Dù đang trong bất kỳ tình trạng nào, vừa mới ăn, vừa mới hoạt động hay chỉ nằm nghỉ trên giường, bạn vẫn luôn cảm thấy đói. Tại sao lại như vậy? Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những lý do và cách giải quyết tình trạng này nhé!
Có phải tại những món bạn vừa ăn?
Bạn đi học, đi làm và không thể cưỡng lại những chiếc bánh ngọt. Nhưng sau khi ăn vài cái bánh thì bây giờ bạn lại muốn ăn thêm món khác? Thực chất, các loại bánh ngọt, thức uống có đường và kẹo cứng rất ngon nhưng năng lượng chúng cung cấp cho cơ thể lại không kéo dài và bạn sẽ mau chóng cảm thấy đói. Ngoài ra, có một số loại thực phẩm sẽ khiến bạn cảm thấy đói hơn.
Tốt hơn, bạn nên lựa chọn những thực phẩm giúp kìm hãm cơn thèm ăn. Đó có thể là bất kỳ món nào có chứa nhiều chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây hoặc rau củ, chất béo lành mạnh (như cá hồi, quả bơ hay các loại hạt) và đạm nạc (như trứng, đậu và gà nướng).
Bạn bị stress quá mức
Ban đầu, cơ thể sẽ không cảm thấy đói nhờ các hormone adrenalin. Nhưng nếu bạn cảm thấy lo lắng, căng thẳng trong một thời gian dài thì cơ thể sẽ kích thích sản sinh một loại hormone khác – cortisol. Loại hormone này sẽ khiến bạn muốn ăn bất cứ món nào mà bạn thấy. Tuy nhiên, khi bạn đã giải tỏa được stress, nồng độ cortisol trong cơ thể sẽ tự động giảm theo và sự thèm ăn của bạn cũng sẽ trở về bình thường.
Bạn đang khát nước
Thỉnh thoảng khi bạn có cảm giác muốn ăn gì đó, thì thực chất là do cơ thể đang thiếu nước. Vì vậy, bạn hãy thử uống một ít nước trước. Sau đó nếu vẫn cảm thấy đói thì đã đến lúc bạn cần ăn thêm một món nào đó. Đồng thời, nhờ vào lượng nước vừa uống, bạn sẽ không cần phải ăn thêm quá nhiều.
Đường huyết của bạn vừa tăng vọt
Khi bạn ăn đồ ngọt và tinh bột như bánh vòng donut, bánh ngọt, hay các loại soda và nước ngọt thông thường, cơ thể sẽ hấp thụ rất nhiều đường cùng một lúc. Do đó, một lượng hormone insulin được sản ra để tích trữ như “nhiên liệu” đốt cháy đường hoặc dùng vào các trường hợp sau đó. Tuy nhiên, lượng đường bạn hấp thụ sẽ làm cơ thể sản sinh insulin vượt mức cần thiết dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết và bạn sẽ cảm thấy đói trở lại.
Có khả năng bạn đang bị tiểu đường
Trường hợp này có nghĩa là cơ thể đang gặp vấn đề về năng lượng. Bạn sẽ cảm thấy đói vì cơ thể nghĩ rằng nó cần nhiều năng lượng hơn. Nhưng thực tế là bạn đang gặp vấn đề về chuyển hóa thức ăn thành năng lượng cho cơ thể. Các bác sĩ gọi đây là “chứng ăn nhiều” – nghĩa là bạn đang thèm ăn quá độ và đó có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường. Một số triệu chứng khác: bạn sẽ sụt cân, đi tiểu tiện nhiều hơn và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Hãy đi khám nếu bạn gặp phải những triệu chứng này để được điều trị sớm nhất có thể.
Đường huyết của bạn bị hạ thấp
Đây là chứng “hạ đường huyết”. Nghĩa là cơ thể đang không đủ “nhiên liệu” và lượng đường trong máu, khiến cơ thể mệt mỏi hơn, bạn có thể cảm thấy yếu đi hoặc hoa mắt, chóng mặt. Những triệu chứng này thường có khả năng xảy ra khi bạn không ăn gì trong vài giờ đồng hồ. Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng như vậy, bạn có thể được các bác sĩ khuyến nghị kiểm tra đường huyết thường xuyên và ăn thêm một ít chất bột đường nếu đường huyết bị hạ thấp. Bạn sẽ cần ăn nhiều hơn hoặc dùng thêm thuốc để điều chỉnh lượng đường trong máu về mức bình thường.
Bạn đang có “tin vui”
Một số phụ nữ mang thai sẽ bị ốm nghén trong vài tuần đầu, nhưng một số khác sẽ cảm thấy lúc nào mình cũng đói. Đôi khi, họ có thể thèm ăn những món mới và cảm thấy chán những món đã từng ưa thích. Nếu bạn nghĩ đây là nguyên nhân khiến mình luôn đói, hãy dùng que thử thai để kiểm tra nhé. Và nếu 2 vạch xuất hiện thì bạn nên đến gặp bác sĩ để xác nhận kết quả chính xác nhất.
Ăn uống quá nhanh đang là vấn đề của bạn
Nếu bạn ăn uống quá vội vã, cơ thể sẽ không có đủ thời gian để nhận thức được mình no hay chưa. Ăn uống chậm rãi sẽ khiến bạn ngon miệng hơn, đồng thời cũng sẽ ăn ít hơn. Tốt nhất bạn nên chú ý: ăn từng miếng nhỏ, nhai kỹ và thưởng thức món ăn. Nghỉ ngơi 20 phút sau khi ăn và kiểm tra xem mình còn đói không nhé.
Món ăn chưa làm bạn hài lòng
Các nhà khoa học đã đưa ra “chỉ số no” để xác định mức đáp ứng của thực phẩm. Những món ăn có chỉ số no cao hơn sẽ thỏa mãn cơn đói của bạn tốt hơn với cùng mức calo tiêu thụ. Ví dụ, khoai tây nướng sẽ làm bạn no hơn khoai tây chiên.
Bạn vừa cảm nhận được một món ăn thơm phức hoặc rất bắt mắt
Có thể bạn vừa xem một quảng cáo về những cây kem mát lạnh hoặc ngửi thấy mùi những chiếc bánh nướng thơm phức mới ra lò khi đang đi ngang một tiệm bánh. Những yếu tố này sẽ làm bạn muốn ăn nhiều hơn cho dù bạn có cảm thấy đói hay không. Vì vậy, bạn hãy cố gắng xác định xem mình thèm ăn có phải do những xúc tác tương tự không hay thật sự đói và đưa ra quyết định phù hợp nhé.
Cảm xúc của bạn đang chiếm lấy quyền kiểm soát
Nhiều người sẽ tìm đến một món ăn nào đó giúp xoa dịu tâm trạng mỗi khi họ thấy thất vọng, chán nản hay buồn rầu. Trường hợp này được gọi là “ăn theo cảm xúc”. Bạn đang có tâm trạng như thế nào trước khi ăn? Nếu thực sự không đói, bạn hãy thử làm những việc mình yêu thích. Nhưng nếu bạn nhận ra mình thường thấy chán, căng thẳng hoặc hay lo lắng, hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn để lên kế hoạch kiểm soát tâm trạng tốt và lành mạnh hơn.
Tuyến giáp đang hoạt động quá mức
Nếu thật sự như vậy, chúng sẽ làm bạn cảm giác mệt mỏi, lo âu, tâm trạng thất thường và lúc nào cũng thấy đói. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào tương tự, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Trường hợp gặp phải vấn đề về tuyến giáp, bạn có thể nhận điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc cả hai phương pháp.
Bạn đang uống thuốc
Một số loại thuốc có thể tác động đến cơn thèm ăn của bạn như: thuốc điều trị về tâm lý, thuốc kháng histamine, thuốc an thần và corticosteroid. Sau khi bạn bắt đầu một liệu trình thuốc mới và cảm thấy mình thường xuyên đói hơn, hãy thông báo ngay với bác sĩ và đừng tự ý ngừng dùng thuốc nhé.
Bạn không ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ sẽ làm mất cân bằng các hormone kiểm soát cơn đói (leptin và ghrelin) khiến bạn muốn ăn nhiều hơn. Điều này cũng sẽ làm bạn thèm và ăn các món ăn vặt nhiều hơn, đồng nghĩa với nhiều calo và chất béo được tiêu thụ hơn chỉ để thỏa mãn sự cám dỗ ấy.
Bạn đã biết được 14 lý do có thể khiến mình luôn cảm thấy đói, hãy xác định nguyên nhân mà bản thân đang gặp phải và xử lý chúng ngay nhé. Tuy nhiên, đôi khi cơn đói cũng sẽ làm tâm trạng trở nên cáu gắt hơn, bạn có thể tìm hiểu cách ngăn chặn sự cáu bẳn, khó chịu này tại đây để không làm buồn lòng mọi người xung quanh.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 13 loại thực phẩm có thể khiến bạn đầy bụng
- Làm sao cắt giảm khẩu phần ăn mà không cảm thấy đói? (P1)
- Ăn ở sân bay thế nào để vừa “cứu đói” vừa không sợ béo?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!