4 cuộc gặp bác sĩ mà phụ nữ nên xếp lịch định kỳ

Sức khỏe phụ nữ - 11/24/2024

Không chỉ cần khám sức khỏe tổng quát, bạn cũng cần gặp bác sĩ để khám răng và mắt nhằm phát hiện sớm các bất thường trong sức khỏe.

Không chỉ cần khám sức khỏe tổng quát, bạn cũng cần gặp bác sĩ để khám răng và mắt nhằm phát hiện sớm các bất thường trong sức khỏe. Thói quen kiểm tra sức khỏe thường xuyên này sẽ giúp bạn tránh được những mệt mỏi khi phải chữa bệnh sau này.

Lối sống lành mạnh với chế độ dinh dưỡng cân bằng là nền tảng giúp bạn sống khỏe nhưng không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh. Vậy nên, phụ nữ cần gặp bác sĩ để khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe nếu có và điều trị kịp thời.

1. Gặp bác sĩ để khám tổng quát

4 cuộc gặp bác sĩ mà phụ nữ nên xếp lịch định kỳ

Khám sức khỏe tổng quát là khái niệm chỉ chung việc các nhân viên y tế có chuyên môn đánh giá và kiểm tra sức khỏe tổng thể của bạn. Đây là một dạng kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm dành cho cả người khỏe mạnh lẫn người mắc bệnh.

Bạn cần gặp bác sĩ để được khám sức khỏe tổng quát hằng năm nhằm mục đích:

– Sàng lọc những bệnh thường gặp ở phụ nữ theo độ tuổi.

– Trao đổi với các chuyên gia sức khỏe về những thay đổi ở cơ thể mình và những vấn đề sức khỏe bạn đang bận tâm.

– Xác định chính xác các yếu tố nguy cơ, nhờ đó giúp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.

– Phát hiện các dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe để chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm. Điều này giúp ích rất lớn trong điều trị bệnh.

– Kiểm tra hàm lượng cholesterol, đường huyết, huyết áp… Đây là những kiểm tra đơn giản nhưng có thể giúp chỉ ra nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch, đột quỵ, sa sút trí tuệ, suy thận và tiểu đường.

– Nhìn lại tiền sử bệnh của gia đình để có những lưu ý cần thiết với một số bệnh lý nhất định (nếu cần).

Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI để đánh giá tình trạng dinh dưỡng, thể dục thể thao… và được bác sĩ tư vấn thêm về việc điều chỉnh lối sống. Tình trạng thừa hoặc thiếu cân có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Ví dụ béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư vú, sa sút trí tuệ. Vì vậy nếu bạn có nguy cơ béo phì hoặc huyết áp cao thì bác sĩ có thể đề xuất kiểm tra đường huyết để xác định bạn có bị béo phì hay không.

Tùy thuộc vào từng độ tuổi, bác sĩ có thể trực tiếp thực hiện hoặc đề xuất bạn tới gặp các chuyên gia khác để sàng lọc các bệnh lý thường gặp ở độ tuổi đó. Các sàng lọc quan trọng nhất đối với phụ nữ bao gồm:

• Chụp quang tuyến vú (nhũ ảnh): Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến cáo phụ nữ nên chụp quang tuyến vú hàng năm từ 45 đến 54 tuổi, sau 54 tuổi thì khám 2 năm một lần. Tùy theo nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ có thể hướng dẫn lịch trình khám vú phù hợp.

• Sàng lọc ung thư trực tràng: Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) khuyến cáo nên sàng lọc ung thư trực tràng ở độ tuổi 45.

• Sàng lọc mật độ xương:Xét nghiệm này giúp xác định nguy cơ loãng xương. Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên nên nên thực hiện xét nghiệm này hàng năm. Tuy nhiên, nếu chiều cao giảm đi thì bạn nên xét nghiệm mật độ xương sớm hơn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: 5 xét nghiệm mà mọi phụ nữ nên làm khi khám tổng quát.

2. Gặp bác sĩ để khám phụ khoa

4 cuộc gặp bác sĩ mà phụ nữ nên xếp lịch định kỳ

Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ hàng năm. Việc này giúp bạn kiểm tra và trao đổi về kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng, kiểm soát cân nặng, sàng lọc ung thư và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Bác sĩ phụ sản có thể giúp bạn khám vùng kín và xác định nguy cơ bị viêm hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu hay chlamydia. Đặc biệt phụ nữ 21 tuổi trở lên nên thực hiện xét nghiệm pap thường xuyên để kiểm tra phết đồ tế bào cổ tử cung. Nếu xét nghiệm pap cho kết quả bình thường thì bạn chỉ cần khám lại sau 3 năm. Sau 30 tuổi, phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm pap định kỳ 3 năm 1 lần và thực hiện xét hiệm HPV 5 năm 1 lần.  

Ngoài khám vùng kín, bác sĩ phụ khoa cũng khám ngực để kiểm tra xem có sự xuất hiện của u, cục hoặc bất kỳ dấu hiệu ung thư vú nào không.

3. Gặp bác sĩ để khám răng

4 cuộc gặp bác sĩ mà phụ nữ nên xếp lịch định kỳ

Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên xếp lịch khám nha sĩ định kỳ 1 – 2 lần mỗi năm để kiểm tra và vệ sinh răng miệng. Tần số khám răng còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe răng miệng của bạn và sẽ được nha sĩ hướng dẫn cụ thể.

Nếu nguy cơ mắc nha chu thấp thì bạn chỉ cần khám nha sĩ mỗi năm 1 lần. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh răng miệng vì có hút thuốc hoặc mắc bệnh tiểu đường thì nên đi khám nha sĩ thường xuyên hơn.

4. Gặp bác sĩ để khám mắt

4 cuộc gặp bác sĩ mà phụ nữ nên xếp lịch định kỳ

Nếu bạn mắc các bệnh về mắt hay gặp vấn đề về thị lực như mắc các tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị thì cần gặp bác sĩ nhãn khoa thường xuyên để khám định kỳ theo hướng dẫn. Nếu bạn dưới 40 tuổi và có người thân trong gia đình mắc bệnh về mắt hoặc bản thân đang mắc bệnh huyết áp cao hoặc tiểu đường thì cũng nên gặp bác sĩ để khám mắt.

Viện hàn lâm nhãn khoa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo những người dưới 40 tuổi nên khám mắt 5 – 10 năm một lần kể cả khi không có bất kỳ triệu chứng hay nguy cơ mắc bệnh về mắt. Những người ở độ tuổi 40 – 45 nên xếp lịch gặp bác sĩ để khám mắt 4 năm một lần. Người trên 65 tuổi nên khám mắt 2 năm/1 lần.

Đối với những phụ nữ khỏe mạnh khám sức khỏe định kỳ hàng năm là đủ để đánh giá tình trạng sức khỏe và ngừa bệnh. Tuy nhiên, phụ nữ mắc bệnh mãn tính cần khám bác sĩ chuyên khoa thường xuyên để theo dõi và điều trị bệnh hiệu quả.

Ví dụ, nếu bạn bị tiểu đường thì sẽ phải gặp bác sĩ nội tiết thường xuyên. Nếu bị bệnh tim, bạn sẽ cần khám bác sĩ tim mạch thường xuyên theo hướng dẫn. Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư da hoặc có nhiều nốt ruồi, tàn nhang thì nên khám bác sĩ da liễu thường xuyên.

Nếu nhận thấy một số dấu hiệu bất thường thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay mà không cần đợi tới lịch khám sức khỏe định kỳ. Một số chương trình bảo hiểm sức khỏe có hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí khám sức khỏe định kỳ bạn có thể tham khảo để mua bảo hiểm giúp giảm bớt chi phí khám.

Thói quen gặp bác sĩ để khám định kỳ rất cần thiết ngay cả khi bạn thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh. Bạn chỉ cần dành ra một ngày mỗi năm để duy trì sức khỏe của bản thân và tránh các bệnh nguy hiểm trong tương lai.

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Tầm quan trọng của khám sức khỏe và tiêm phòng trước khi mang thai
  • Tại sao nam giới “dị ứng” trong việc khám sức khỏe?
  • 5 lý do bạn không thể xem nhẹ việc khám mắt định kỳ

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!