Bạo lực học đường không phải chuyện quá xa lạ với bất kì đứa trẻ nào. Đừng nghĩ đối với một đứa trẻ tiểu học, chuyện bị bắt nạt sẽ không xảy ra bởi với mỗi độ tuổi, cấp độ của bạo lực cũng sẽ khác nhau.
Đối với trẻ cấp 1, việc bé bị bạn đánh, cắn, giành đồ chơi, cô lập… cũng chính là bạo hành học đường và là vấn đề khiến nhiều cha mẹ vô cùng đau đầu.
Trước đây, nhiều phụ huynh từng tranh cãi việc có nên hay không dạy con cách ăn miếng trả miếng khi bị bạn đánh, bị bạn giật đồ. Quan điểm này gây nên nhiều tranh cãi nhưng liệu đây có phải phương pháp tốt nhất? Và cha mẹ nên làm gì khi biết con bị bắt nạt tại trường học?
Không khuyến khích con đánh lại bạn
Bạo lực giải quyết bằng bạo lực sẽ càng làm tăng thêm sự căng thẳng cho mối quan hệ và khiến trẻ bị rơi vào thế cô lập. Hơn nữa, trẻ bị bắt nạt thường là trẻ có sự khác biệt về tính cách, yếu đuối về thể chất, việc đánh lại có thể sẽ gây ra những tổn thương lớn hơn cho chính bản thân trẻ.
Cha mẹ cũng cần phân biệt dạy con không đánh lại bạn không có nghĩa là bắt con phải nhịn. Trẻ không đánh lại khi bị bắt nạt nhưng có thể thông báo lại với người lớn như phụ huynh và cô giáo để có hình thức phạt xứng đáng với người bắt nạt trẻ. Nếu bắt trẻ phải nhịn cho qua về lâu dài sẽ gây ức chế tâm lý cho trẻ, khiến trẻ tự ti và mặc nhiên nghĩ mình đáng bị đối xử như vậy.
(Ảnh minh họa)
Dạy phương pháp nhưng không ra mặt giúp trẻ
Hãy để trẻ tự đối mặt với vấn đề của mình, còn cha mẹ, chỉ là người bên cạnh hướng dẫn, động viên tinh thần cho con. Điều này không chỉ tốt cho sự trưởng thành của con mà còn tốt hơn trong tình huống con bị bắt nạt. Bởi nếu cha mẹ can thiệp không khéo, sẽ dể đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.
Nếu con tự giải quyết ổn thỏa vấn đề, cha mẹ cần có lời ca ngợi, động viên, khích lệ kịp thời để con thấy con chẳng hề kém cỏi, chẳng ai bắt nạt được con.
Tìm hiểu nguyên nhân và hỗ trợ trẻ
Trước hết hãy tìm hiểu nguyên nhân của việc trẻ bị bắt nạt và xem lý do đó chính đáng hay không rồi tìm ra phương pháp giải quyết. Ví dụ, trẻ bị bắt nạt chỉ vì những sở thích, tính cách khác biệt thì hãy giải thích với con về việc đó, tìm cho con một môi trường thích hợp hơn. Còn nếu trẻ có nhiều tật xấu nên bị bạn bè tẩy chay thì nên giúp trẻ thay đổi dần dần để xích lại với mọi người.
Không trực tiếp ra mặt giúp trẻ nhưng cha mẹ có thể gián tiếp hỗ trợ trẻ từ xa. Dạy trẻ những kĩ năng cần thiết hoặc gặp mặt người bắt nạt trẻ để nói chuyện nhẹ nhàng. Không 'dằn mặt', không chửi mắng, hãy trò chuyện như với con của mình, hỏi lý do và khuyên nhủ trẻ thay đổi định kiến.
(Ảnh minh họa)
Giúp con kết bạn
Việc kết bạn giúp trẻ sẽ thoải mái và tự tin hơn, con sẽ không tự ti rằng bản thân mình không thể kết bạn.
Cha mẹ đưa cho trẻ gói kẹo, mỗi khi gặp nhóm bạn con hãy đến chia cho mọi người cùng ăn. Dạy con hãy mỉm cười với mọi người, tử tế với bạn bè, như vậy con nhất định sẽ được mọi người quý mến.
Ngoài ra, cha mẹ có thể chủ động tạo những bữa tiệc nhỏ rồi mời bạn bè của con tới tham dự. Trẻ nhỏ sẽ rất thích những bữa tiệc nhẹ nhàng, vui vẻ như vậy.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!