5 cách giúp trẻ bị mất thính lực

Gia đình và thai kỳ - 05/17/2024

Chuyên gia của Hello Bacsi chia sẻ 5 cách bạn có thể làm để giúp đỡ và hỗ trợ trẻ bị mất thính lực, giúp trẻ sớm hoà nhập với cuộc sống.

Việc phát hiện ra con mình bị mất khả năng nghe hẳn sẽ làm bạn rất buồn nhưng bạn nên biết rằng điều này sẽ không cản trở con bạn học tập và giao tiếp. Với việc điều trị và cách chăm sóc phù hợp, bé có thể phát triển giống như bạn bè cùng trang lứa. Dưới đây là 5 cách bạn có thể làm để giúp đỡ và hỗ trợ con.

Hãy điều trị sớm

Đối với việc mất thính lực, điều trị sớm là chìa khóa cho mọi vấn đề. Sử dụng máy trợ thính hoặc các thiết bị khác để giúp con bạn nghe được. Bộ não của trẻ phát triển rất nhanh, hãy cố gắng kích thích các đường truyền âm thanh trong não trẻ càng sớm càng tốt. Những đứa trẻ được tiếp xúc với âm thanh có nhiều khả năng phát triển các đường truyền âm thanh tương tự như những đứa trẻ đồng trang lứa.

Hiện nay, các em bé khi sinh ra sẽ được kiểm tra có bị mất thính lực hay không. Trẻ mắc bệnh có thể dùng trang thiết bị trợ thính khi chỉ một vài tuần tuổi. Bạn phải lựa chọn một chuyên gia thính lực để điều trị cho bé.

5 cách giúp trẻ bị mất thính lực

Thiết bị trợ thính gắn vào tai nếu con bạn đã lớn. Đối với bé điếc bẩm sinh, ngay khi sinh ra, bác sĩ thường khuyên cấy ốc tai điện tử cho bé càng sớm càng tốt.

Ngay cả những đứa trẻ bị mất thính lực nặng có thể bắt kịp với bạn bè đồng trang lứa khi 5 hoặc 6 tuổi nếu trẻ được cấy ghép thiết bị trợ thính lúc 1 hoặc 2 tuổi. Thiết bị trợ thính là các thiết bị điện tử được đặt bên trong tai trong để giúp não xử lý âm thanh. Bác sĩ tai – mũi – họng sẽ tư vấn bạn về những thiết bị phù hợp nhất cho con của bạn.

Sử dụng các biện pháp can thiệp sớm

Khoảng 95% phụ huynh của các trẻ bị mất thính lực vẫn có khả năng nghe bình thường, vì thế họ có thể học cách giúp đỡ cho con. Khi đó, các biện pháp can thiệp sớm có thể thực hiện được. Bạn có thể biết cách can thiệp càng sớm càng tốt và phối hợp các biện pháp để chữa trị cho con.

Bạn có thể tìm hiểu các chương trình chữa bệnh ở các trường học tại địa phương hoặc bệnh viện. Bạn sẽ làm việc với các chuyên gia thính giác, như nhà thính lực học và nhà bệnh lý học về ngôn ngữ, để có kế hoạch chăm sóc trẻ tại nhà. Việc này sẽ vạch ra các biện pháp chăm sóc và mục tiêu chữa trị cho trẻ bị mắc bệnh. Sự can thiệp sớm cũng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các gia đình có trẻ bị mất thính lực và dạy cho bạn cách giúp con phát triển ngôn ngữ và lời nói.

Tìm các sự giúp đỡ cần thiết

Nếu bạn được hỗ trợ và hướng dẫn, bạn sẽ dễ dàng giúp cho con hơn. Thoạt tiên, việc đối phó với mất thích lực sẽ gặp khá nhiều trở ngại, gia đình của trẻ cần được động viên thêm. Một số phụ huynh cần tìm đến các lời khuyên hữu ích từ những người khác, trong khi một số tìm đến sự hỗ trợ từ các nhóm cộng đồng. Các nhóm này cho bạn cơ hội kết nối với các gia đình khác cũng có con bị mất thính lực. Có rất nhiều cộng đồng trực tuyến hoặc bạn có thể hỏi bác sĩ về các nhóm cộng đồng tại địa phương mình. Nhiều bậc cha mẹ tìm được nhiều kinh nghiệm quý giá từ những chia sẻ và hỗ trợ từ các nhóm này.

Khám phá âm thanh với con bạn

Nghe được âm thanh và lời nói từ sớm sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ. Bạn hãy tìm những cách đơn giản để trẻ nghe được nhiều âm thanh hơn:

  • Chơi các trò chơi bắt chước với bé. Những trò chơi cho bé cơ hội luân phiên nói chuyện.
  • Nói về những việc bạn đang làm. Ví dụ, khi bạn đang lái xe chở bé đi, hãy nói với con: “Chúng ta đang lái xe đến nhà của bà.” Hoặc khi làm việc nhà, hãy cho bé biết: “Bố đang rửa bát.”
  • Đọc cho con nghe. Mô tả bằng các hình ảnh khi đang đọc. Khi con bạn lớn hơn, yêu cầu trẻ chỉ các hình ảnh mà bạn đã miêu tả. Hoặc yêu cầu trẻ đặt tên các bức hình.
  • Hát các bài hát cùng với trẻ.

Hãy đấu tranh đến cùng vì con bạn

Bạn biết những gì là tốt nhất cho con của bạn. Nếu một phương pháp nào đó trong kế hoạch không hiệu quả, hãy để người tư vấn hỗ trợ của bạn biết. Họ sẽ làm việc với bạn để hoàn thành các mục tiêu bạn đã đặt ra với con mình. Nếu không hiệu quả, bạn hãy tìm kiếm nơi tư vấn khác.

Cùng tham gia chăm sóc chữa bệnh cho con là một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm để giúp con lành bệnh. Vì vậy, hãy kiên trì và đừng sợ đấu tranh để tìm cách chữa bệnh cho con bạn nhé!

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!