Tuy nhiên, bên cạnh đó, đi kèm theo việc sử dụng mỹ phẩm là dị ứng mỹ phẩm cũng trở nên thường gặp hơn.
Trước hết, chúng ta phải biết được mỹ phẩm bao gồm những loại gì? Và sau đó ta sẽ tìm hiểu dị ứng mỹ phẩm như thế nào và cách phòng ngừa dị ứng xảy ra cũng như xử trí như thế nào khi bị dị ứng.
Ba loại chính của mỹ phẩm (hay dược mỹ phẩm)
Mỹ phẩm trang điểm chủ yếu làm đẹp cho da, môi, móng, tóc; chỉ xử lý bề ngoài về thẩm mỹ mà ít có tác động đến da. Loại này sử dụng nhiều nhất và dùng hàng ngày để giao tiếp.
Mỹ phẩm dùng cho bảo vệ da như kem chống nắng, các sản phẩm chống khô da, các sản phẩm làm chậm lại các biến đổi sinh lý da do tác động của thời gian, của ánh nắng, môi trường, hoá chất mà ta thường được biết đến là các sản phẩm chống lão hoá da.
Viêm da dị ứng do mỹ phẩm.
Các sản phẩm sửa chữa, điều trị khi thất bại trong bảo vệ và dự phòng, khi mắc một số bệnh da. Khi các tổn hại da xảy ra, cần dùng các sản phẩm này chăm sóc, khắc phục như kem dưỡng điều trị làm da tươi nhuận, tăng tái tạo tổ chức da, làm ẩm khi da quá khô, điều trị chống lão hóa, phục hồi và tăng sinh collagen. Một số bệnh da như eczema, bệnh vảy cá, vảy nến, bệnh trứng cá, da khô, da bị sạm, bị nám... là những bệnh cần sử dụng mỹ phẩm-dược mỹ phẩm phối hợp với các thuốc điều trị khác.
Biểu hiện khi bị dị ứng mỹ phẩm
Viêm da dị ứng do mỹ phẩm: biểu hiện da bị đỏ, có thể thấy những nốt sần đỏ, đôi khi là mụn nước nhỏ trên da, người bị dị ứng có thể ngứa nhẹ hoặc ngứa nhiều, hoặc có cảm giác dấm dứt trên da mặt rất khó chịu. Đây là biểu hiện thường gặp và cũng xuất hiện khá sớm khi sử dụng. Đây là phản ứng viêm da tiếp xúc do mỹ phẩm gây nên. Có những trường hợp sau khi bôi mỹ phẩm da bị phù nề, đỏ rực, chảy dịch. Đó là viêm da tiếp xúc dị ứng cấp tính. Phản ứng này có thể gặp do các loại mỹ phẩm dù đó là mỹ phẩm thuộc loại cao cấp rất nổi tiếng. Một số trường hợp dị ứng mỹ phẩm không xuất hiện ngay mà xảy ra chậm, sau nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần sau khi sử dụng.
Nguyên nhân do đâu?
Trước hết, chúng ta loại trừ các tai biến và bệnh lý gây ra do mỹ phẩm kém chất lượng, quá hạn dùng hay các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Căn sinh viêm da dị ứng mỹ phẩm là do phản ứng của cơ thể với mỹ phẩm; điều này trong y học gọi là phản ứng kháng nguyên-kháng thể. Kháng nguyên (hay còn gọi là dị ứng nguyên) trong trường hợp này là mỹ phẩm, có thể là hoạt chất hoặc các tá dược sử dụng trong mỹ phẩm và kháng thể là do cơ thể tạo ra khi tiếp xúc với dị ứng nguyên. Phản ứng này xảy ra biểu hiện trên da là bệnh lý viêm da dạng eczema với các triệu chứng như phù nề, đỏ, mụn nước, ngứa...
Những tổn hại do dị ứng mỹ phẩm gây ra
Ngoài bệnh lý dị ứng do mỹ phẩm thì còn có một số tai biến khác có thể xảy ra khi sử dụng mỹ phẩm như:
Trứng cá do mỹ phẩm: đây cũng là tai biến hay gặp. Trứng cá có thể xuất hiện sớm khi sử dụng nhưng có thể muộn sau vài tuần lễ. Nhiều nghiên cứu cho thấy một số mỹ phẩm có chất gây nhân trứng cá (comedongenic), hơn nữa, một số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đã cho thêm chất corticoid vào trong thành phần của mỹ phẩm. Trứng cá do mỹ phẩm là một thể trứng cá khó điều trị, đôi khi có những đợt bùng phát mạnh gây mụn mủ, các bọc trứng cá lớn. Điều trị thường phải được theo dõi rất chặt chẽ và trong thời gian dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm.
Các tổn hại khác do mỹ phẩm có thể là sạm da, nám, khô da, da bị tổn hại và tăng cảm ứng với ánh nắng, da chóng bị lão hóa và thành vòng bệnh lý làm cho da già nhanh chóng. Khi đó, da không còn được tươi nhuận, mất độ bóng, giảm đàn hồi và nhăn nheo. Điều này có thể thấy được ở nhiều người sử dụng mỹ phẩm sớm từ khi còn rất trẻ và không được tư vấn đầy đủ về chọn mỹ phẩm phù hợp cho da của mình, không tẩy trang đúng và không có chế độ dưỡng da, phục hồi chức năng của da .
Những ai thuộc nhóm có nguy cơ cao dị ứng mỹ phẩm?
Chắc sẽ có nhiều người thắc mắc là tại sao rất nhiều người sử dụng mỹ phẩm nhưng chỉ có một số người bị dị ứng? Sự thắc mắc này là rất hay, rất đúng. Chúng ta có thể suy ngẫm một câu nói rất hay trong dân gian: 'Sơn ăn tùy mặt...', nghĩa là có rất nhiều người tiếp xúc với sơn nhưng chỉ có rất ít người bị dị ứng với sơn. Ngày nay, y học đã chứng minh được điều đó là do cơ địa dị ứng của người bệnh mà thường có yếu tố di truyền, gia đình. Do vậy, khi trong gia đình đã có người bị bệnh dị ứng như dị ứng mày đay, viêm da cơ địa, hen, viêm mũi dị ứng thì phải rất thận trọng khi chọn lựa và sử dụng mỹ phẩm.
Phòng ngừa dị ứng mỹ phẩm
Cách phòng ngừa phản ứng này là người sử dụng bôi thử sau tai hoặc mặt trong cánh tay 3 ngày liên tục, nếu không bị dị ứng có thể sử dụng được. Cách này giúp cho người sử dụng có thể tránh được các tai biến có thể xảy ra mà nếu bôi trên mặt và bôi diện rộng sẽ gây nên những phản ứng dị ứng làm tổn hại da như đã đề cập ở trên.
Lời khuyên của thầy thuốc
Việc cần làm ngay là ngừng sử dụng mỹ phẩm đó và có thể đến bệnh viện chuyên khoa dị ứng hoặc các cơ sở da liễu để thử test dị ứng, xác định rõ mỹ phẩm gây dị ứng và ngừng sử dụng dù đó là mỹ phẩm đắt tiền. Có thể bôi các thuốc chống dị ứng như các loại kem có corticoid nhưng không được bôi trong thời gian dài và lạm dụng vì thuốc này sẽ gây nhiều tai biến như phụ thuộc corticoid gây trứng cá, giãn mạch, đỏ da, teo da, mọc lông… Có thể uống thuốc chống dị ứng, vitamin C và trong trường hợp nặng, nên đến khám bác sĩ da liễu để được chữa trị đúng và hiệu quả.
Người tiêu dùng khi mua mỹ phẩm cần chú ý đến chất lượng, xuất xứ, hạn dùng. Nên mua ở các cửa hàng có giấy phép kinh doanh, có chuyên gia tư vấn để vừa đảm bảo hàng thật, vừa được hướng dẫn sử dụng đúng. Mỹ phẩm phải phù hợp với da của mỗi người, nghề nghiệp và điều kiện sống, làm việc. Sử dụng mỹ phẩm tuỳ theo mùa, thời tiết, mỹ phẩm dùng ban ngày khác ban đêm.
PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng
(Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam)
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!