Bệnh viêm não, viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng nặng, thường có các triệu chứng rầm rộ, điển hình khi bệnh toàn phát, nên thường được chẩn đoán và điều trị, ít bị bỏ sót. Nhưng khi được chẩn đoán một số trường hợp đã qua nhiều ngày điều trị bệnh đã diễn biến nặng lên rất nhiều, sự can thiệp y tế ít kết quả, nên tỉ lệ tử vong và di chứng vẫn cao.
1. Ba nguyên nhân có thể làm bệnh viêm não, viêm màng não nặng hơn
Chẩn đoán nhầm viêm não sang bệnh khác
- Triệu chứng điển hình của viêm màng não là hiện táo bón, nhưng ở một số trẻ lại có biểu hiện tiêu chảy nên dễ chẩn đoán nhầm sang tiêu chảy cấp do vi-rút, bệnh thương hàn…
- Bệnh viêm màng não mô cầu chủng W-135 có biểu hiện xuất huyết đầu chi nên có thể chẩn đoán nhầm sang sốt xuất huyết, bệnh hoại thư.
- Bệnh xuất hiện ở bệnh nhân đang bị bệnh đường hô hấp: Bệnh nhân sốt cao kèm theo ho, khó thở… nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang viêm phổi.
- Bị viêm màng não không điển hình nhưng lại kèm theo triệu chứng hướng chẩn đoán tới một bệnh khác.
Nhiều triệu chứng ban đầu của viêm màng não, viêm não có thể không rõ ràng
Chậm chẩn đoán:
- Bệnh diễn biến không điển hình, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn, bệnh nhân thường được chẩn đoán sốt cao chưa rõ nguyên nhân, điều trị kháng sinh bao vây làm bệnh thay đổi bộ mặt lâm sàng (viêm màng não mất đầu) gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Đến khi bệnh đã rõ ràng mới được chẩn đoán thì đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã nặng lên rất nhiều.
- Bệnh viêm màng não ban đầu có biểu hiện nhiễm trùng chung, bệnh nhân tự ý mua thuốc về điều trị, khi không khỏi mới nhập viện thì bệnh đã nặng nề.
Điều trị không đủ thuốc, không đúng phác đồ:
Việc điều trị không đủ thuốc, không đúng phác đồ có rất nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan có thể xảy ra ở các phòng mạch, các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, các bệnh viện, nhất là ở các ca bệnh chưa có chẩn đoán cụ thể.
Ngay cả các phòng khám, bệnh viện tuyến cơ sở cũng có thể chẩn đoán nhầm bệnh
2. Cách hạn chế những tác nhân làm bệnh viêm não, màng não nặng lên
Cần cảnh giác nghĩ đến viêm não màng não khi:
- Bệnh nhân bị viêm phổi, viêm phế quản (sốt, ho, khó thở..), dùng nhiều kháng sinh không đỡ, bệnh cảnh diễn biến khác thường, trẻ mệt mỏi, tình trạng khó thở không tương xứng với tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc… nên nghi ngờ có khả năng bị bệnh viêm màng não, viêm não. Bệnh nhân phải cần được chẩn đoán xác định hoặc loại trừ.
- Ở những ca bệnh nhiễm trùng thấy đột nhiên có giai đoạn ngắn sốt cao, bệnh nặng lên đột ngột rồi lui dần trở lại diễn biến ban đầu, kèm theo các dấu hiệu thần kinh bất thường cần nghi ngờ bệnh viêm não, màng não. Vì trước khi viêm màng não thường có giai đoạn váng khuẩn huyết (tình trạng nhiễm trùng huyết thoáng qua, vi trùng từ ổ viêm vào máu rồi định khu ở màng não, não).
- Trường hợp trẻ dưới 1 tuổi bị tiêu chảy kèm theo sốt cao, điều trị ít kết quả cần phải nghĩ đến và nghi ngờ trẻ bị viêm màng não mủ.
- Đối với trẻ sơ sinh cần nghĩ đến viêm màng não mủ khi có các triệu chứng sốt, bú kém, ngủ li bì, nôn không rõ nguyên nhân, có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết, cổ mềm nhũn, co giật, suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết.
- Những trường hợp sốt cao nhiều ngày, điều trị nhiều kháng sinh không hết sốt, tình trạng nhiễm trùng không rõ ràng cho một bệnh, có triệu chứng lờ đờ hoặc chậm chạp, chậm định hướng, chậm phản ứng… nên làm chọc dịch não tủy để xác định viêm màng não, viêm não.
- Xuất hiện triệu chứng thần kinh trung ương ở bệnh nhân bị viêm xoang mũi, viêm tai giữa, viêm xương chũm cần cảnh giác bị biến chứng viêm màng não, viêm não.
Điều trị kịp thời và đúng phác đồ có ý nghĩa sống còn đối với người bệnh
Không sử dụng kháng sinh bao vây cho các trường hợp chưa rõ ràng:
Việc điều trị kháng sinh bao vây làm mất dấu hiệu viêm màng não (viêm màng não mất đầu) gây khó khăn cho chẩn đoán của tuyến trên làm chậm bệnh chậm được chẩn đoán, làm bệnh nặng lên.
3. Những dấu hiệu cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đi viện
Triệu chứng viêm màng não, viêm não:
- Hội chứng nhiễm trùng: bệnh nhân sốt cao, rét run, dùng thuốc hạ sốt chỉ có tác dụng nhất thời hoặc không hạ được sốt, thể trạng hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn. Trẻ nhỏ suy sụp, bỏ bú, li bì…
- Hội chứng màng não: nôn, nhức đầu, táo bón, cứng gáy, tư thế người ưỡn cong, thóp phồng, co giật, hôn mê, mê sảng, sợ ánh sáng…
Những trường hợp nên nghi nghờ viêm não màng não cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đi viện:
- Bệnh nhân sốt cao, đau đầu, nôn hoặc buồn nôn, cứng cổ. Trẻ nhỏ sốt cao đột ngột, co giật, hôn mê, li bì, tiêu chảy cấp, thuốc hạ sốt ít tác dụng, bù nước và điện giải đủ nhưng các triệu chứng không được cải thiện.
- Bệnh nhân sốt cao nhiều ngày, điều trị nhiều kháng sinh không hết sốt, tình trạng nhiễm trùng không rõ ràng, có triệu chứng lờ đờ hoặc phản ứng chậm.
- Bệnh nhân có các biểu hiện như sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), đen tím hoại tử các ngón tay ngón chân, nôn, đau đầu dữ dội.
>> Xem thêm:Hai trẻ tử vong bất thường sau khi ăn cá lóc nướng
Ảnh minh họa: Internet
BS Đỗ Hữu Thảnh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!