Xử trí đúng cách khi trẻ bị tưa lưỡi

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Không được cho bé nằm ngửa lúc rà thuốc trong miệng, phải bế bé nghiêng 45 độ tránh chất nôn chảy ngược vào khí quản.

Tưa lưỡi (ở miền Nam còn gọi là đẹn) là một loại bệnh xảy ra ở lưỡi, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (thường dưới 1 tuổi) nhưng cũng có thể xuất hiện ở trẻ lên 10 tuổi, thậm chí 15 tuổi.

Nguyên nhân gây nên tưa lưỡi

Bệnh do một loại nấm men có tên gọi là Candida albicans thường có trong khoang miệng của trẻ gây ra. Đây là loại nấm cơ hội, phát triển mạnh khi vệ sinh không tốt hoặc sức đề kháng kém, một số ít trường hợp tưa lưỡi do vi-rút gây ra.

Xử trí đúng cách khi trẻ bị tưa lưỡi

Biểu hiện của bệnh như thế nào?

Trên bề mặt của lưỡi xuất hiện những mảng trắng kèm theo những vết nứt nhỏ, những mảng trắng này có thể mọc ở niêm mạc miệng, ở mặt trong má hoặc mép. Bệnh bắt đầu là những chấm trắng nhỏ xuất hiện ở phía trên đầu lưỡi, sau đó lan rộng thành những mảng màu trắng ngà mọc trên mặt lưỡi sau chuyển màu vàng nâu, lác đác có chỗ bong tróc màu đỏ hồng trơn nhẵn.

Các biểu hiện trên có thể xuất hiện ở vùng niêm mạc họng, thậm chí xuống vùng thanh môn và thanh quản, hiếm hơn có thể xuống sâu trong phổi gây nguy hiểm cho đường hô hấp hoặc qua đường tiêu hóa xuống dạ dày gây tiêu chảy...

Các mảng trắng ngà này khó bong nếu tự cạo hoặc bóc ra thì rất đau có thể khiến trẻ bỏ ăn. Trẻ quấy khóc, đòi ăn nhưng lại không ăn hoặc ăn rất ít, chảy nước rãi, hơi thở hôi.

Cách chữa như thế nào?

Nên sử dụng các liệu pháp điều trị từ đơn giản đến đặc hiệu, tùy theo tình trạng diễn biến của bệnh, đó là các cách sau:

+ Một là: Tưa lưỡi thường do nấm, loại nấm này phát triển thuận lợi trong môi trường a-xít, nên việc làm kiềm hóa môi trường miệng làm hạn chế sự phát triển của nấm gây bệnh, thường dùng dung dịch na-tri bi-các-bo-nát 5% rà trên mặt lưỡi, ngày 3 - 4 lần.

+ Hai là:Việc vệ sinh khoang miệng và lưỡi của trẻ đúng cách sau mỗi khi ăn, bú có tác dụng tích cực trong phòng và điều trị tưa lưỡi. Dùng nước lọc để cho trẻ uống ngay sau khi ăn hoặc có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để súc miệng cho trẻ. Nên vệ sinh lau lưỡi cho trẻ hàng ngày bằng nước muối sinh lý: Dùng gạc sạch thấm nước muối sinh lý lau lưỡi cho trẻ ngày 2 lần vào buổi sáng và trước khi đi ngủ. Trường hợp dùng mật ong để rà lưỡi cho trẻ phải pha loãng với nước với tỷ lệ 1/1 và khi làm xong phải cho trẻ uống nước để khỏi lưu lại chất đường trong miệng.

Chú ý:

- Khi rà thuốc vào lưỡi cho bé, tránh đi sâu vào vùng đáy lưỡi vì sẽ gây kích thích co bóp các cơ ở hầu họng làm cho trẻ bị ói, nhất là lúc vừa ăn no.

- Không được cho bé nằm ngửa lúc rà thuốc trong miệng, phải bế bé nghiêng 45o tránh chất nôn chảy ngược vào khí quản.

- Không nên cậy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì sẽ gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng.

- Do bệnh dễ tái phát nên sau khi hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục đánh tưa lưỡi cho trẻ với nước muối sinh lý loại 0,9% ngày 2 lần. Sau khi đánh tưa cho trẻ xong không nên cho trẻ bú ngay, mà nên chờ ít nhất 20 phút mới cho bú hoặc cho trẻ ăn.

Xử trí đúng cách khi trẻ bị tưa lưỡi

+ Ba là: Sử dụng thuốc kháng nấm Nystatin: (Chỉ áp dụng khi các biện pháp đơn giản trên không thấy có tác dụng và phải theo đơn kê hướng dẫn cụ thể của bác sĩ)

Nystatin được chiết xuất từ dịch nuôi cấy nấm Streptomyces noursei. Đây là một kháng sinh chống nấm có tác dụng kìm hãm hoặc diệt nấm (đặc biệt là nấm Candida) mà không tác động đến vi khuẩn bình thường trên cơ thể. Thuốc có thể dùng để điều trị lâu dài mà không gây kháng thuốc, thuốc không hấp thu khi uống, không pha được thành thuốc tiêm vì khó tan, do đó không có tác dụng toàn thân mà chỉ có tác dụng tại chỗ.

Nystatin có nhiều dạng bào chế: Viên nén: 100.000 đv, 500.000 đv. Viên ngậm 100.000 đv. Hỗn dịch 100.000 đv/ml. Viên đặt âm đạo 100.000 đv, túi bột 1 gam, Kem bôi ngoài da...

Do thuốc không ngấm vào máu, chỉ có tác dụng tại chỗ cho nên liều lượng không phân biệt độ tuổi lớn nhỏ của trẻ, đều có liều như nhau cho mỗi lần điều trị.

Rà thuốc Nystatin trên mặt lưỡi ngày 3 - 4 lần mỗi lần 100.000 đv. Các dạng thuốc có thể dùng là:

- Hỗn dịch 100.000 đv/ml

- Pha 1 gói Nystatin 1 g với 10 ml nước , 1 ml sẽ tương đương 100.000 dv.

- Dùng viên nén Nystatine 100.000dv hoặc 500.000 dv để pha với nước, nên pha lượng thuốc đủ dùng cho 1 lần.

Đối với trẻ lớn hơn (hoặc đôi khi là người lớn) có thể dùng viên ngậm 100.000 dv, mỗi lần ngậm 1 viên , ngày 3 – 4 lần. Một đợt điều trị kéo dài từ 7 – 10 ngày.

+ Bốn là: Nếu việc dùng Nystatin (hoặc Micorazol) rà trên lưỡi không có tác dụng và bệnh ảnh hưởng lớn đến trẻ, nấm lan rộng sâu xuống các bộ phận khác, thì phải cân nhắc dùng thuốc kháng nấm toàn thân. Một số thuốc chống nấm đường uống có tác dụng ức chế sinh tổng hợp ergosterol của màng tế bào nấm như: fluconazole hoặc itraconazole.

Khi dùng liệu trình điều trị này các bà mẹ nên đưa bệnh nhi  nằm viện (hoặc có thể ngoại trú ở nhà khi có  bác sĩ kê đơn theo dõi bệnh chặt chẽ).

Cách chăm sóc khi trẻ bị tưa lưỡi

Nếu bé đã bước vào tuổi ăn dặm, nên cho bé dùng những loại thức ăn mềm, dạng lỏng để miệng bé không bị đau rát. Trong quá trình mang bệnh, không nên để bé tiếp xúc với các bé khác để tránh nguy cơ lây nhiễm. Nên vệ sinh miệng cho bé hàng ngày. Với bé bú bình phải vệ sinh bình bú tốt sạch sẽ, có thể cho bé uống 1-2 thìa nước sôi để nguội sau khi bú và dùng miếng gạc nhỏ, nhúng nước muối loãng pha ấm, lau nhẹ lưỡi, lợi cho bé. Nên bế bé đứng hoặc ngồi (tránh tư thế nằm) và tránh tác động sâu vào vùng đáy lưỡi vì có thể kích thích các cơ ở họng, khiến bé bị nôn trớ. Với bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, các bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh vú mẹ mỗi ngày.

Có nhiều người do chưa hiểu rõ về tưa lưỡi muốn tìm mọi cách để cạo sạch đi những đốm trắng này cho bé, nhưng điều này là vô ích và sẽ khiến bé bị chảy máu lưỡi. Ngoài ra, nếu dùng gạc hoặc khăn xô chà xát mạnh, có thể gây tổn thương niêm mạc lưỡi bé.

Dân gian thường sử dụng thuốc cam để chữa tưa lưỡi cho trẻ. Tuy nhiên hiện nay, xuất hiện nhiều trường hợp các bé bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam chữa tưa lưỡi. Vì vậy, khi chưa có giấy chứng nhận của các cơ sở y tế về hiệu quả và sự an toàn của loại thuốc này, thì không nên sử dụng chúng để chữa bệnh.

Nguồn ảnh: Internet

BS. Đỗ Hữu Thảnh

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!