Dịch Ebola xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại một ngôi làng gần sông Ebola ở Congo và một ngôi làng khác ở vùng hẻo lánh thuộc Sudan. Tên loài virus này đã được đặt theo tên con sông đó.
Dịch Ebola đang bùng phát trở lại. Riêng ở đất nước Cộng hòa Dân chủ Congo, con số người chết cho đến nay đã lên đến 319 người và dự đoán tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong khi các mối quan tâm đang đổ dồn về căn bệnh này thì lại có rất nhiều thông tin sai lệch về virus Ebola xuất hiện. Vì vậy, Hello Bacsi sẽ nêu lên 10 sự thật cần biết về Ebola để mọi người tìm hiểu, tránh nhầm lẫn với những thông tin không đúng về bệnh.
1. Ebola bắt đầu ở động vật và lây lan sang loài người
Các chuyên gia tin rằng virus Ebola ban đầu xuất hiện ở động vật, cụ thể hơn là loài dơi ăn quả Pteropodidae, loài dơi này được coi là vật chủ tự nhiên của virus Ebola. Ngoài ra, các loài động vật khác như khỉ đột, vượn, lợn cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh.
Ebola lây nhiễm thông qua tiếp xúc với máu, dịch tiết hoặc nội tạng của động vật bị nhiễm bệnh. Vì vậy, con người bị nhiễm Ebola chủ yếu là qua việc ăn hay làm các món thịt động vật hoang dã.
2. Ebola lây nhiễm khi tiếp xúc với chất lỏng cơ thể, thậm chí cả xác chết!
Khi Ebola xuất hiện trong quần thể người, nó sẽ lây lan khi bạn tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người nhiễm bệnh. Nếu ai đó chạm vào những dịch tiết này, virus có thể xâm nhập qua da hoặc niêm mạc ở mắt, mũi, miệng.
Ebola cũng lây qua đường tình dục hoặc dùng chung kim tiêm. Virus Ebola còn ẩn chứa trong các bề mặt, vật liệu và đồ đạc.
Ngoài ra, tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người chết mắc bệnh Ebola cũng sẽ bị nhiễm virus này.
3. Dịch Ebola tồi tệ nhất xảy ra vào những năm 2014–2016
Dịch Ebola vào năm 2014–2016 bùng phát ở Tây Phi, là nguyên nhân gây ra hơn 28.600 ca nhiễm và 11.325 ca tử vong. Đến nay, nó là dịch Ebola nguy hiểm nhất. Trong đó, chủng virus Zaire chính là thủ phạm.
Các chuyên gia tin rằng yếu tố góp phần vào sự trầm trọng của đợt bùng phát dịch này là do thiếu chuyên gia y tế, thiếu sự chuẩn bị và chậm trễ trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus.
4. Đợt bùng phát tồi tệ thứ hai đang xảy ra
Dịch bệnh năm 2018 tại Cộng hòa Dân chủ Congo được coi là nguy hiểm thứ hai. Đây là đại dịch Ebola thứ 10 của Congo từ năm 1976 và lần thứ hai trong năm nay.
Các quan chức y tế cho biết việc cố gắng ngăn chặn virus đã gặp nhiều thách thức do xung đột vũ trang đang diễn ra trong khu vực và thiếu sự tham gia của cộng đồng.
5. Các triệu chứng ban đầu của Ebola
Các triệu chứng Ebola sớm bao gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể, ho, đau dạ dày, nôn mửa và tiêu chảy. Các triệu chứng này cũng xuất hiện ở các bệnh khác nên rất khó để chẩn đoán sớm bệnh.
Thời gian ủ bệnh của virus Ebola khoảng từ 2–21 ngày, kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh cho tới khi có những triệu chứng bệnh đầu tiên.
6. Ebola không phải là rủi ro quá lớn trong cộng đồng
Bạn sẽ không có nguy cơ mắc bệnh Ebola trừ khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chất dịch cơ thể của người bị nhiễm virus.
Các bệnh nhân sẽ dễ lây bệnh cho người khác khi họ bắt đầu có triệu chứng. Trong thời gian ủ bệnh, họ không có khả năng lây lan.
Những người có nguy cơ cao với việc nhiễm virus Ebola là các nhân viên y tế, người nhà hoặc người tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, những người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola tại các khu rừng nhiệt đới cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
7. Chảy máu là dấu hiệu của giai đoạn cuối Ebola
Các triệu chứng sau này của Ebola là chảy máu bên ngoài và bên trong. Người bệnh sẽ bị đỏ mắt, nôn ra máu, tiêu chảy ra máu, suy tim và cuối cùng là tử vong. Các triệu chứng này sẽ xuất hiện sau khi có các triệu chứng ban đầu chỉ một vài ngày.
8. Ebola thường gây tử vong
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong trung bình đối với Ebola là khoảng 50%, nhưng con số này có thể dao động từ 25–90% tùy thuộc vào ổ dịch. Chăm sóc hỗ trợ sớm là một cách để cải thiện cơ hội sống sót của bạn.
9. Vaccine đang được sử dụng
Một loại vaccine có tên rVSV-ZEBOV đã cho thấy sự hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng.
Kết quả của một nghiên cứu cho thấy trong số 5.837 người được tiêm vaccine, không có trường hợp mắc bệnh Ebola nào được ghi nhận sau 10 ngày tiêm vaccine.
10. Không có cách chữa trị, nhưng có những phương pháp điều trị đầy hứa hẹn đang được nghiên cứu
Mặc dù không có phương pháp nào được phê duyệt để chữa bệnh Ebola, tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp đang được thử nghiệm.
Hiện tại, cách chữa trị chỉ có thể là sự chăm sóc cho bệnh nhân, bao gồm thở oxy, duy trì huyết áp và thay máu. Các bác sĩ sử dụng thuốc để làm làm giảm sự mất nước do nôn mửa và tiêu chảy.
Các phương pháp điều trị khác đang được xem xét để giúp đỡ căn bệnh này như truyền máu từ những người sống sót và lọc máu cơ học từ bệnh nhân. Những loại thuốc thử nghiệm, chẳng hạn như ZMapp, mAb 114, GS-5734 và REGN-EB3, cũng đang được nghiên cứu và cung cấp cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở Congo.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Ebola
- Bệnh sốt do virus: Những nguyên nhân và triệu chứng cần để ý
- Xét nghiệm đo tải lượng virus là gì?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!