Mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung, ung thư âm đạo và âm hộ. Hãy cùng tìm hiểu cách phòng bệnh và thay đổi lối sống, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa ung thư phụ khoa!
Mỗi năm có hàng ngàn ca ung thư phụ khoa được phát hiện và nguy cơ mắc ung thư phụ khoa tăng dần theo độ tuổi. Phụ nữ luôn cần có hiểu biết để tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc các bệnh ung thư nguy hiểm này.
Sau đây là 5 cách ngăn ngừa ung thư phụ khoa mà bạn nên lưu ý càng sớm càng tốt:
1. Lựa chọn lối sống lành mạnh
Để giảm nguy cơ phát triển ung thư phụ khoa và các ung thư khác, điều quan trọng là bạn cần duy trì cân nặng hợp lý. Bạn nên chọn lối sống năng động và ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau, protein hoàn chỉnh và ngũ cốc nguyên hạt.
Một trong những điều quan trọng nhất để sống lành mạnh là tránh xa thuốc lá và khói thuốc. Ngay cả khi bạn không hút thuốc, việc tiếp xúc với khói thuốc cũng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đấy! Nếu bạn có người thân hút thuốc lá, hãy khuyên họ tìm cách bỏ thuốc nhé.
Bạn có thể tham khảo những bí quyết sống khỏe và những công thức nấu ăn giúp ngăn ngừa ung thư tại những website có uy tín.
2. Quan hệ tình dục an toàn
Quan hệ tình dục là một trong những đường lây lan virus HP, một nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, âm đạo và âm hộ. Nếu muốn ngăn ngừa ung thư phụ khoa, bạn hãy bảo vệ bản thân khỏi virus HP. Bạn có thể phòng tránh virus này bằng cách quan hệ có chọn lọc và thực hiện các biện pháp an toàn khi quan hệ.
Ngoài ra, việc tiêm ngừa virus HP cũng có ý nghĩa rất quan trọng để ngăn ngừa ung thư phụ khoa. Các bé trong độ tuổi từ 11 đến 12 tuổi nên được chủng ngừa 2 liều vắc-xin ngừa HP cách nhau sáu tháng. Thanh thiếu niên ở độ tuổi 15–26 tuổi nên được chủng ngừa 3 liều vắc-xin ngừa virus HP.
Các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục và tiêm ngừa virus HP là cách phòng ngừa ung thư phụ khoa cơ bản mà phụ nữ nào cũng nên biết.
3. Lưu ý tiền sử mắc bệnh của gia đình
Khoảng 5 đến 10% các loại ung thư có khả năng di truyền. Điều đó có nghĩa là nếu bản thân bạn hoặc thành viên gia đình bạn có tiền sử ung thư hoặc một số bệnh khác, nguy cơ mắc ung thư của bạn cũng sẽ tăng lên.
Bạn nên thực hiện xét nghiệm di truyền để xác định mình có mang các gen đột biến liên quan đếnnguy cơ mắccácung thư phụ khoa hay không.
4. Đi khám nếu có dấu hiệu bất thường
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu sức khỏe nào trong số những triệu chứng dưới đây, bạn nên đi khám bác sĩ ngay vì đó là những dấu hiệu cảnh báo ung thư phụ khoa:
• Đầy hơi
• Đau bụng hoặc đau lưng
• Ngứa hoặc rát âm hộ
• Chảy máu hoặc ra dịch âm đạo bất thường
• Đau xương chậu hoặc bị áp lực lên vùng chậu
• Thay đổi thói quen đi vệ sinh như tiểu tiện thường xuyên hơn hay bị táo bón, tiêu chảy
• Có một số thay đổi về màu sắc trên âm hộ hoặc trên da như phát ban, lở loét, mụn cóc
Bạn hãy để ý từng dấu hiệu bất thường trên cơ thể mình để đi khám kịp thời và nhớ cung cấp thông tin về tiền sử mắc bệnh ung thư của bản thân và gia đình cho bác sĩ nhé.
5. Làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung
Xét nghiệm tế bào cổ tử cung hay còn gọi là xét nghiệm Pap nhằm tìm kiếm những thay đổi tế bào bất thường trong cổ tử cung để phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm. Mọi phụ nữ trong độ tuổi 21–65 nên được làm xét nghiệm này định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hầu hết những phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung nặng đều không thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung định kỳ thường xuyên.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nhờ có sự ra đời của xét nghiệm tế bào cổ tử cung và vắc-xin ngừa HPV mà trong 30 năm qua, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm hơn 50%.
Việc duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa các tác nhân gây ung thư và khám sức khỏe định kỳ không những giúp bạn ngăn ngừa ung thư phụ khoa mà còn rất nhiều bệnh nguy hiểm khác nữa đấy!
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Nhận biết sớm dấu hiệu ung thư phụ khoa trước khi quá muộn
- Tắm nắng có thể giúp bạn giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng
- Nhận biết các dấu hiệu ung thư xương bả vai
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!