Những đối tượng thường gặp phải tai nạn này đa phần là trẻ em. Tuy nhiên, nếu biết cách xử lý, nạn nhân vẫn có thể sống sót.
Sơ cứu sai cách dẫn đến nguy hiểm tính mạng
Đó là trường hợp của bé Trần Viết T. (22 tháng tuổi, ở Hải Dương) tử vong do uống nhầm dầu hôi và do cách sơ cứu sai lầm của người nhà. Thay vì đưa cháu đến ngay bệnh viện ngay, người nhà T đã móc họng để cháu nôn ra trước đó nhưng khi đến bệnh viện thì T. đã ngưng thở và tử vong sau một ngày.
Trường hợp bé gái 5 tuổi, tên Gia Nghệ trong gia đình ông Lưu sống ở vùng Tô Châu, Trung Quốc cũng là một ví dụ. Bố mẹ em đã đựng nước giặt quần áo trong chai nước giải khát và để nó ngay trên bàn. Gia Nghệ vì quá khát, đã cầm chai nước giặt tẩy lên uống. Khi phát hiện, ngay lập tức cha mẹ đã làm mọi cách để em nôn ra. Gia Nghệ đang nôn thì bị nghẹn lại trong phổi, mặt tím tái và bệnh tình thêm trầm trọng hơn. Khí quản, phổi và thận của em bị tổn thương nghiêm trọng.
Vừa qua, sự việc đau lòng diễn ra tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. 4 cháu bé lớp 5 tuổi trong lúc chơi đùa đã nhặt được một gói bột màu trắng, nghĩ là đường nên rủ nhau bóc ra ăn. Mọi người vô cùng hoảng hốt khi phát hiện ra đó là gói bột thông cống. Loại bột này có tính ăn mòn cao, vô cùng nguy hiểm nếu nuốt phải.
Cháu H. bị bỏng nặng ở miệng do ăn nhầm bột thông cống (Ảnh: Vietnamnet)
Cả 4 cháu đã được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu. Trường hợp nặng nhất là cháu Nguyễn Công H trong tình trạng sốt cao, môi tím, loét sâu vùng miệng, không nuốt được, kèm theo nhiễm trùng, đau bụng, hiện vẫn đang nằm điều trị tại bệnh viện. 3 trường hợp còn lại tổn thương nhẹ hơn, được ra viện và điều trị tại nhà.
Do vậy, việc phát hiện, sơ cứu đúng cách và kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Các dấu hiệu nhận biết khi bị ngộ độc hóa chất
Nạn nhân khi nuốt hóa chất thường có biểu hiện đau họng, buồn nôn, nôn mửa, ho sặc sụa, môi và lưỡi sưng đỏ, phồng rộp, chảy máu, đau vùng thượng vị, mũi ức hoặc đau lan tỏa khắp bụng. Ngoài ra, có thể xuất hiện các vết bỏng, lở loét quanh vùng miệng do nuốt phải một loại hóa chất có tính ăn mòn như kiềm, axít, chất tẩy rửa. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà nạn nhân nuốt hoặc ăn phải.
Nạn nhân bị khó thở, thở gấp, mặt tím tái, da nhợt nhạt, suy hô hấp. Ngoài ra có thể nghe thấy tiếng thở rít do co thắt thanh quản. Nạn nhân bị ngộ độc hóa chất, nhất là trẻ em thường có các biểu hiện rối loạn ý thức, la khóc, thậm chí cũng có thể hôn mê.
Một thí sinh Vietnam's Got Talent uống nhầm axit khiến nhiều người xem hoang mang (Ảnh: Lao động)
Cách xử lý
Khi phát hiện có người nuốt nhầm chất lạ, cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để xử lý được chính xác. Nhiều trường hợp sơ cứu sai lầm sẽ khiến tình trạng người bệnh trở nên trầm trọng hơn, có thể để lại di chứng hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Cần tìm hiểu xem người bệnh đã uống nhầm loại gì, với lượng bao nhiêu. Với mỗi loại uống nhầm thì có cách xử lý khác nhau.
Biết để sinh tồn: Cấp cứu nạn nhân ngộ độc thuốc trừ sâu (Thực hiện bởi SongKhoe.vn)
- Uống nhầm xăng, axit, chất tẩy rửa:
Đây là các chất có tính ăn mòn mạnh vì vậy tuyệt đối không được gây nôn. Làm vậy sẽ khiến hóa chất tràn vào khí quản lần nữa, càng tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Các hơi hóa chất xâm nhập thực quản khiến nạn nhân dễ bị viêm phổi.
Trước khi đưa tới bệnh viện có thể cho nạn nhân uống vài ngụm nước nhỏ để tránh bỏng rát cổ họng. Phải uống từ từ, tránh bị sặc nước nếu không tình trạng càng nguy kịch hơn.
- Uống nhầm thuốc diệt cỏ:
Đối với trường hợp này lại phải gây nôn càng sớm càng tốt. Cho nạn nhân uống nước và móc họng gây nôn, tốt nhất là cho uống siro ipeca (trẻ nhỏ uống 10-15ml, người lớn 30 ml). Khi cho uống, đặt đầu nạn nhân thấp để tránh bị sặc vào phổi, đồng thời nằm nghiêng để tránh chất độc chảy vào khí quản gây tắc thở.
Sau đó, cho nạn nhân uống than hoạt tính hoặc uống đất sét hấp thụ paraquat để giảm bớt độc tố.
- Uống nhầm thuốc:
Giữ nạn nhân ngồi hoặc đứng để chất trong dạ dày không trào lên thực quản, tuyệt đối không để nằm. Nếu nạn nhân còn tỉnh thì nhanh chóng tiến hành móc họng gây nôn, đồng thời cho uống nhiều nước ấm rồi gây nôn để loại bỏ chất độc khỏi cơ thể. Trong trường hợp nạn nhân hôn mê, co giật thì không gây nôn.
Sau những bước sơ cứu thì phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện. Lưu ý mang theo vỏ thuốc, hộp chứa các dung dịch uống phải để các bác sĩ có hướng xử lý phù hợp.
Các hóa chất nguy hiểm cần phải để xa tầm tay của trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Internet)
Để phòng tránh hậu quả
Để hóa chất trong hộp riêng, đậy kín, tốt nhất là có khóa, tránh xa tầm tay trẻ em. Không để bất cứ loại hóa chất nào trong khu vực trẻ em thường vui chơi qua lại.
Không nên tái sử dụng các vỏ chai đựng nước uống, chai màu, vỏ đục, khó quan sát màu sắc bên trong để đựng hóa chất nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra.
Ưu tiên sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên, ít độc hại hơn.
Nhà sản xuất các loại hóa chất độc hại cần có cảnh báo bằng hình ảnh nguy hiểm và in chữ to bằng tiếng Việt cho người sử dụng dễ dàng nhận biết và phân biệt.
Quan trọng hơn, cần biết cách xử lý tức thời khi tình huống không ngờ xảy ra.
>> Xem thêm: 4 trẻ gặp nguy hiểm vì ăn nhầm bột thông cống
Mai Hồ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!