14 xét nghiệm phổ biến nhất nên thực hiện

Kỹ năng sống - 05/19/2024

Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm HPV kèm với xét nghiệm Pap 5 năm/lần.

Khi còn bé, bạn thường được mẹ dẫn đi khám sức khỏe định kỳ. Khi thành người lớn, bạn cũng phải tự mình thực hiện việc đó. Bài viết này sẽ trình bày ý nghĩa cũng như thời điểm cần thực hiện những xét nghiệm khi khám sức khỏe định kỳ.

1. Khám da

Bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ khám da trên toàn bộ cơ thể của bạn (bao gồm da đầu, cơ quan sinh dục và cả vùng da giữa các ngón chân), để tìm những nốt tăng sinh đáng ngờ, những nốt ruồi hay những tổn thương trên da.

Thời gian làm: Ít nhất 1 lần/năm. Nếu có các yếu tố nguy cơ như làm trắng da, quá nhiều nốt ruồi hoặc có tiền sử người trong gia đình bị ung thư da, thì bạn cần thực hiện việc tầm soát 3 – 6 tháng/lần.

2. Xét nghiệm Pap

Khi làm xét nghiệm Pap, bác sỹ sản khoa sẽ dùng một cái bàn chải nhỏ và một que gỗ để thu thập các tế bào từ cổ tử cung để soi tìm những thay đổi tiền ung thư.

Thời gian làm: 3 năm/lần, nếu lần thử trước đó là bình thường. Nếu ở độ tuổi 20-29, bạn chỉ cần làm Pap; còn từ tuổi 30, bạn có thể tiếp tục làm Pap 3 năm/lần, hoặc kéo dài đến 5 năm/lần nếu kết hợp làm với HPV test. Hầu hết phụ nữ dừng tầm soát ung thư cổ tử cung ở tuổi 65.

14 xét nghiệm phổ biến nhất nên thực hiện

3. Xét nghiệm HPV

Thường làm cùng lúc với xét nghiệm Pap, xét nghiệm này kiểm tra sự có mặt của HPV, tác nhân được xem là chủ yếu gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.

Thời gian làm: Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm HPV kèm với xét nghiệm Pap 5 năm/lần.

4. Khám vùng chậu

Việc khám phụ khoa này bao gồm quan sát cơ quan sinh dục và khám bằng tay các cơ quan như buồng trứng và tử cung để đánh giá những thay đổi bất thường.
Thời gian làm: Thường bắt đầu từ tuổi 21, thực hiện hàng năm.

5. Các xét nghiệm bệnh lây qua đường tình dục

Bao gồm xét nghiệm máu, nước tiểu và/hoặc xét nghiệm tăm bông để kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục bao gồm lậu, giang mai và HIV.

Thời gian làm: Khuyến cáo tầm soát giang mai và bệnh lậu cho tất cả những phụ nữ có quan hệ tình dục dưới 25 tuổi, cũng như ở những phụ nữ lớn tuổi hơn có các yếu tố nguy cơ như có bạn tình mới hoặc có nhiều hơn 1 bạn tình.

6. Chụp nhũ ảnh

ACS và ACOG khuyến cáo nên chụp nhũ ảnh lần đầu vào tuổi 40, hoặc sớm hơn nếu có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có người từng bị ung thư vú.
Thời gian làm: Mỗi năm 1 lần bắt đầu từ 40 tuổi. Nếu có các yếu tố nguy cơ ung thư vú (ví dụ như có đột biến gen BRCA), thì bạn cần thực hiện chụp nhũ ảnh và chụp MRI hàng năm.

14 xét nghiệm phổ biến nhất nên thực hiện

7. Khám vú trên lâm sàng

Đây là một phần của buổi khám sản phụ khoa, bác sĩ sản khoa sẽ thực hiện việc khám bằng tay để tìm những bất thường về kích thước và hình dạng của da hoặc nhũ hoa, cũng như bất cứ khối u đáng ngờ nào có thể gợi ý ung thư vú.

Thời gian làm: 1-3 năm/lần độ tuổi 20-39 và 1 lần/năm bắt đầu từ tuổi 40, theo ACOG.

8. Kiểm tra cholesterol

Một xét nghiệm kiểm tra cholesterol sẽ thể hiện cholesterol toàn phần, LDL cholesterol (cholesterol xấu), HDL cholesterol (cholesterol tốt) và một dạng mỡ trong máu gọi là triglyceride.

Thời gian làm: 4-6 năm/lần.

9. Kiểm tra huyết áp

Việc đo huyết áp được thực hiện bằng cách quấn một túi khí (được nối với 1 đồng hồ chỉ số hoặc đồng hồ điện tử) quanh tay của bạn, nhằm mục đích đo áp lực trong động mạch khi tim đập.

Thời gian làm: 2 năm/lần; mỗi năm 1 lần hoặc nhiều hơn nếu huyết áp của bạn trên mức 120/80 mmHg.

14 xét nghiệm phổ biến nhất nên thực hiện

10. Khám mắt

Kể cả khi thị lực là 20/20, bạn vẫn cần phải khám mắt thường xuyên – đặc biệt là sau tuổi 40. Khi lớn tuổi hơn, bạn có nguy cơ mắc các bệnh như tăng nhãn áp.
Thời gian làm: Trong độ tuổi từ 20-39 tuổi, nên đi khám mắt đầy đủ bởi 1 bác sĩ chuyên khoa mắt 5-10 năm/lần (hoặc mỗi năm 1 lần nếu bạn đeo kính áp tròng. Nếu bắt đầu đi khám ở tuổi 40, thì nên đi khám 2 năm/lần.

11. Xét nghiệm A1C

Xét nghiệm này được chọn để tầm soát bệnh đái tháo đường. Nó đánh giá được mức đường huyết trung bình của bạn trong khoảng 3 tháng.

Thời gian làm: 3 năm/lần bắt đầu từ năm 45 tuổi. Bạn nên thực hiện sớm hơn nếu thừa cân và có một hay nhiều yếu tố nguy cơ như có người thân ruột thịt bị đái tháo đường, sinh con trên 4 kg, đái tháo đường thai kỳ, huyết áp cao.

14 xét nghiệm phổ biến nhất nên thực hiện

12. Nội soi đại tràng

Bác sĩ sẽ khám đại tràng của bạn bằng một ống nhỏ và mềm gọi là ống soi đại tràng, để tìm những vết loét, polyp, u và những vùng viêm hay chảy máu.

Thời gian làm: Nên làm lần đầu từ tuổi 50. Nếu kết quả nội soi âm tính, tiếp tục thực hiện 10 năm/lần.

13. Đo mật độ xương

Xét nghiệm này dùng tia X để đo mật độ xương, khuyến cáo cho tất cả những phụ nữ ở tuổi 65.

Thời gian làm: Một lần lúc mãn kinh nếu bạn có yếu tố nguy cơ. Nếu kết quả là bình thường thì bạn không cần làm lại cho đến khi 65 tuổi.

14. Xét nghiệm vitamin D

Do phần lớn chúng ta (lên đến 75%) có vitamin D ở mức thấp, nên làm xét nghiệm vitamin D mỗi khi đi khám sức khỏe định kỳ.

Ảnh minh họa: Health

Hữu Đạt (Theo Health)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!