'Mẹ đã hại con rồi'

Làm mẹ - 03/29/2024

Mẹ nào chả thương con, chăm chút hy sinh cả tình cảm, vật chất mong con khôn lớn.

Thế mà nhiều mẹ đã thốt lên 'mẹ đã hại con rồi' sau khi được nghe các bác sỹ, chuyên gia ở phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng VIAM phân tích khẩu phần ăn, thói quen chế biến thực phẩm, cũng như đánh giá tình trạng dinh dưỡng của con mình.

'Mẹ đã hại con rồi'

Ảnh minh họa

Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, 12 Hoàng Cầu, Đống Đa - Hà Nội, mỗi ngày tiếp đón hàng chục bà mẹ mang con tới khám với lý do con chậm lên cân, chậm tăng cao, rối loạn tiêu hóa, xanh xao, cơ nhẽo… từ trẻ nhỏ 1 tuổi tới 4-5 tuổi , thậm chí tới 15-18 tuổi.

Đặc điểm chung về lý do tới khám của những trẻ này là: Khi sinh ra có cân nặng ở mức bình thường, từ 0-6 tháng trẻ phát triển tốt, nhưng từ khi cho ăn dặm đến nay trẻ không tăng cân, không tăng cao, đặc biệt 100% là chiều cao thấp so với với chiều cao chuẩn, nhiều trẻ đã xếp vào mức suy dinh dưỡng thấp còi, có rối loạn tiêu hóa. Nhìn vào kết quả đánh giá khẩu phần ăn, kết quả xét nghiệm máu về các chất dinh dưỡng, cũng như trao đổi kỹ về cách thức nuôi dưỡng, nấu bột, nấu cháo của các bà mẹ cho con ăn hàng ngày…các bác sỹ đã kết luận 'chính thói quen nuôi con không đúng của mẹ và gia đình đã làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi'.

Chị Lan ở Đống Đa - Hà Nội, có con 12 tháng tuổi tới khám, nhìn kết quả khẩu phần ăn hàng ngày có vẻ đầy đủ, thậm chí lượng chất đạm (protein ) đạt cao gấp 2-3 lần nhu cầu cần thiết, kết quả xét nghiệm chỉ ra cháu có lượng đạm trong máu, sắt, kẽm, magie, can xi thấp. Chị Lan có thói quen rất cẩn thận là từ khi con ăn bổ sung đến nay, thịt cá đều được luộc chín trước (vì sợ nhiễm bẩn), sau đó mới cho vào máy xay sinh tố hoặc băm nhỏ cho vào bột và cháo nấu cho con ăn.

Chị Tuyết ở Long Biên- Hà Nội, có cháu 18 tháng, lại kể cháu ăn rất tốt, mỗi ngày 3 bát cháo đầy, chắc cháu không hấp thu được nên cháu mới bị suy đinh dưỡng. Qua khám các công đoạn trên, bác sỹ cũng chỉ ra cháu bị thiếu rất nhiều chất dinh dưỡng trong máu, trong khẩu phần ăn. Chị Tuyết lại có thói quen khác: do đi làm ca kíp bận, không chủ động thời gian chăm sóc con, nên chị là khách hàng trung thành với quán cháo dinh dưỡng cạnh nhà từ nhiều tháng nay, vì cháo ngon miệng, mỗi bữa con ăn hết cả bát.

Cháu Hùng, ở Đan Phượng - Hà Nội, cháu đã 22 tháng, cháu vẫn có thói quen ăn cháo 3 bữa/ngày, mỗi bữa 1 bát đầy, ăn cơm nhưng ít...cũng bị suy dinh dưỡng thấp còi. Mẹ cháu kể nhà có ông nội già yếu, nên bà và mẹ đã ninh cháo cho 2 ông cháu ăn cùng, mỗi nồi cũng rất nhiều thịt ( him, gà..), ninh trong vòng 3-4 tiếng, cháo thịt thật nhừ rồi mới ăn.

Đó chỉ là 3 trường hợp điển hình được đưa ra để các mẹ rút kinh nghiệm, còn rất nhiều những sai lầm khác sẽ được nêu trong các bài sau. Vậy sai lầm của 3 mẹ trên là gì ?

Khoa học đã chứng minh: Khi đun nấu kỹ thực phẩm với thời gian lâu, nhiệt độ cao, áp suất lớn, thì các chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị phá hủy rất nhanh, đặc biệt là các vitamin quan trọng hầu như bị phá hủy toàn bộ 100%, chất protein (chất đạm) từ thịt cá cũng bị phá hủy và biến tính theo, thậm chí một số chất độc hại, ức chế hấp thu tiêu hóa còn được sinh ra với các món xào, rán, nướng, gây hại cho cơ thể.

Trường hợp của chị Lan: Luộc thịt chín rồi mới xay, băm, miếng thịt sẽ cứng, khô, khó xay nhuyễn như thịt tươi, vừa mất chất dinh dưỡng vừa khó hấp thu cho trẻ, rất dễ rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng. Chị Tuyết là 'đệ tử' ruột của cháo dinh dưỡng, mà con bị suy dinh dưỡng? Lý do rất đơn giản: cháo đó không phù hợp với trẻ, có rất nhiều phụ gia mắm muối, mỳ chính, hoặc những chất làm ngon miệng khác, hại cho đường tiêu hóa, thậm chí cho thận của trẻ, chưa kể lượng protein quý (chất đạm) chắc là thiếu rồi! Trường hợp cháu Hùng cũng không phù hợp: Tuy lượng protein có thể nhiều, nhưng protein bị biến tính và các vitamin cũng không còn.

Vì vậy lợi khuyên chung cho các mẹ về nấu bột, nấu cháo đúng có thể tóm tắt trong mấy điểm sau: Nên chủ động nấu tại nhà, sử dụng thực phẩm tươi, nhất là rau củ và chất đạm (thịt, cá), xay nghiền và cho toàn bộ vào nấu từng bữa cùng bột, hoặc cháo, nấu chín tới vừa phải, không ninh kỹ làm mất chất và khó hấp thu. Cháo và bột của trẻ luôn nhạt hơn người lớn, thậm chí những tháng đầu không cần cho mắm muối gia vị vào bột. Nên nhớ cho thêm 1-2 thìa cà phê dầu mỡ vào mỗi bát bột, cháo cho trẻ. Như vậy trẻ sẽ đủ các chất dinh dưỡng cho phát triển chiều cao, cân nặng, miễn dịch và khỏe mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!