Tuyến giáp là một tuyến nhỏ, có hình cánh bướm, nằm ở phía trước cổ, giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất, nhịp tim và nhiều hoạt động quan trọng khác của cơ thể. Chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động lành mạnh của tuyến giáp. Vì vậy, hãy bổ sung những thực phẩm tốt cho tuyến giáp vào khẩu phần ăn của mình nhé.
Khi tuyến giáp hoạt động kém, nó sẽ không sản xuất đủ hormone tuyến giáp, dẫn đến tăng cân, mệt mỏi, trầm cảm và dễ bị cảm lạnh. Ngược lại, nếu tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thì có thể dẫn đến sút cân, nhịp tim bất thường, đổ mồ hôi, căng thẳng và khó chịu.
Di truyền, rối loạn tự miễn, căng thẳng và độc tố môi trường là những yếu tố có thể gây ra rối loạn tuyến giáp. Ngoài ra, sức khỏe tuyến giáp cũng phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn. Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho tuyến giáp mà bạn nên biết.
Thực phẩm tốt cho tuyến giáp
1. Rong biển
Tuyến giáp cần iốt để hoạt động và tạo đủ hormone mà cơ thể cần. Nếu bị thiếu iốt, bạn sẽ có nguy cơ bị suy giáp hoặc bướu cổ. Rong biển chứa rất nhiều iốt, nhưng mỗi loại sẽ có một lượng iốt khác nhau. Tuy nhiên, bạn chỉ nên ăn vừa đủ bởi nếu bổ sung quá nhiều iốt có thể gây hại cho tuyến giáp.
2. Sữa chua
Ngoài rong biển, các sản phẩm làm từ sữa cũng rất tốt cho tuyến giáp. Sữa chua nguyên chất, sữa chua ít béo hoặc sữa chua Hy Lạp là những nguồn cung cấp iốt rất tốt bởi nó có thể bổ sung khoảng 50% lượng iốt mỗi ngày mà cơ thể cần.
3. Sữa
Theo nghiên cứu, phần lớn lượng iốt mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày là đến từ các sản phẩm làm từ sữa. Uống 1 ly sữa ít béo mỗi ngày sẽ giúp bổ sung 1/3 lượng iốt mà cơ thể cần. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn những loại sữa có bổ sung thêm vitamin D. Những người bị suy giáp thường có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D cao hơn những người khác.
4. Gà và thịt bò
Kẽm là một chất dinh dưỡng rất cần thiết đối với tuyến giáp. Thiếu kẽm có thể dẫn đến suy giáp, gây ra các rối loạn tự miễn tấn công vào nang tóc và làm nó rụng thành từng mảng. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng hoàn toàn có thể cung cấp đủ lượng kẽm mà cơ thể cần. Thịt bò và thịt gà là một nguồn cung cấp kẽm phong phú: 100g thịt bò chứa khoảng 3g kẽm và 100g thịt gà chứa khoảng 2,4g kẽm.
5. Cá và hải sản
Iốt có rất nhiều trong nước biển. Vì vậy, cá là một loại thực phẩm bổ sung iốt rất tốt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sống ở vùng không có điều kiện tiếp cận với biển thì dễ bướu cổ hơn so với những người sống ở vùng ven biển. 100g cá chứa khoảng 99mcg iốt. Ngoài ra, cá ngừ cũng là một sự lựa chọn tốt bởi ngoài việc chứa nhiều iốt thì nó cũng chứa rất nhiều selen, tốt cho sức khỏe tuyến giáp.
Ngoài cá, tôm cũng là một loại thực phẩm cung cấp iốt rất tốt. Thực tế, 100g tôm chứa khoảng 20% lượng iốt mà cơ thể cần mỗi ngày.
6. Trứng
Một quả trứng chứa khoảng 16% lượng iốt và 20% selen cần thiết trong ngày. Do đó, trứng là một trong những loại thực phẩm rất tốt cho tuyến giáp. Ngoài ra, lòng đỏ trứng còn có chứa nhiều dưỡng chất giúp hỗ trợ trao đổi chất như các loại vitamin tan trong chất béo, các axit béo thiết yếu và choline.
7. Quả mọng
Những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa rất tốt cho tuyến giáp. Quả mọng có chứa nhiều chất chống oxy hóa. Các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi và nam việt quất đều là những thực phẩm tốt cho tuyến giáp.
Thực phẩm nên ăn ở mức vừa phải
1. Súp lơ, cải xoăn, bông cải xanh và cải thìa
Có một số thông tin cho rằng các loại rau họ cải có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp. Điều này không hoàn toàn sai bởi các loại rau này có chứa các hợp chất glucosinolates, có thể gây trở ngại cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, nếu bạn ăn vừa đủ thì nó sẽ không gây hại mà thậm chí còn rất tốt cho sức khỏe tuyến giáp.
2. Đậu nành
Vai trò của đậu nành đối với sức khỏe của tuyến giáp hiện vẫn đang gây tranh cãi. Có một số nghiên cứu cho rằng đậu nành có thể ảnh hưởng xấu đến tuyến giáp trong khi nhiều nghiên cứu khác lại cho rằng đậu nành không ảnh hưởng đến tuyến giáp trừ khi bạn gặp phải các vấn đề liên quan. Nói chung, bạn chỉ dùng đậu nành ở mức vừa phải thì không cần lo lắng việc ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Những thực phẩm không tốt cho tuyến giáp
1. Gluten (nếu bạn bị bệnh không dung nạp gluten)
Những người mắc bệnh Celiac (bệnh không dung nạp gluten) sẽ có nguy cơ mắc phải các bệnh về tuyến giáp cao hơn. Vì vậy, nếu bạn mắc bệnh này, một chế độ ăn không chứa gluten không những giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh mà còn giúp bảo vệ tuyến giáp.
2. Thực phẩm chế biến
Nếu bạn nghĩ rằng nên ăn nhiều thức ăn mặn hoặc thực phẩm chế biến chỉ để bổ sung iốt thì nên suy nghĩ lại. Đa phần nhà sản xuất không bao giờ sử dụng muối iốt trong các loại thực phẩm chế biến. Cho nên, việc ăn nhiều các loại thực phẩm này chỉ làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp, tim mạch chứ không bổ sung được iốt.
3. Thức ăn nhanh
Cũng giống như thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh cũng không sử dụng muối iốt trong quá trình chế biến. Do đó, ăn nhiều loại thực phẩm này không những không tốt cho tuyến giáp mà còn ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Suy tuyến giáp ở trẻ nhỏ, những vấn đề không nên bỏ qua
- Bệnh cường giáp nên ăn uống như thế nào?
- Bệnh suy giáp nên ăn gì và không nên ăn gì?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!