Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm phía trước cổ, dưới yết hầu. Tuyến giáp sản xuất ra hormone gọi là T3 và T4. Những hormone này theo máu đi khắp các cơ quan trong cơ thể. Hormone tuyến giáp chi phối các hoạt động của cơ thể, bao gồm tốc độ đốt cháy năng lượng và nhịp tim của bạn. Những hoạt động này phối hợp với nhau tạo nên quá trình trao đổi chất. Tuyến giáp hoạt động đúng cách sẽ sản xuất ra lượng hormone vừa đủ cần thiết cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
So với nam giới, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi rối loạn tuyến giáp nhiều hơn. Những rối loạn này có thể bao gồm:
- Rối loạn gây ra tăng năng tuyến giáp: Là những rối loạn khiến tuyến giáp tiết nhiều hormone tuyến giáp hơn mức cơ thể cần. Nguyên nhân chính của tăng năng tuyến giáp là bệnh basedow (cường giáp). Basedow xảy ra do rối loạn tự miễn dịch, khiến hệ miễn dịch của cơ thể kích thích tuyến giáp sinh ra rất nhiều hormone. Tăng năng tuyến giáp còn có thể bị gây ra bởi những khối u tuyến giáp khiến hormone được sản xuất nhiều.
- Giảm năng tuyến giáp là khi tuyến giáp không tiết đủ lượng hormone tuyến giáp mà cơ thể cần. Nguyên nhân chính của bệnh là chứng Hashimoto (viêm tuyến giáp). Hashimoto là chứng rối loạn tự miễn khi hệ miễn dịch vô thức tấn công tuyến giáp, gây ức chế sự tiết hormone. Giảm năng tuyến giáp bị gây ra bởi: điều trị tăng năng tuyến giáp, xạ trị ung thư, cắt bỏ tuyến giáp.
Trong vài trường hợp, tuyến yên có vấn đề cũng có thể khiến tuyến giáp trở nên kém hoạt động.
- U tuyến giáp là sự nhô cao một khu vực nào đó trong tuyến giáp. U tuyến giáp có thể cứng hoặc chứa dịch và máu. Bạn có thể có một hoặc nhiều khối u.
- Viêm tuyến giáp là sưng, phồng tuyến giáp. “Viêm tuyến giáp hậu sản” là một dạng viêm tuyến giáp.
- Ung thư tuyến giáp.
- Bướu cổ.
Triệu chứng của tăng chức năng tuyến giáp (cường giáp)
Ban đầu, bạn sẽ không thấy bất cứ triệu chứng nào của bệnh, bởi chúng tiến triển chậm. Nhưng theo thời gian, khi chu trình chuyển hóa diễn ra nhanh có thể gây nên những triệu chứng như:
- Sụt cân kể cả khi khẩu phần ăn không đổi hoặc tăng lên;
- Ăn nhiều hơn bình thường;
- Nhịp tim nhanh, tim đập bất thường hoặc thót tim;
- Lo âu;
- Hay cáu kỉnh;
- Rối loạn giấc ngủ;
- Rung tay, chân;
- Tăng tiết mồ hôi;
- Tăng nhạy cảm với nhiệt độ nóng;
- Yếu cơ;
- Thường xuyên đi ngoài;
- Kỳ kinh nguyệt không đều và máu kinh ra ít hơn.
Những triệu chứng kèm theo có thể là xương trở nên giòn và yếu. Trên thực tế tăng năng tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến xương trước khi bạn có bất cứ dấu hiệu của sự rối loạn nào. Đặc biệt, phụ nữ đã mãn kinh sẽ có rủi ro cao hơn đối với chứng loãng xương.
Triệu chứng của giảm chức năng tuyến giáp (nhược giáp)
Triệu chứng của bệnh thường tiến triển chậm trong nhiều năm. Ban đầu, bạn có thể thấy mệt mỏi và uể oải. Sau đó, các triệu chứng cụ thể sẽ xuất hiện khi sự chuyển hóa diễn ra chậm lại, bao gồm:
- Tăng cân mặc dù bạn không ăn nhiều;
- Tăng nhạy cảm với lạnh;
- Chứng táo bón;
- Yếu cơ;
- Đau cơ và khớp;
- Trầm cảm;
- Rất mệt mỏi;
- Da khô và tái;
- Mặt phù nề;
- Giọng khàn;
- Nguyệt san ít máu hoặc không có kinh nguyệt.
Bên cạnh đó, bạn có thể bị tăng cholesterol trong máu, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Triệu chứng của u tuyến giáp
Bạn có thể tự kiểm tra khối u bằng cách đứng thẳng trước gương, ngửa cằm nhẹ lên trên. Kiểm tra2 bên khí quản dưới yết hầu để tìm bướu. Nếu bướu chuyển động lên xuống khi bạn nuốt nước bọt, có thể bạn đã mắc u tuyến giáp.
Triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư tuyến giáp đều bị u tuyến giáp và không hề xuất hiện triệu chứng. Để chẩn đoán liệu bạn có mắc ung thư tuyến giáp hay không, bác sĩ phải làm xét nghiệm rõ ràng. Một số ít bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp sẽ có triệu chứng bệnh. Nếu khối u đủ lớn, nó có thể gây ra sưng ở cổ, chỗ bị sưng có thể gây ra đau đớn khi nuốt hoặc thở. Vài người có thể sẽ bị khàn giọng.
Có thể có các biểu hiện và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các triệu chứng bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Làm thế nào để tránh mắc bệnh về tuyến giáp?
Các bệnh về tuyến giáp hầu hết đều không thể phòng tránh. Cách tốt nhất để ngăn ngừa đó là kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu phát hiện thấy những bất thường ở cổ, hoặc có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, cùng các triệu chứng được nếu ở trên, bạn nên gặp bác sĩ ngay. Việc phát hiện và có biện pháp chữa trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cũng hỗ trợ bạn ngăn ngừa các bệnh về tuyến giáp.
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!