảm như mắt, môi, lưỡi, bộ phận sinh dục.

Xăm mình coi chừng giang mai, HIV

Có thể bị giang mai, HIV từ việc xăm trổ

Mất việc, hỏng da vì một chữ xăm

Đó là trường hợp của anh Đ, 26 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội. Để chứng tỏ tình yêu của mình, anh khắc tên bạn gái trên bắp tay phải. Khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Đ. bị trả về nước vì có hình xăm trên cơ thể. Sau khi tự mua axít để xóa xăm, dòng chữ đó mất di nhưng để lại sẹo lồi sưng đỏ, gây ngứa, rát và rỉ nước. Đi khám tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, vết sẹo đã bị nhiễm trùng, buộc phải cắt bỏ và ghép da.

Một trường hợp khác là chị T, 35 tuổi, ở Nghệ An, xăm hình cánh phượng hai bên vai. Sau một thời gian, ở các đường viền của hình xăm bắt đầu nổi cục, đỏ tấy và mưng mủ. Tại khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ cho biết hình xăm đã gây biến chứng nhiễm trùng, phải hút mủ và tiêm thuốc. Do bệnh nhân nhất quyết không xóa hình xăm nên dù đã điều trị ba năm, tình trạng dị ứng vẫn không hết. Cách vài tháng, chị T lại phải đến bệnh viện hút mủ và lấy thuốc uống.

Thạc sĩ Vũ Ngọc Quý, khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những người xăm trổ thường còn trẻ, và những trường hợp vì hình xăm mà mất việc như anh Đ không hề hiếm. Nhiều cô gái khó lấy chồng hoặc bị chồng căn vặn, ác cảm vì đã trót xăm trổ.

Có thể nhiễm HIV, giang mai

Thạc sĩ Quý cảnh báo, bệnh nhân xăm trổ nếu bị dị ứng sẽ rất khó chữa vì không biết thành phần chất bột màu đưa vào cơ thể. Người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài, tốn kém. Nếu bị thâm nhiễm tế bào, họ sẽ bị ngứa, khó chịu, lở loét da, dẫn đến viêm mạn tính tại chỗ, thậm chí ung thư da. Nguy hiểm hơn, các dụng cụ xăm không được tiệt trùng đúng phương pháp sẽ có thể làm lây nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai…

Tiến sĩ Vũ Quang Vinh, Phó khoa Phẫu thuật tạo hình, Viện Bỏng quốc gia, cho biết tất cả các chất bột tạo màu khi xăm đều chứa kim loại nặng. Nếu vết xăm quá sâu, các kim loại nặng này sẽ được hấp thu vào cơ thể, gây tổn thương ở một số bộ phận như gan, thận… 

Ngoài ra, hiểm họa bệnh tật còn có thể xảy ra trong quá trình xóa xăm. Theo tiến sĩ Vinh, rất nhiều trường hợp tự mua axít xóa xăm tại nhà. Với cách làm này, bệnh nhân dễ bị bỏng do dùng axít quá đậm đặc.

Axít làm mất màu sắc hình xăm nhưng lại gây sẹo lồi. Nhiều trường hợp vết sẹo lồi gây đau, ngứa, co kéo, hạn chế vận động, phải cắt bỏ khối sẹo và phẫu thuật ghép da, rất tốn kém.

Phương pháp xóa xăm được áp dụng chủ yếu tại các cơ sở y tế hiện nay là dùng tia laze. Mỗi loại máy laze chỉ xóa được một số màu xăm nhất định. Do đó, các bác sĩ khuyên nên cân nhắc trước khi quyết định xăm trổ. Khi muốn xóa xăm, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín, có máy laze chuyên dụng, được tư vấn phương pháp xóa xăm tốt nhất để hạn chế biến chứng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!