Táo bón ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục

Các bệnh - 04/29/2024

Trẻ sơ sinh còn vô cùng non nớt và bất cứ vấn đề gì ở trẻ cũng có thể khiến cha mẹ lo lắng mãi không thôi. Táo bón cũng vậy. Dù tỉ lệ trẻ sơ sinh bị táo bón không chiếm quá nhiều nhưng nó vẫn cực kì phổ biến, điều đó khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Vậy thì, cha mẹ cần tìm hiểu về táo bón ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục cho trẻ hiệu quả nhất.

Táo bón ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục

Táo bón ở trẻ sơ sinh khiến cha mẹ hết sức lo lắng (ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh

Táo bón ở trẻ sơ sinh chủ yếu do chế độ ăn uống, dưới đây là một số nguyên nhân:

- Do sữa công thức của trẻ: Đường ruột của trẻ sơ sinh còn rất non yếu nên trẻ có thể nhạy cảm với một số nhãn hiệu sữa công thức. Điều đó dẫn tới táo bón.

- Dị ứng sữa hoặc sữa đậu nành: Trẻ bị dị ứng sữa có thể bị táo bón, đầy hơi và những khó chịu khác. Các bác sĩ sẽ kiểm tra xem bé có bị dị ứng sữa hoặc sữa đậu nành hay không.

- Bổ sung sắt: Vitamin cùng với sắt có thể khiến phân của trẻ trở nên cứng và có màu xanh đen.

- Mất nước: Nếu trẻ bú không đủ, phân có thể khô hơn và cứng hơn. Mẹ có thể kiểm tra dễ dàng bằng cách thấy trong miệng bé bị khô và dính, bé đi tè ít hơn 6 lần/ngày, nước tiểu trở nên vàng hơn và có mùi hôi.

- Thay đổi chế độ ăn uống: Một số trẻ bắt đầu chuyển sang chế độ ăn dặm không quen với thực phẩm mới đồng thời không được cung cấp đủ nước dễ dẫn đến táo bón.

Táo bón ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục

Trẻ bú sữa công thức rất dễ bị táo bón (ảnh minh họa)

Các biện pháp khắc phục khi trẻ sơ sinh bị táo bón

Thay đổi sữa công thức

Sử dụng một loại sữa công thức có thể giải quyết tình trạng táo bón ở trẻ. Hãy chọn cho trẻ một loại sữa 'mát hơn' và nhớ là pha sữa theo đúng tỉ lệ như nhà sản xuất đã hướng dẫn.

Cho trẻ uống nước ép mận khô

Khi trẻ trên 6 tháng tuổi, một chút nước ép mận khô có thể cải thiện tình trạng phân ở trẻ. Mẹ có thể cho bé uống nước ép mận pha loãng (1 phần nước mận, 10 phần nước) để bé dễ chịu hơn.

Cho trẻ uống thêm nước

Trẻ dưới 6 tháng chỉ cần bú sữa mẹ mà không cần uống thêm nước. Nhưng trẻ trên 6 tháng cần cho trẻ uống thêm nước để tránh táo bón, đặc biệt là những bé đang có dấu hiệu mất nước.

Thụt phân cho trẻ

Trẻ bị táo bón thường rất khó co bóp dạ dày và thư giãn trực tràng. Mỗi lần đi cầu, bé rất khó để đẩy phân ra khỏi hậu môn. Vì thế, để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa của bé, mẹ có thể giúp bé thư giãn hơn bằng cách cho bé tập động tác đạp xe, hãy cầm chân bé và nhẹ nhàng ấn đầu gối vào bụng bé vài lần. Nếu không thành công, hãy sử dụng một chiếc tăm bông có bôi vaselin hoặc mật ong, hoặc cũng có thể dùng ngọn mồng tơi để thụt hậu môn cho trẻ.

Táo bón ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục

Thụt phân cho trẻ nếu trẻ quá khó chịu và không thể tự đi cầu (ảnh minh họa)

Thay đổi chế độ ăn

Khi trẻ ăn dặm, hãy hạn chế những loại thực phẩm gây khó tiêu và táo bón như cơm trắng, bơ sữa… mà thay vào đó hãy bổ sung thêm trái cây và rau như bông cải xanh, mận, nước ép mận… để giúp bé đi cầu trở lại bình thường.

Lưu ý: Tuyệt đối không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong.

Hy vọng những thông tin bổ ích này có thể giúp ích cho mẹ trong việc xác định được nguyên nhân mà bé bị táo bón để từ đó có các biện pháp giải quyết cho phù hợp. Hãy thật kiên trì cùng con vượt qua giai đoạn này nhé. Xem thêm thông tin táo bón trẻ em tại đây.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!