Xử lí bong da lòng bàn tay

Bài thuốc dân gian - 04/26/2024

Với người bị viêm da cơ địa, quan trọng nhất là phải kiêng khem, sau mới đến dùng thuốc.

Cấu trúc cơ bản của da có 3 lớp, trong đó lớp thượng bì ngoài cùng không được nuôi dưỡng trực tiếp bằng hệ thống mao mạch mà sống nhờ thẩm thấu từ dịch mô.

Ngoài 20 tuổi, da bắt đầu lão hóa và tốc độ lão hóa rõ nhất từ 30 tuổi trở đi. Da ở bàn tay khá mỏng nên khi da bị mất nước rất dễ bị khô và bong tróc.

Mùa đông, độ ẩm không khí giảm càng khiến cho những người có cơ địa dị ứng dễ bị bong tróc da. Bên cạnh đó, đôi bàn tay thường xuyên phải lao động, va chạm, tiếp xúc với nhiều tác nhân vật lý, hóa học... nên càng dễ bị bong.

Bong da tay thường do viêm da cơ địa ở những người có cơ địa dị ứng, hoặc do viêm do tiếp xúc: da bị bong tróc do phản ứng với các tác nhân như nước rửa bát, chất tẩy rửa vệ sinh, xà phòng, hóa chất, găng cao su, kim loại nặng...

Xử lí bong da lòng bàn tay

Ảnh minh họa

Một số yếu tố khác khiến da dễ bị bong bao gồm rối loạn thần kinh thực vật, đổ mồ hôi tay nhiều, dinh dưỡng kém, ăn uống thiếu các vitamin A, vitamin nhóm B, PP... Nhưng nhiều trường hợp, không rõ nguyên nhân gây bong da.

Có thể nói nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt... có thể ảnh hướng đến bệnh. Những người làm công việc thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, nếu không thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo hộ lao động sẽ dễ bị viêm da tiếp xúc.

Nhiều bà nội trợ vì quá hăng hái giữ vệ sinh nhà cửa mà sử dụng thường xuyên các hóa chất gia dụng: nước rửa chén bát, dung dịch lau sàn nhà, dung dịch cọ toilet, xà phòng... Người cơ địa dị ứng, ví dụ như dị ứng với tôm, cua, hải sản... cũng có thể dễ bị viêm da dị ứng.

Để xử lí tình trạng bong da, việc đầu tiên bạn cần làm là xác định nguyên nhân gây bong da để phòng tránh. Ví dụ, nếu bản thân có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn những thức ăn lạ, thức ăn có chất tanh, hải sản, hạn chế uống bia rượu và tuyệt đối kiêng tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa.

Cần nhấn mạnh là, với người bị viêm da cơ địa, quan trọng nhất là phải kiêng khem, sau mới đến dùng thuốc.

Bên cạnh việc tránh tiếp xúc với các tác nhân gây viêm da,người bệnh cần giữ cho da luôn sạch, có thể sử dụng các sản phẩm dưỡng da giúp giữ ẩm cho da, bổ sung cho da những thành phần dinh dưỡng quan trọng và cần thiết.

Khi lựa chọn những sản phẩm này, bạn chú ý lựa chọn loại phù hợp với làn da bản thân, không nên thay đổi sản phẩm chăm sóc da thường xuyên.

Bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin A, tốt nhất là từ nguồn thực phẩm tươi sạch hằng ngày, uống nhiều nước cũng là những biện pháp hỗ trợ cho làn da chóng hồi phục.

Nếu da bong nhiều, kéo dài, kèm theo ngứa nhiều, chảy nước, nhiễm khuẩn... cần đến khám tại các cơ sở chuyên khoa Da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!