Bạn không thể đi vệ sinh hơn 3 ngày? Hãy tìm hiểu ngay nguyên nhân gây táo bón để kịp thời xử lý trước khi bạn mắc phải các chứng bệnh nghiêm trọng khác!
Không có quy luật chính xác về số lượng đại tiện mỗi tuần, nhưng nếu bạn đi vệ sinh ít hơn 3 lần trong tuần, bạn có thể đang bị táo bón. Bên cạnh biểu hiện không thể đi vệ sinh, bạn có thể gặp trường hợp như phân cứng và khô, đầy bụng, đau bụng dưới, trĩ hay nứt hậu môn vì bệnh táo bón.
Trong đa số trường hợp, nguyên nhân táo bón thường không rõ ràng. Nhưng có một vài yếu tố khiến đại tràng bạn không hoạt động bình thường. Bạn hãy cùng tìm hiểu 10 nguyên nhân gây táo bón dưới đây nhé.
1. Nhịn đi vệ sinh
Khi bạn đang quá bận rộn với công việc hay trong các buổi họp hành kéo dài, bạn không thể vào toilet ngay được mà phải nhịn cảm giác muốn đi vệ sinh. Thường xuyên trong tình trạng này sẽ khiến táo bón ngày càng nặng thêm.
Khi trực tràng đầy phân, một tín hiệu sẽ được truyền đến vỏ não để khiến bạn muốn đi vệ sinh. Nếu bạn không thể tống phân ra ngoài, ruột bạn sẽ tiếp tục công việc tái hấp thu nước cho đến khi phân được thải hoàn toàn. Điều này chỉ khiến phân càng khô và cứng hơn, sẽ khó khăn hơn để bạn tống xuất phân ra khỏi hậu môn.
2. Dư thừa canxi
Uống quá nhiều viên bổ sung canxi khiến nhu động ruột giảm đi, phân trữ lại trong ruột càng lâu hơn, một lần nữa khiến nước trong phân được tái hấp thu nhiều hơn. Cuối cùng phân trở nên khô cứng và khó ra ngoài. Chứng táo bón chính là một trong những tác hại của việc dư thừa canxi mà bạn vô tình không biết cho đến khi không thể đi vệ sinh dễ dàng như thường lệ.
Bạn có thể bổ sung khoảng 1.000mg canxi mỗi ngày từ các loại thực phẩm như phô mai, sữa, yogurt, cá mòi hay ngũ cốc. Tuy nhiên, nếu nhu cầu canxi cao hơn và bạn cần phải uống viên canxi thì bạn nên sử dụng canxi citrate thay vì canxi cacbonat. Vì canxi cacbonat có nồng độ cao nên dễ ảnh hưởng đến nhu động ruột hơn.
3. Uống quá nhiều sắt
Cũng như canxi, khi bạn uống quá nhiều sắt cũng khiến việc đi vệ sinh khó khăn hơn. Vì nồng độ sắt cao có thể làm giảm nhu động của trực tràng.
Bạn cần khoảng 8mg sắt mỗi ngày, tất cả có trong các loại thức ăn như thịt, hải sản, cải bó xôi và các loại đậu. Nhưng nếu như tình trạng thiếu máu thiếu sắt xảy ra trên nam giới, bạn cũng không nên tự ý uống viên sắt bổ sung, vì đây có thể là dấu hiệu của hiện tượng mất máu rỉ rả ở hệ tiêu hóa.
4. Bất đồng vận cơ sàn chậu
Để việc tống phân ra ngoài được thuận lợi, các cơ vùng bụng sẽ co lại trong khi cơ vùng sàn chậu phải giãn ra. Tuy nhiên, những người bị bất đồng vận cơ sàn chậu (một chứng rối loạn chức năng sàn chậu) thì không thể hoàn thiện được động tác trên. Điều này có nghĩa là các cơ vùng bụng co không đủ mạnh hay cơ sàn chậu không thể giãn được. Cuối cùng, cơ vòng hậu môn thường phải thư giãn để tống phân ra ngoài lại căng lên bất thường, dẫn đến phân không thể tống xuất hoàn toàn.
Hầu hết mọi người đều không ý thức được tình trạng đi vệ sinh bất thường này. Vì thế, nếu bạn đã thử nhiều biện pháp điều trị táo bón mà không có hiệu quả, bạn có thể rơi vào trường hợp bất đồng vận cơ sàn chậu. Để đánh giá chức năng của ruột, các bác sĩ có thể cho đo áp lực hậu môn trực tràng để giúp bạn xác định tình trạng bất thường trên.
5. Trầm cảm
Một nghiên cứu ở Iran ghi nhận được có khoảng 33% bệnh nhân táo bón có triệu chứng trầm cảm. Có lẽ vì trầm cảm khiến quá trình chuyển hóa trong cơ thể giảm xuống và điều này ảnh hưởng cả nhu động ruột.
Nhưng có thể những người trầm cảm có lối sống khác biệt ảnh hưởng đến ruột. Ví dụ như bạn sẽ ăn uống không tốt, chế độ ăn ít chất xơ, ngủ thất thường, hay bạn không buồn đi toilet dù cảm giác đại tiện đang hối thúc. Tất cả đều có thể là nguyên nhân khiến bạn không thể đi vệ sinh được.
6. Thuốc chống trầm cảm
Không chỉ có trầm cảm khiến bạn bị táo bón mà các thuốc điều trị trầm cảm còn khiến phân khó tống xuất ra ngoài nữa. Có thể là vì các thuốc này có hoạt tính anticholinergic (ức chế phó giao cảm), đặc biệt là thuốc chống trầm cảm ba vòng.
Anticholinergic sẽ ức chế chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine kết hợp với thụ thể trên tế bào. Mà acetylcholine có vai trò trong sự co thắt cơ hệ ruột giúp vận chuyển thức ăn để tiêu hóa. Vì thế ức chế acetylcholine khiến ruột bạn giảm hoạt động, thức ăn sẽ tồn tại lâu hơn trong ruột và phân khó được tống xuất hơn.
7. Phụ thuộc thuốc nhuận tràng
Nếu bạn cần sử dụng thuốc nhuận tràng để giúp đi vệ sinh nhưng chỉ sử dụng thỉnh thoảng thì không sao. Còn nếu bạn có thói quen dùng nhiều đến mức lệ thuộc vào thuốc này mỗi khi bạn gặp táo bón, bạn vô tình khiến tình trạng này càng nghiêm trọng hơn.
Vì liều cao thuốc nhuận tràng sẽ làm giảm sự nhạy cảm của ruột, khiến ruột khó mà hoạt động bình thường nếu không có thuốc. Cuối cùng, bạn không thể đi vệ sinh bình thường được nữa.
8. Đái tháo đường
Một nghiên cứu ở Brazil năm 2014 cho biết có khoảng 1 trong 3 bệnh nhân đái tháo đường sẽ có tình trạng táo bón. Như vậy lượng đường cao trong máu có ảnh hưởng gì đến việc khó khăn khi đi vệ sinh của bạn?
Những người bị đái tháo đường lâu năm sẽ bị tổn thương thần kinh, trong đó có hệ thần kinh ruột, khiến nhu động ruột giảm đi cũng như cảm giác trực tràng kém nhạy. Kết quả là bạn sẽ bị táo bón chính là nguyên nhân khiến bạn không thể đi vệ sinh.
9. Chế độ ăn nhiều béo ít xơ
Khi bạn ăn phô mai quá nhiều có thể khiến bạn không đi vệ sinh trong vài ngày. Điều này được giải thích là do phô mai có nhiều chất béo và không có chất xơ trong thành phần. Chất béo sẽ khiến nhu động ruột giảm và nếu kèm theo đó là chế độ ăn ít chất xơ, bạn có thể bị táo bón.
Một trong những cách trị táo bón hiệu quả nhất là ăn nhiều chất xơ từ các loại rau củ quả quen thuộc như chuối tiêu, khoai lang luộc, bưởi, rau mùng tơi, rau đay… Chất xơ rất quan trọng để phân dễ tống xuất ra ngoài vì các sợi xơ sẽ kéo nước vào ống tiêu hóa, tích tụ trong phân, giúp phân mềm hơn và dễ tống ra ngoài hơn.
10. Thuốc giảm đau opioid
Có khoảng 50% bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau opioid có tình trạng táo bón. Vì các thuốc này có tác động đến hệ ruột của bạn. Đầu tiên, opioid giảm nhu động ruột, khiến phân tồn tại lâu và bị mất nước. Bên cạnh đó, opioid còn khiến hệ tiêu hóa giảm sự tiết dịch vào lòng ống, cả hai vấn đề trên kết hợp khiến phân trở nên khô cứng và khó tống xuất ra ngoài.
Có những thói quen tưởng chừng như vô hại lại đang khiến bạn bị táo bón nặng hơn, cũng có những trường hợp việc khó đi vệ sinh là biểu hiện của nhiều bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, khi bạn xuất hiện bất thường về đại tiện trong thời gian dài, bạn nên khám bác sĩ để được xác định nguyên nhân gây táo bón để điều trị kịp thời nhé.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 7 thực phẩm nhuận tràng giúp bạn ngăn ngừa táo bón
- Táo bón: Căn bệnh phổ biến nhưng không phải ai cũng biết
- Chữa táo bón thai kỳ: Nên và không nên ăn gì?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!