Xử trí đau cổ - vai - gáy

Cần biết - 12/22/2024

Bệnh đau vai gáy là một dạng rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi sự co cứng cục bộ, đột ngột do rối loạn chức năng thần kinh mà không do tổn thương xương, khớp, đốt sống cổ hay đĩa đệm...

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, song gặp nhiều ở lứa tuổi trưởng thành, đặc biệt là ở những người có tuổi. Đây cũng chính là căn bệnh liên quan đến cột sống cổ thường gặp nhất. Bệnh không gây nguy hiểm nhưng làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh khác nhau, song tất cả đều dẫn tới một hội chứng cuối cùng là bệnh nhân bị đau cơ ở vùng vai gáy và hạn chế vận động quay đầu, quay cổ. Bệnh đau vai gáy thường xuất hiện một cách đột ngột, có nhiều bệnh nhân bỗng dưng sau một đêm ngủ dậy thấy xuất hiện đau vùng cổ, vai, gáy. Do đó, biểu hiện đầu tiên mà bệnh nhân nhận thấy là hiện tượng đau cơ vùng cổ gáy, vai và có thể cả phần lưng trên.

Ban đầu, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau nhẹ, đau mỏi vùng vai gáy và hạn chế vận động vùng cổ gáy, vùng đầu như không quay đầu thoải mái được, chỉ nghiêng sang trái hoặc phải mà không quay lại phía sau được. Tình trạng này có thể xuất hiện một cách tự phát hoặc xuất hiện sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng hoặc bị nhiễm lạnh.

Xử trí đau cổ - vai - gáy

Xử trí khi bị đau cổ vai gáy.

Phát hiện bệnh như thế nào?

Dấu hiệu đầu tiên mà người bệnh có thể nhận thấy là đau cơ vùng cổ, gáy, vai và phần lưng trên. Triệu chứng đau rất khác nhau ở các thể bệnh khác nhau và tùy ở từng người. Ban đầu chỉ là đau nhẹ và tạo ra sự hạn chế vận động nhẹ. Người bệnh vẫn đi lại, làm việc được, chỉ một chút phiền hà là không quay đầu thoải mái được, chỉ quay được rất hạn chế và hầu như chỉ nghiêng sang trái hoặc sang phải mà không thể ngoảnh lại hẳn phía sau.

Ở mức độ bệnh nặng hơn hoặc kéo dài hơn, người bệnh đau nhiều hơn và ảnh hưởng đến ngủ nghỉ và ăn uống. Sang giai đoạn nặng hoặc khi bị kéo dài, thường sau 2-3 ngày là bệnh có thể tiến triển. Khi đó, mọi sinh hoạt vận động liên quan nhẹ đến cơ vùng cổ vai gáy cũng rất đau. Chính vì thế, nó làm hạn chế hầu như mọi sinh hoạt thường nhật của bệnh nhân.

Song có lẽ khổ nhất là lúc ngủ. Người bệnh ban đầu còn có thể nằm ngủ được, sau thì không thể nằm ngủ được vì khi nằm, trọng lượng cơ thể dồn lực tác động vào một bên. Nếu nằm về bên bệnh thì lực cơ thể làm đau thêm. Nếu nằm về bên lành thì bên bệnh bị kéo căng vẫn đau.

Có khi triệu chứng đau lan xuống cả bả vai làm cho cánh tay, cẳng tay và ngón tay bị tê mỏi rất khó chịu, thậm chí chỉ cần sờ vào cũng có cảm giác như tê cứng bì, đây là biểu hiện tăng cảm giác. Tình trạng tăng cảm giác khiến chỉ cần một động tác sờ nhẹ ngoài da vùng gáy hoặc chỉ cần ấn lướt rất nhẹ ngoài da vùng cánh tay, cẳng tay, mu bàn tay cũng có thể tạo ra cảm giác đau rõ rệt. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng rối loạn phản xạ gân xương. Thậm chí khi bị đau quá mức, bệnh nhân chỉ cần đi lại nhẹ nhàng cũng đủ gây ảnh hưởng và gây đau vùng cổ, vai, gáy. Nếu không được điều trị sớm, đến khi bệnh nặng hơn thì mọi sinh hoạt, vận động liên quan đến vùng cổ, vai, gáy dù nhẹ cũng đều gây đau đớn và làm hạn chế mọi sinh hoạt của bệnh nhân.

Cách xử trí

Khi bị đau cổ vai gáy, nên đi khám để các bác sĩ chuyên khoa tìm ra nguyên nhân, xác định xem có hiện tượng chèn ép gây tổn thương dây thần kinh hay không.

Khi mới bị bệnh ở mức độ nhẹ: Không nên cố gắng quay đầu hoặc quay cổ. Lúc này chỉ nên vận động xoay cổ nhẹ nhàng theo khả năng hiện tại, nghiêng đầu để cho bệnh tự phục hồi; Không nên ngồi trước quạt hoặc ngồi điều hòa vì chỉ càng làm cho các cơ bị co cứng và đau nhiều hơn mà thôi; Có thể chườm ấm vùng cổ vai hay chiếu đèn hồng ngoại; Có thể nhờ người xoa bóp nhẹ nhàng vùng cổ vai gáy trong khoảng 10-15 phút. Việc làm này sẽ giúp cho máu lưu thông tốt, cơ được thư giãn, giảm đau. Khi tắm, nên sử dụng nước ấm, không tắm bằng nước lạnh.

Với trường hợp bệnh ở mức độ vừa, sau khi đã làm các biện pháp trên mà ngày hôm sau bệnh vẫn không thuyên giảm, người bệnh có thể phải sử dụng một số loại thuốc điều trị như: Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa như: paracetamol, ibuprofen, diclofenac... Các loại thuốc này sẽ giúp giảm đau, đồng thời chống lại các phản ứng viêm theo sau; Sử dụng miếng dán salonpas để giảm đau vì nó có chứa chất chống viêm non-steroid dưới dạng thấm qua da là methyl salicylat; Bác sĩ cũng có thể cho sử dụng thuốc giãn cơ như decontractyl để chống các cơ co thắt quá mức, thông qua đó cũng làm giảm đau; Các vitamin nhóm B như vitamin B1, B6, B12 có tác dụng làm tăng dẫn truyền thần kinh cũng có thể được sử dụng. Lưu ý: Thuốc chống viêm corticoid dạng uống có rất ít tác dụng trong trường hợp này.

Nếu nguyên nhân không phải do thoái hóa hay co thắt mạch máu thì không nên xoa bóp trong trường hợp này bởi chỉ làm cho bệnh đau thêm.

Với các trường hợp bệnh ở mức độ nặng, cần phải sử dụng các biện pháp mạnh tay hơn, đó là: Biện pháp châm cứu: giúp điều hòa lại hoạt động của các dây thần kinh. Cần phải chấm đúng vào vị trí các huyệt một cách chính xác, khi đó có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa làm giảm sự co thắt, qua đó làm giảm đau.

Để phòng tránh bệnh đau vai gáy, nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao phù hợp. Cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Nên vận động, nghỉ giải lao khi phải ngồi lâu. Khi ngồi đọc sách, học bài hay đánh máy, cần giữ cho cổ luôn thẳng, không cúi gập cổ quá lâu, cần tránh tình trạng ngồi sai tư thế. Trong chế độ ăn uống hàng ngày, cần ăn đủ chất và bổ sung một số khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như canxi, kali, các vitamin nhóm B, C, E...

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!