21/9: 'Một ngày không bạo lực, ngày của sự vị tha'

Sống khỏe mạnh - 03/28/2024

Đây chính là lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban-Ki-Moon về ngày Quốc tế Hòa bình năm nay.

Đất nước sống trong sự hòa bình thì người dân sẽ có một cuộc sống an toàn và bền vững.

Hòa bình là trạng thái xã hội không có chiến tranh, không dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp xung đột trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị xã hội. Đối với xã hội có nhiều chính đảng, hòa bình cũng được mô tả bởi mối quan hệ giữa các đảng phái trong sự tôn trọng lẫn nhau và theo công lý. Trong giai đoạn hiện nay thì khái niệm hòa bình phải rộng hơn. Đó là sự ổn định để cùng phát triển, hướng tới đích là sự tiến bộ và đồng thuận của xã hội.

21/9: 'Một ngày không bạo lực, ngày của sự vị tha'

Chiến tranh luôn gắn liền với những đau thương và mất mát

Khủng bố, chiến tranh, xung đột sắc tộc tôn giáo… là những yếu tố hàng đầu đe dọa sự hòa bình

Nhìn chung, việc hướng tới hòa bình đang là xu thế lớn, nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Thực tế trên thế giới hiện nay, nguy cơ xung đột, khủng bố, bạo loạn chính trị, chiến tranh hay xung đột sắc tộc, tôn giáo vẫn chưa hoàn toàn được loại bỏ và còn tiềm ẩn ở nhiều. Đây đều là các yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền hòa bình.

Khoảng 30.000 người chết trong cuộc chiến tranh Iraq

Đầu thế kỷ 21 dường như ngập trong chiến tranh. Những cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq, người Hồi giáo nổi dậy ở Pakistan, những trận đánh trên đường phố Somalia, những vụ tàn sát ở Congo, những chiến dịch diệt chủng ở Sudan… Trung bình mỗi năm thế giới có 3 triệu người chết vì chiến tranh. Trong đó, thường dân chết trong các cuộc chiến này chiếm tới 90%, trong khi chỉ 10% là quân nhân.

Hơn 350.000 người di cư tại biên giới các nước châu Âu trong 8 tháng vừa qua

Một hậu quả khác của chiến tranh là vấn đề di dân. Hiện nay, di cư ở châu Âu đang là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử. Đó là khi mà các cuộc xung đột và tình hình bất ổn ở Bắc Phi và Trung Đông vẫn không ngừng xảy ra, hàng trăm nghìn người tị nạn vẫn đang cố tìm cách để tới được 'miền đất hứa' - châu Âu.

21/9: 'Một ngày không bạo lực, ngày của sự vị tha'

Bức ảnh em bé chết bên bờ biển thức tỉnh toàn nhân loại về hậu quả của chiến tranh, xung đột khiến bao người phải chạy trốn khỏi quê hương để tìm cuộc sống yên bình nhưng cũng có thể phải bỏ mạng

Hình ảnh hàng nghìn người tị nạn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, thậm chí phải hứng chịu cái chết thương tâm trên hành trình đi tìm 'miền đất hứa' đang là nỗi đau nhức nhối đối với dư luận. Số người tị nạn và di cư thực hiện cuộc hành trình qua Địa Trung Hải đến châu Âu năm nay đã đạt tới con số kỷ lục được ước tính lên tới hơn 432.000 người. Khoảng 2.700 chết đuối đã được bọc lại và để trên những chiếc thuyền bằng cao su.

Thiếu hòa bình, con người thiếu đi điều kiện sống

Ở những quốc gia có nền hòa bình bất ổn, cuộc sống hay thậm chí cả tính mạng của người dân luôn bị đe dọa. Cuộc sống con người sẽ ngày càng khó khăn, thiếu thốn hay thậm chí nhiều người còn đánh mất cuộc sống của mình.

Nhiều gia đình không có nơi ăn, chốn ở hay công ăn việc làm ổn định. Trẻ em không được tới trường rơi vào tình trạng thiếu giáo dục, đào tạo, tri thức kém, tương lai cuộc sống sẽ không ổn định, nghèo đói. Sự bất ổn về an ninh khu vực khiến cho chất lượng cuộc sống của những con người sinh sống tại những khu vực này ngày càng giảm sút.

21/9: 'Một ngày không bạo lực, ngày của sự vị tha'

Con người luôn hướng tới một cuộc sống không chiến tranh, không xung đột

Ngày 21/9 hàng năm chính thức là ngày kỷ niệm 'Ngày Quốc tế hòa bình'

Ngày Quốc tế hòa bình được Liên hợp quốc đề xướng vào năm 1981, để đánh dấu sự tiến bộ của mỗi cá nhân và tập thể nhân loại trong tiến trình xây dựng những nền văn hóa hòa bình, cũng là để nhắc nhở cho sự quyết tâm không lay chuyển trong việc kiến tạo nền hòa bình nhân loại, vượt lên trên mọi quyền lợi và sự khác biệt. Ngày quốc tế hòa bình đem lại cơ hội cho thế giới tạm dừng xung đột và xem xét cách thức tốt nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn giữa những xung đột và bạo lực.

Chủ đề của ngày Quốc tế hòa bình năm nay là 'Đối tác vì hòa bình – Phẩm giá cho tất cả mọi người’, nhấn mạnh vai trò của tất cả các tầng lớp trong xã hội vì một thế giới hòa bình. Ngày 18/9, trong lời kêu gọi của mình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon nói: 'Hãy biến ngày Quốc tế hòa bình trở thành một ngày không bạo lực, một ngày của sự vị tha. Nếu một ngày chúng ta được sống trong một thế giới không bạo lực và xung đột, chúng ta sẽ tưởng tượng được thế giới hoàn toàn có thể trở nên tốt đẹp hơn đến nhường nào'.

Mỗi con người, mỗi cộng đồng và toàn thể nhân loại cần chung sức để bảo vệ nền hòa bình trên toàn thế giới. Được sống trong hòa bình là khát vọng của toàn nhân loại. Ngày quốc tế hòa bình diễn ra với mong muốn các nước trên thế giới hãy bày tỏ tiếng nói của mình, tiếng nói vì hòa bình.

Loài người vẫn luôn mơ ước và hướng về một thế giới không chiến tranh, không xung đột, không bất hòa. Nhưng liệu điều đó có dễ dàng khi tham vọng, mục đích của một vài cá nhân, một vài vùng hay vài quốc gia vẫn đang khiến nhân loại chưa một ngày bình yên trọn vẹn?

Ảnh minh họa: Internet

Vân Doãn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!