Trong rất nhiều phương pháp luyện ngủ cho con, chị Hoàng Oanh (28 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) lại chọn phương pháp ít nước mắt nhất, dù thời gian thực hiện có thể lâu hơn. Nhưng chị cho rằng: 'Mình thật sự tin vào việc kết nối giúp bé vững tâm hơn là việc để con khóc và tự tìm cách xoay sở. Giống như suy từ người lớn mà ra, những lần khó ngủ cũng cần công cụ hỗ trợ. Vì thế nếu con cần là mình hỗ trợ. Nhưng có một nguyên tắc trong việc hỗ trợ của mình là không bao giờ hỗ trợ ngay và luôn cho con biết mình sẽ làm gì'.
Nhờ có mẹ kiên trì thiết lập giờ sinh hoạt, áp dụng những điểm ưu việt của các phương pháp luyện ngủ mà chỉ khi mới hơn 2 tháng tuổi, bé Sim đã có thể ngủ xuyên đêm. Hiện hơn 3 tháng tuổi, bé đang theo Easy 4 (ban ngày bé ngủ 3 giấc, 2 giấc đầu dài (1h30-2h), 1 giấc thứ 3 ngắn khoảng 30' - 45'. Đêm bé ngủ từ 19h đến khoảng 6h30 phút sáng).
Bé Sim được mẹ rèn nếp sinh hoạt ngay từ khi mới lọt lòng.
Thiết lập nếp sinh hoạt ngay từ khi con mới lọt lòng
Chị Hoàng Oanh chia sẻ, chị đưa bé vào nếp sinh hoạt có giờ giấc ngay từ sau khi mới sinh. Trong tháng đầu, bé đã được cho ăn theo cữ 2 tiếng một lần. Khoảng tuần thứ 5, khi bé có dấu hiệu dậy đêm nhiều lần đòi ăn theo thói quen ban ngày, chị Hoàng Oanh cố gắng dạy bé phân biệt ngày đêm bằng ánh sáng và âm thanh. Đây cũng là thời điểm chị quyết định tạo không gian tiền đề cho việc luyện ngủ.
'Trong 3 tuần sau đó, mình tập cho bé cách phân biệt ngày đêm bằng ánh sáng và âm thanh. Ban ngày mình để điện sáng cả khi bé ngủ và cũng không giữ phòng yên lặng tuyệt đối. Còn ban đêm mình giảm điện tối đa, không thực hiện các hoạt động mạnh gây kích thích, giữ phòng ngủ của bé yên tĩnh hết mức và bật tiếng ồn trắng', chị Hoàng Oanh cho biết.
Song song với việc giúp bé phân biệt ngày đêm, chị Oanh tập cho bé ngủ không bế ru và không phụ thuộc ti mẹ bằng cách lật bé nằm nghiêng và vỗ mông. Cách này khiến cho việc hỗ trợ bé tự ngủ trở nên dễ dàng khi chị không phải bế đến khi mỏi tay hay phải cho bé ti mới ngủ. Nhờ vậy mà trước khi thực sự được luyện ngủ, bé Sim cũng đã có một lịch trình sinh hoạt khá cơ bản để đoán biết được các nhu cầu.
Chị Hoàng Oanh luôn cố gắng điều chỉnh từng bước một chứ không quá vội vàng, vồ vập để con có thể dễ dàng thích nghi.
Sim sẽ được ăn một bữa phụ hoặc không sau khi ngủ giấc trưa, rồi có các hoạt động khám phá. Sau khoảng 1,5 - 2 tiếng, bé sẽ ngủ một giấc ngắn cho đỡ mệt khoảng 30 - 45phút, thức dậy bé sẽ được đi tắm, làm vệ sinh răng miệng tai mũi. Sau đó Sim sẽ ăn bữa tối, thư giãn cùng bố mẹ một lúc và sẽ được đặt ngủ vào khoảng 18h30' hoặc 19h. Trình tự này lặp đi lặp lại tạo thành một phản xạ có điều kiện và tạo nhịp sinh lý cho bé Sim.
Bé luôn có một không gian ngủ cố định, đặc biệt với giấc đêm. Sim sẽ ngủ trong cũi của riêng mình, trên đệm cứng, một chiếc gối rất mỏng và không có thêm gì xung quanh. Nhiệt độ phòng luôn ở khoảng 23-24 độ khi bạn bé ngủ và đèn tối. Bé được mẹ thực hiện chu trình đi ngủ cố định như vậy cho tất cả các tối.
Lựa chọn phương pháp ít nước mắt
Thành công bước đầu của luyện ngủ của hai mẹ con bé Sim đến vào khoảng tuần thứ 9 khi bạn ấy chỉ cần quấn và ti giả là bé có thể tự ngủ.
'Quá trình rèn tự ngủ đương nhiên không thể thiếu được những vật dụng hỗ trợ. Sim hiện sử dụng 3 dụng cụ là: quấn chũn, ti giả và tiếng ồn trắng. Về quấn thì Sim rất hợp tác và là công cụ mạnh nhất. Ti giả thì khoảng thời gian gần đây bạn Sim cũng không còn mặn mà nữa, mình chỉ sử dụng thi thoảng giúp bạn chuyển giấc hoặc thoả cơn thèm mút mát. Tiếng ồn trắng thì có hoặc không đều được nhưng hiện tại mình vẫn dùng do đối diện có nhà đang xây dựng', chị Hoàng Oanh chia sẻ.
Trong mọi vấn đề, chị Hoàng Oanh luôn cố gắng nuôi dạy con một cách khoa học.
Đó là chu trình ngủ và công cụ hỗ trợ. Còn về phương pháp luyện ngủ cho con, chị áp dụng tổng hợp rất nhiều phương pháp nhưng tựu chung lại có thể gọi là phương pháp ít nước mắt nhất.
Chị thường xuyên tâm sự với Sim. Ngày đầu tiên luyện ngủ, chị đã nói với con:'Từ hôm nay Sim sẽ tự đi ngủ con nhé, nhưng không phải là bố mẹ sẽ không ở bên con. Bố mẹ luôn ở bên con và khi con cần bố mẹ sẽ có mặt. Tuy nhiên bố mẹ sẽ để thời gian lắng nghe bạn bé của bố mẹ, đủ để biết bạn bé cần gì. Bạn bé cứ yên tâm ngủ nhé, bố mẹ luôn ở đây. Bạn bé sẽ ổn thôi!'.Và chị tin là con hiểu.
'Thời gian đầu luyện nếu bé khóc, mình sẽ nghe bé khoảng 3 phút. Sau đó nếu con không tự ngủ được hoặc không chuyển giấc được, chị sẽ hỗ trợ con. Có khi bằng ti giả, khi lại bằng cách đặt tay lên ngực con, khi thì vỗ mông bé... tuỳ vào cảm nhận lúc đó. Mình chưa bao giờ để con khóc quá 10 phút và mình tin là con thực sự biết nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ. Việc để con khóc với mình chỉ là cho con 1 khoảng thời gian để giao tiếp với mình. Cho mình hiểu nhu cầu của con là để con tự ngủ hay con cần hỗ trợ', chị Hoàng Oanh cho biết thêm.
Trải nghiệmluyện ngủcho bé Sim với chị Hoàng Oanh khá suôn sẻ vì nhà có cả ông bà, chồng đều rất ủng hộ và ai cũng tôn trọng quyết định của chị, cố gắng làm theo một lộ trình, một phương pháp cố định. Chị Oanh cho rằng không chỉ bé Sim mà chắc hẳn rất nhiều các bé khác khi luyện ngủ sẽ trải qua giai đoạn tạm gọi là phản kháng. Có những bé thì giai đoạn này ngắn vài ngày có những bé mất vài tuần. Vì thế việc kiên trì và giữ nguyên tắc, thống nhất cao trong gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!