Trẻ con đang ngày càng nhạy cảm và thể hiện cái tôi cá nhân sớm. Bạn từng đọc nhiều tài liệu khuyên rằng không nên so sánh trẻ với đứa bé khác hoặc chính với anh chị em trong nhà vì gây tác dụng ngược khiến trẻ chịu áp lực, hoặc chúng sẽ ganh ghét với người được so sánh. Tuy nhiên, ngoài câu nói: “Mẹ muốn con giống như em gái con” thì 10 câu nói sau đây cũng nguy hại chẳng kém.
Tâm sự với trẻ rằng: “Con giỏi lắm!”
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nói ra một cụm từ chung chung như “Giỏi lắm!” mỗi khi con bạn học được một kỹ năng nào đó làm cho trẻ cố gắng vì lời khẳng định của bạn chứ không phải do động lực của bản thân. Khen con khi thực sự cần thiết và càng cụ thể càng tốt. Thay vì nói “Con chơi giỏi lắm!”, bạn hãy nói rằng: “Con chuyền bóng đẹp lắm. Mẹ thích cách con chuyền bóng cho đồng đội của con”.
Có công mài sắt có ngày nên kim!
Đúng là dành thời gian nhiều hơn để luyện tập, kỹ năng của con sẽ trở nên thành thục hơn. Tuy nhiên, câu tục ngữ này có thể gây áp lực để con cảm thấy phải giành chiến thắng hoặc thành công vì bạn. Nó gửi đi một thông điệp rằng nếu con làm sai, thì đó là vì con đã không tập luyện chăm chỉ. Khi đó, những đứa trẻ có thể tự hỏi: “Có chuyện gì với mình? Mình đã tập luyện liên tục và vẫn không phải người giỏi nhất”. Thay vào đó, hãy khuyến khích con bạn làm việc chăm chỉ vì con bạn sẽ cải thiện và cảm thấy tự hào về sự tiến bộ của mình.
Con không sao đâu!
Khi con bạn bị trầy đầu gối và khóc, theo bản năng, bạn có thể cố trấn an con rằng con không bị thương nặng. Nhưng nói như thế có thể chỉ làm con bạn cảm thấy tệ hơn. Con bạn khóc vì bé cảm thấy không ổn. Bạn nên giúp con hiểu và đối phó với những cảm xúc của mình chứ không phải lờ chúng đi. Bạn hãy thử ôm con và thừa nhận cảm xúc mà con đang có bằng cách nói một cái gì đó như: “Ngã ở đâu dữ vậy con?”. Sau đó, bạn nên hỏi xem con muốn được băng bó hay thơm má (hoặc cả hai).
“Nhanh lên!”
Con bạn ăn sáng muộn, nhưng vẫn khăng khăng muốn buộc dây giày của mình (mặc dù bé vẫn chưa biết cách buộc giày) và có thể lại đi học muộn nữa. Nhưng hối thúc con chỉ tạo thêm căng thẳng mà thôi. Thay vào đó, bạn hãy nhẹ nhàng nói với con rằng: “Chúng ta cùng nhanh lên nào con” sẽ gửi đi thông điệp rằng hai mẹ con ở cùng một phe. Bạn cũng có thể biến hành động chuẩn bị thành một trò chơi: “Tại sao chúng ta không chạy đua để xem ai có thể lấy quần của con trước nhỉ?”.
Mẹ đang ăn kiêng!
Bạn nên giữ sự quan tâm về cân nặng của mình trong lòng. Nếu con của bạn thấy bạn bước lên cân mỗi ngày và nghe bạn than phiền về cân nặng của mình, bé có thể tưởng tượng ra hình ảnh một cơ thể không khỏe mạnh. Tốt hơn bạn nên nói: “Mẹ đang ăn uống lành mạnh bởi vì như vậy làm mẹ thấy khỏe hơn”.
Bạn nên nói tương tự như đối với việc tập thể dục. “Mẹ cần phải đi tập thể dục” nghe như một việc bắt buộc gây mệt mỏi, nhưng câu nói: “Ngoài trời đẹp quá! Mẹ muốn đi bộ” sẽ có thể truyền cảm hứng để con tham gia.
“Nhà mình không mua nổi món đó” hoặc “Mẹ hết tiền rồi”
Đây là phản ứng thường gặp của bạn khi con bạn xin bạn mua cho món đồ chơi mới nhất. Tuy nhiên, theo Jayne Pearl, tác giả của cuốn sách Kids and Money, làm như vậy sẽ gửi đi thông điệp cho con rằng bạn không kiểm soát được tài chính của mình, điều này có thể làm cho bé lo lắng. Bé cũng có thể bắt chước nói với bạn câu nói này nếu bạn dùng tiền để mua một món đồ gia dụng đắt tiền.
Bạn nên dùng cách khác để truyền đạt ý tưởng tương tự, chẳng hạn như: “Chúng ta sẽ không mua vì chúng ta đang tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng hơn”. Nếu con bạn vẫn khăng khăng nhắc lại việc này nhiều lần, bạn có cơ hội hoàn hảo để bắt đầu một cuộc trò chuyện về cách làm thế nào để quản lý ngân sách và tiền bạc.
Đừng nói chuyện với người lạ!
Đây là một câu nói gây khó hiểu cho bé. Ngay cả với một người không quen, con bạn có thể sẽ không nghĩ về người đó như một người xa lạ nếu họ đối xử tốt với chúng. Thêm vào đó, trẻ em có thể hiểu nhầm nguyên tắc này và chống lại sự giúp đỡ của cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa – những người mà trẻ không biết. Thay vì cảnh báo con về người lạ, ban hãy dựng lên các kịch bản (ví dụ: “Con sẽ làm gì nếu một người đàn ông mà con không biết cho con kẹo và chở con về nhà?”) để con bạn giải thích những gì chúng sẽ làm, sau đó hướng con đến hành động đúng. Do phần lớn các trường hợp trẻ em bị bắt cóc liên quan đến một người nào đó mà đứa trẻ đã biết, bạn cũng có thể dặn con: “Nếu bất cứ ai làm cho con cảm thấy buồn, sợ hãi, hay bối rối, con cần nói với mẹ ngay lập tức”.
Hãy cẩn thận!
Nếu bạn nói như vậy khi bé đang leo trèo trên những thanh xà ở sân chơi rất có thể sẽ làm con té ngã sau đó vì câu nói làm con bạn mất tập trung vào những gì chúng đang làm. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy di chuyển đến gần chỗ con chơi. Trong trường hợp con bị té bất thình lình, hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng với con.
Con sẽ không được ăn tráng miệng, trừ khi con ăn hết cơm!
Bằng cách này bạn làm giảm giá trị bữa ăn chính và tăng giá trị của bữa ăn phụ, trái với những gì bạn muốn. Bạn hãy thay đổi cách nói với con: “Đầu tiên, chúng ta hãy ăn cơm rồi sau đó chúng ta ăn tráng miệng nhé con.” Sự thay đổi từ ngữ tinh tế này có tác động tích cực đến con bạn nhiều hơn.
Để mẹ giúp con!
Khi con bạn đang gặp khó khăn khi xây dựng một tòa tháp có hình khối hoặc hoàn thành một câu đố, bạn có lẽ tự nhiên sẽ muốn giúp con mình. Bạn không nên làm như vậy. Nếu bạn giúp con quá sớm, có thể làm giảm tính độc lập của con vì con bạn sẽ luôn luôn tìm sự giúp đỡ của người khác khi gặp khó khăn. Thay vào đó, hãy hỏi các câu hỏi định hướng giúp con giải quyết vấn đề: “Con có nghĩ rằng các mảnh lớn hoặc các mảnh nhỏ nên để ở dưới? Tại sao lại nghĩ như vậy? Con hãy thử đi”.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!