Xử trí dị ứng do côn trùng đốt

Cần biết - 11/24/2024

Dị ứng do côn trùng đốt là hiện tượng thường gặp. Các loài côn trùng có thể khiến bạn bị dị ứng là ong, kiến,rệp, ruồi…

Các dị ứng có thể từ nhẹ (gây sưng phồng, phỏng ngoài da) đến nặng (gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong). Do đó, cần sớm nhận biết các biểu hiện của dị ứng sau khi bị côn trùng đốt để xử trí kịp thời.

Vì sao bị dị ứng do côn trùng đốt?

Khi cơ thể bị dị ứng, hệ miễn dịch sẽ trở nên quá mẫn cảm với một số chất, trong đó có nọc của côn trùng. Khi nọc côn trùng được đưa vào cơ thể, hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn những chất này như “những kẻ xâm lược”.

Trong quá trình phản ứng với tín hiệu nhầm lẫn, hệ miễn dịch sẽ sản xuất kháng thể IgE cụ thể cho chất gây nên dị ứng. Nếu lần đầu bị côn trùng đốt, hệ miễn dịch có thể tạo ra một lượng kháng thể IgE tương đối nhỏ nhắm vào nọc độc của côn trùng đó.

Nhưng ở những lần tiếp theo, phản ứng của kháng thể IgE sẽ nhanh hơn và mạnh hơn nhiều. Phản ứng IgE này dẫn đến giải phóng histamine và các hóa chất gây viêm khác, dẫn đến các triệu chứng dị ứng.

Biện pháp xử trí

Với phản ứng dị ứng nhẹ thì gây ra một hoặc nhiều triệu chứng tại chỗ bị côn trùng đốt, như đau rát, sưng đỏ, nóng, ngứa…

Phản ứng nặng hơn (mặc dù ít gặp) là: Khó thở; phát ban, ngứa lan rộng đến các khu vực xa vết đốt; sưng phù mặt, cổ họng hoặc bất kỳ phần nào của miệng hoặc lưỡi; thở khò khè hoặc khó nuốt; bồn chồn, lo lắng; mạch nhanh; chóng mặt hoặc giảm huyết áp mạnh…

Xử trí dị ứng do côn trùng đốt

Rút vòi chích của côn trùng ra khỏi vết thương càng sớm càng tốt.

Cách xử trí đối với các phản ứng dị ứng nhẹ: Rút vòi chích của côn trùng ra khỏi vết thương càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong vòng 30 giây) để tránh chất độc đưa vào cơ thể nhiều hơn; rửa sạch vết đốt bằng xà phòng và nước, sau đó thoa thuốc khử trùng.

Thuốc có thể bôi như kem hydrocortisone hoặc kem dưỡng da calamine và băng vết thương bằng băng y tế vô trùng. Nếu vết đốt bị sưng, có thể dùng túi nước đá chườm lên cũng giúp giảm đau và giảm sưng. Trong trường hợp bị ngứa, sưng nổi mề đay thì có thể uống thuốc kháng histamin. Lưu ý thuốc này không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi hoặc cho phụ nữ mang thai trừ khi bác sĩ cho phép.

Khi bị côn trùng cắn, rút vòi chích của côn trùng ra khỏi vết thương càng sớm càng tốt (tốt nhất là trong vòng 30 giây) để tránh chất độc đưa vào cơ thể nhiều hơn.

Đối với phản ứng nặng, sau khi sơ cứu tại chỗ (như với phản ứng nhẹ) cần nhanh chóng chuyển người bệnh đi cấp cứu để được điều trị càng sớm càng tốt.

Với người bệnh có tiền sử phản ứng dị ứng toàn thân nên mang theo một hộp thuốc cấp cứu để có thể tự dùng. Ở trẻ em trọng lượng dưới 30kg, dùng 0,15mg epinephrine và dùng 1/2 liều lượng thuốc kháng histamin và corticosteroid của người lớn. Nếu phản ứng dị ứng toàn thân xảy ra, phải đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Phòng ngừa dị ứng do côn trùng đốt

Trước hết, cần phải tránh nơi có tổ côn trùng (tổ ong, tổ kiến). Với ong vàng thường làm tổ trong lòng đất, gò đất hoặc những khúc gỗ và tường cũ. Ong bắp cày thường làm tổ trong bụi cây, cây cối và trong nhà. Kiến lửa thường làm tổ nơi có ụ đất cao… Nếu phải đi đến những nơi này, cần chú ý để không vô tình vướng vào tổ côn trùng, bởi nếu bị một con côn trùng đốt, có thể chỉ bị phản ứng nhẹ, nhưng nếu vướng vào tổ côn trùng và bị nhiều con côn trùng đốt thì mức độ phản ứng nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Nên mang giày, tất, áo dài tay, quần dài khi ở khu vực nông thôn hoặc rừng cây. Tránh xịt nước hoa hoặc mang quần áo có màu sáng vì có xu hướng thu hút côn trùng.

Nếu đi vào rừng, chèo thuyền, bơi lội hoặc làm việc ngoài trời… nên đi cùng một nhóm, để trong trường hợp không may bị côn trùng đốt, sẽ có người hỗ trợ.

Đối với các gia đình ở nông thôn, nơi có nhiều côn trùng, thì nên trang bị lưới ở cửa các ô cửa và phát quang bụi rậm quanh nhà.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!