5 lưu ý giúp tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho bé

Dinh dưỡng cho Trẻ - 03/29/2024

Hello Bacsi -  Bé cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển bình thường. 5 thói quen giúp tạo thói quen ăn uống lành mạnh cho bé.

Thói quen ăn uống nghèo nàn, chứa quá ít chất dinh dưỡng từ thuở bé có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe sau này cho trẻ. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những điều sau đây để xây dựng được một chế độ ăn uống lành mạnh cho bé.

1. Cho bé tự ăn

Hầu hết trẻ sơ sinh có thể bắt đầu học cách tự ăn khi bé được khoảng tám tháng tuổi. Một khi bé đã có thể tự ngồi, bạn có thể đưa các món ăn mà bé có thể cầm nắm và ăn bằng tay để giúp bé học cách tự ăn. Bạn nên cho con ăn các loại thức ăn mềm, dễ nuốt và được cắt nhỏ để bé không bị nghẹn khi ăn. Bạn có thể cho bé ăn khoai mỡ cắt nhỏ nấu chín, khoai lang, các loại đậu xanh, đậu Hà Lan, thịt gà thái hạt lựu, thịt và bánh mì hoặc bánh quy giòn làm từ ngũ cốc nguyên chất. Bạn không nên cho bé ăn bất kỳ loại thực phẩm nào buộc bé phải nhai bởi cho dù bé có thể đã có răng thì bé vẫn còn quá nhỏ để ăn loại thực phẩm này.

Khi con bạn được sáu hoặc bảy tháng tuổi, bé có thể ngồi đủ vững để bạn có thể đặt bé ngồi lên trên một chiếc ghế cao trong suốt bữa ăn. Để bé cảm thấy thoải mái, ghế ngồi của bé nên được trải một miếng đệm có thể tháo rời để bạn có thể dễ dàng làm sạch thức ăn rơi vãi hoặc giặt sạch khi bị bẩn. Khi đi tìm mua ghế cao để con ngồi ăn, bạn nên mua loại có thể tháo rời với khay thức ăn có thể nâng lên được. Chiếc khay sẽ giúp giữ cho thức ăn không bị rơi xuống trong thời gian bạn cho bé ăn, đồng thời có thể tháo rời để bạn dễ mang ra cọ rửa.

2. Tình trạng thừa cân

Ngay cả khi trẻ còn nhỏ, một số bậc phụ huynh vẫn lo lắng rằng con mình đang tăng cân quá nhiều. Mặt khác, hiện trạng bệnh béo phì đang ngày càng gia tăng ở trẻ em và tất cả các biến chứng có thể có của bệnh (ví dụ như bệnh tiểu đường) sẽ khiến bạn ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với cân nặng của con. Một số bằng chứng khoa học cho thấy trẻ bú bình tăng cân nhanh hơn trẻ bú sữa mẹ bởi một số phụ huynh luôn khuyến khích bé uống hết bình sữa.

Trên thực tế, bạn không nên quá lo lắng đến mức cho con ăn quá ít trong năm đầu tiên. Tốt nhất hãy xin thêm lời khuyên từ bác sĩ nhi khoa trước khi điều chỉnh bất cứ điều gì trong chế độ ăn uống của bé. Trong những tháng phát triển đầu tiên, con bạn cần ăn nhiều để nạp đủ lượng chất béo, tinh bột và protein cho cơ thể.

3. Các vấn đề về đường tiêu hóa

Ngay sau khi bạn bắt đầu cho bé ăn dặm, phân của bé sẽ cứng hơn và có màu. Do bé ăn thêm đường và chất béo, vậy nên phân cũng sẽ có mùi nặng hơn rất nhiều. Ngoài ra đậu và các loại rau xanh khác có thể làm cho phân bé có màu xanh đậm, củ dền có thể làm cho phân hoặc đôi khi nước tiểu của bé có màu đỏ. Nếu các loại thực phẩm trong bữa ăn của bé không được chọn lọc kĩ càng, phân của bé có thể chứa những loại thực phẩm mà bé không tiêu hóa được, đặc biệt là vỏ đậu hay ngô, vỏ cà chua hay các loại rau xanh khác. Nhưng bạn hãy an tâm, điều này hoàn toàn bình thường.

Nếu phân của bé rất lỏng, dạng nước hoặc có chất nhầy, điều đó đồng nghĩa với việc đường tiêu hóa của bé đang có vấn đề. Trong trường hợp này, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi khoa để xác định xem bé có gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa hay không.

4. Chế độ ăn của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến bé

Bác sĩ nhi khoa sẽ giúp bạn xác định xem trẻ có đang được cho ăn quá nhiều, ăn không đầy đủ hoặc ăn quá nhiều thức ăn có hại cho sức khỏe hay không. Bạn có thể theo dõi, quản lý chế độ ăn uống của bé bằng cách học và làm quen với những thông số về hàm lượng calo và chất dinh dưỡng trong những loại thực phẩm mà bé ăn. Bản thân bạn cũng nên ăn uống thật cẩn trọng bởi bé có thể bắt chước theo thói quen ăn uống của các thành viên khác trong gia đình. Khi bé ăn thức ăn dành cho người lớn nhiều hơn (thường bắt đầu khi bé được tám đến mười tháng tuổi), bé sẽ bắt chước theo cách bạn ăn, bao gồm cả việc rắc muối vào thức ăn hay ăn thức ăn vặt cùng các loại thực phẩm chế biến sẵn khác có hại cho sức khỏe trẻ nhỏ. Vì sức khỏe của bé cũng như của bạn, bạn nên cắt giảm lượng muối ăn đến mức tối thiểu và ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng và lành mạnh.

5. Hãy cho con ăn thực phẩm tươi

Các loại thức ăn dành cho bé nên mềm, không ướp muối, nấu chín và không có gia vị. Các món rau quả tươi luộc hoặc hầm là những món dễ chuẩn bị nhất. Bạn cũng có thể cho bé ăn chuối nghiền thô. Không giống như các loại thực phẩm chế biến sẵn được bày bán trên thị trường, đồ ăn bạn tự nấu dễ bị hỏng nhanh hơn. Vì thế bạn nên bảo quản lạnh các loại thực phẩm chưa dùng tới và kiểm tra kĩ thức ăn trước khi cho trẻ ăn để tránh đồ ăn bị hư hỏng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!