Yêu 70 năm, đính hôn nhẫn đồng vỏ đạn

Giới tính - 04/27/2024

Trên rẻo cao Tràng Sơn có một mối tình đi hết chiều dài 2 thế kỷ, được tôi luyện qua khói lửa của 3 cuộc chiến khốc liệt.

Trên rẻo cao Tràng Sơn nghèo khó có một mối tình đi hết chiều dài hai thế kỷ, được tôi luyện qua khói lửa đạn bom của ba cuộc chiến khốc liệt giữ nước của dân tộc.

Chiếc nhẫn bằng vỏ đạn - báu vật tình yêu

Ở thôn Tràng Sơn 1, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn có một mối tình kim cương khiến bao người ngưỡng mộ. Đó là mối tình của ông Nguyễn Hiệp Tâm (SN 1928) và bà Lương Thị Lành (SN 1930), người dân tộc Tày. Trong hàng chục năm là người yêu, bạn đời của nhau, có một kỷ vật được bà Lành xem như tài sản vô giá, đó là chiếc nhẫn đeo ngón áp úp đã in vào da thịt bà.

Chiếc nhẫn được làm từ vỏ đạn ấy giá trị hơn bất kỳ thứ tài sản vật chất nào đối với bà. Hàng chục năm qua, màu vỏ đạn đã hoàn toàn biến mất, nay chỉ còn một màu trắng sáng như bạc trên tay bà Lành.

Hai ông bà biết nhau từ thời còn bé xíu, ngay từ nhỏ ông đã đô con hơn chúng bạn, còn bà hết năm này sang năm khác chỉ là một cô bé còm nhom. Từng ngày tháng họ lớn lên trùng với sự trưởng thành của lực lượng cách mạng địa phương, sau này chính là cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lịch sử nên cả hai đều sớm giác ngộ cách mạng.

Yêu 70 năm, đính hôn nhẫn đồng vỏ đạn

Nụ cười thường trực trên môi đôi vợ chồng già

Từ khi mới 12 tuổi, ông Hiệp Tâm đã được cách mạng tin tưởng giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội thiếu niên du kích, làm nhiệm vụ canh phòng, đưa truyền đơn và liên lạc cho cán bộ. Đội thiếu niên của ông ngày ấy có lúc lên gần 100 đội viên. Vốn biết nhau từ trước nhưng ông cũng không thể giấu nổi sự bất ngờ, cảm phục giành cho đội viên Lành – cô bé nhỏ nhắn nhất đội nhưng vô cùng gan dạ, dũng cảm. Nhất là sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn thất bại, thực dân Pháp ráo riết lùng bắt các đồng chí lãnh đạo thì vai trò của đội thiếu niên du kích càng được thể hiện rõ hơn, trong đó không thể không nhắc tới ông Hiệp Tâm và bà Lành.

Hai ông bà cảm mến nhau tự bao giờ chẳng biết. Năm 1946, ông nhập ngũ và biên chế vào Trung đoàn 28, Đại đoàn 517 đóng quân tại Lạng Sơn. Khi ấy ông vừa bước sang tuổi 18, còn bà chỉ mới là thiếu nữ ở độ tuổi trăng tròn. Một đêm trước ngày lên đường, bà Lành thấy người thương tìm tới nhà với nụ cười rất tươi. Ông không nói nhiều, chỉ với câu ‘ngày mai anh đi rồi’ và nắm tay bà rất chặt, hai người cứ lặng lẽ thế cho tới khi ông ra về. Người yêu đi rồi, chỉ còn chiếc nhẫn nằm lại trong lòng bàn tay bà, tuy lúc đó là cô gái mới lớn nhưng bà kịp hiểu ra đó là một lời hẹn thề, đính ước duyên phận cho trăm năm.

‘Ông còn chẳng kịp đeo nhẫn cho tôi’ – bà quay sang ông trách yêu như vậy còn ông chỉ cười khà khà, vì đêm cuối đó ông nắm tay bà tới tận khi về mới buông ra. Bà phải tự đeo chiếc nhẫn vào ngón tay áp úp. Sau này khi đã nên duyên vợ chồng ông thường trêu bà đó là ‘vàng trắng, hiếm lắm đấy’ nhưng bà thừa biết đó là vỏ đạn ông cắt thành. Bà không trách, mà chỉ nhìn ông đầy âu yếm. Từ ngày đó đến nay đã gần 70 năm chiếc nhẫn trở thành một phần máu thịt của cuộc đời bà.

Yêu 70 năm, đính hôn nhẫn đồng vỏ đạn

Nét trầm ngâm của đôi thương binh già khi nhớ về khoảng thời gian xa cách

Tình yêu tiếp lửa chiến đấu

Với bản tính gan dạ sẵn có, ngay sau khi nhập ngũ ông Hiệp Tâm liên tục lập được nhiều chiến công. Năm 1947 trong một trận càn của thực dân Pháp, ông cùng tiểu đội của mình đã tiêu diệt được 20 tên; riêng mình ông diệt được 7 tên, thu 7 súng trường nên sau đó được cử đi học lớp Đảng viên.

Duyên trời run rủi, tại đây ông tình cờ gặp lại người con gái mà ông ngày đêm thương nhớ. Trong đoàn thanh niên xung phong, dân công hối hả vận chuyển thuốc men, lương thực ra mặt trận cho Chiến dịch Biên giới, ông nhận ra vóc dáng nhỏ bé của bà Lành. Vội vàng xin chỉ huy cho tranh thủ lúc nghỉ vào bê thóc cùng bà, cuộc trùng phùng giữa căn cứ nơi đại ngàn khiến cho không chỉ hai người xúc động, mà tất cả những người có mặt hôm đó đều phấn khích, reo hò.

Bà Lành bảo, mới hơn 1 năm không gặp nhưng khi chàng lính Hiệp Tâm xuất hiện ngay trước mắt mình, bà suýt nữa không nhận ra. Ông trưởng thành nhiều hơn cái tuổi 19, gương mặt sạm đen vì thuốc súng và râu ria lởm chởm. Bà không định khóc nhưng những giọt nước mắt cứ trào ra mặn mòi. Từ lúc ông rời bản làng đi chiến đấu, bà xin cha mẹ cho đăng ký vào lực lượng thanh niên xung phong. ‘Ngày ấy đi chỉ biết là đi thôi, đi để cảm thấy như bà đang sát cánh cùng ông trong cuộc chiến cam go này chứ không hể có hy vọng lại có ngày được gặp lại ông như vậy’ – bà nói.

Cuộc hội ngộ đó cũng nhanh chóng qua đi khi lớp học của ông kết thúc, ông phải trở về đơn vị để đảm nhiệm trọng trách Chính trị viên trung đội mới của mình. Bà Lành lại tiếp tục sống với những tháng ngày đằng đẵng đợi chờ, mong ngày chiến thắng được đoàn tụ cùng ông.

Không lâu sau Chiến dịch Biên giới, trong một lần tiếp tế cho tiền tuyến bà Lành bị trúng bom gãy mất vài chiếc xương sườn. Nhưng mãi hơn một năm sau khi vết thương của bà đã lành hẳn, năm 1952 ông tranh thủ kỳ nghỉ phép ngắn ngủi về thăm mới hay tin. Ông cuống quýt xin lỗi vì đã để mình bà phải vượt qua thương tật lâu như vậy. Đám cưới của hai người diễn ra rất nhanh sau đó, tận lúc này chiếc nhẫn ngày nào mới được ông tháo ra đeo lại vào tay bà. Ông lại tiếp tục ra đi để lại người vợ mới cưới nơi hậu phương.

Kháng chiến chống Pháp thành công, ông mới có thời gian ở bên bà nhiều hơn. Hai ông bà sinh được năm người con: bốn gái, một trai. Nhưng hạnh phúc chưa trọn vẹn thì đại úy Nguyễn Hiệp Tâm lại lao mình vào cuộc chiến mới chống đế quốc Mỹ xâm lược. Với kinh nghiệm chiến đấu cùng tinh thần quả cảm, ông được điều sang chiến trường Lào để hỗ trợ nước bạn. Trong trận đánh tại Xen Chồ - Mường The (thuộc Cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng) ông bị mảnh đạn B41 xuyên thủng lưng găm vào phổi. Mất hai ngày hai đêm đi bộ trong rừng, đồng đội mới đưa được ông về đến căn cứ hậu phương.

Yêu 70 năm, đính hôn nhẫn đồng vỏ đạn

Ông bao giờ cũng chở che bà với đôi bàn tay vững chắc

Trước đó, nơi quê nhà bà Lành nhận được tin ông đã tử trận nên lặn lội đi khắp nơi tìm kiếm thông tin về ông. Dù rất đau lòng nhưng bà vẫn nuôi hi vọng rằng ông còn sống. Mãi đến khi biết ông đang ở hậu cứ trị thương bà mới vỡ òa trong hạnh phúc: ‘Ông ấy chưa chết’! Những tháng ngày ông điều trị, bà tận tình ở bên chăm sóc, rồi còn hỗ trợ các thương binh khác cho đến khi ông được lệnh về nghỉ một thời gian ở quê nhà. Dù vết thương trong người bà cứ trái gió trở trời lại đau từng cơn, nhưng bà thay ông cáng đáng làm hết mọi việc. Thương vợ, ông can ngăn thì bà chỉ cười đáp lại: ‘Tiền tuyến ngã xuống thì hậu phương phải xông lên chứ?’.

Tình không tuổi nở hoa trên đá

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông được phân công về làm huyện đội trưởng ở huyện Bắc Sơn. Nhưng ông chỉ thực sự được sống những tháng ngày hạnh phúc bên vợ con, yên bình cùng xóm làng sau khi Chiến tranh biên giới phía Bắc qua đi. Mãi đến khi đất nước thật sự thanh bình, vào năm 1984 ông chính thức nghỉ hưu, gác lại cuộc đời quân ngũ.

Tận mắt chứng kiến mảnh đất Tràng Sơn lởm chởm đá tai mèo, canh tác để trồng trọt hay chăn nuôi đều vô cùng khó khăn khiến ông càng cảm phục người phụ nữ của cuộc đời mình. Bao nhiêu năm ông đi xa là bấy nhiêu năm bà ở nhà vật lộn với sự hà khắc của thiên nhiên để thay chồng báo hiếu cha mẹ, chăm nuôi con cái trưởng thành.

Yêu 70 năm, đính hôn nhẫn đồng vỏ đạn

Tuổi già vợ chồng ông hạnh phúc bên cháu con

Bù lại những năm tháng gần gũi ‘chẳng đủ để mà giận dỗi’, ông luôn tình cảm, nhẹ nhàng trong cuộc sống cùng bà. Gần 70 năm họ cưới nhau, 30 năm được sống chung dưới một mái nhà, hàng xóm chưa bao giờ nghe thấy một lần họ to tiếng, cãi vã. Bây giờ họ đều như chuối chín cây nhưng ông vẫn với vóc dáng cao lớn của mình, còn bà vẫn lưng đã còng càng trở nên bé nhỏ khi đứng cạnh ông, trong suốt buổi trò chuyện chỉ trừ những lúc vỗ vỗ lên lưng bà, ông đều nắm tay bà rất chặt. Mối tình của họ thật sự đã nở hoa trăm tuổi trên đá.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!