6 vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa hè

Sơ cứu & Phòng ngừa - 05/03/2024

Mùa hè là mùa vui chơi nhưng thời tiết nóng nực cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây bệnh. Sau đây là 6 vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa hè.

Mùa hè là thời gian lý tưởng cho việc thư giãn, du lịch, picnic,… Đây chính là khoảng thời gian bạn không đề cao cảnh giác trước các vấn đề có thể xảy ra với sức khỏe.

Hiểu hết những mối nguy hiểm cho sức khỏe giúp bạn phòng tránh và bảo vệ cơ thể để có những cuộc vui chơi thú vị hơn. Hello Bacsi sẽ chia sẻ với bạn 6 vấn đề sức khỏe thường gặp trong mùa hè qua bài viết sau.

Vết cắn của côn trùng

Ngứa, sưng tấy và đau khi côn trùng cắn là do nọc độc của chúng và các chất bẩn khác mà chúng để lại trên da. Đôi khi cơ thể bạn sẽ phản ứng chậm để phát hiện ra triệu chứng như phát ban, đau khớp, sốt và sưng tấy.

Hầu hết mọi người đều biết cách đối phó ngay với những triệu chứng trên. Ví dụ khi bị côn trùng cắn, bạn có thể dùng thuốc mỡ hoặc nước để rửa và bôi lên vết cắn kịp thời.

Một số ít người có phản ứng nặng hơn như sưng cổ họng và môi, buồn nôn, các vấn đề hô hấp, uể oải, chóng mặt, tim đập nhanh, bị rối loạn và sốc. Nếu gặp phải những triệu chứng này, bạn nên đến bệnh viện ngay. Những người bị dị ứng với việc bị côn trùng cắn nên mang theo epinephrine (EpiPen) để tự tiêm.

Bệnh Lyme

Bệnh Lyme là bệnh viêm nhiễm do ve đốt. Bệnh Lyme là một bệnh nặng với ba giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu tiên là phát ban xung quanh vết cắn, xuất hiện ba ngày đến một tháng sau đó, với các triệu chứng như sốt rét, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp và cơ;
  • Giai đoạn 2, nếu không được điều trị bằng kháng sinh, người bệnh sẽ bị phát ban, suy nhược, cứng và sưng khớp, nhịp tim bất thường, mệt mỏi và hệ thần kinh suy nhược;
  • Giai đoạn thứ ba liên quan đến các triệu chứng thần kinh và viêm khớp.

Ve thường sống trong các khu vực rừng rậm hoặc nơi có những bụi cỏ cao. Khi đến những nơi này, bạn nhớ mang theo thuốc diệt côn trùng (deet), mặc quần áo kín và mang tất để có thể che chắn toàn cơ thể.

Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.

Cháy nắng

Cháy nắng là tình trạng da bị sưng đỏ lên và đau rát khi tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời.

Ngồi ở dưới bóng râm là cách giúp bạn tránh tình trạng này, nhất là vào giờ cao điểm (11 giờ sáng đến 4 giờ chiều). Bạn nên mặc quần áo kín, đội mũ rộng vành và sử dụng kem chống nắng có tối thiểu SPF 15 để bảo vệ da.

Những lời khuyên này sẽ giúp bạn ngăn ngừa được bệnh ung thư da. Bạn nên lưu ý làm sạm da bằng cách tắm nắng là không an toàn, hãy từ bỏ việc đó.

Nếu da bạn bị cháy nắng, bạn nên làm mát vùng da đó ngay. Bạn nên sử dụng gel lô hội, nhưng tránh dùng kem dưỡng da vì nó có thể giữ nhiệt trong da. Đặc biệt, thành phần acetaminophen sẽ giúp giảm đau khi da bạn bị bỏng rát.

Nếu bạn thấy vết bỏng quá đau hoặc phồng rộp hay có các triệu chứng khác như sưng tấy, buồn nôn, sốt hoặc ớn lạnh, mạch đập nhanh, thở nhanh, bị rối loạn, chóng mặt hoặc dấu hiệu nhiễm trùng da,… bạn hãy đến bệnh viện kiểm tra ngay lập tức.

Sốc nhiệt

Cơ thể thường điều chỉnh nhiệt độ thông qua việc đổ mồ hôi.

Tuy nhiên, trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao hoặc trong quá trình vận động mạnh, nhiệt độ cơ thể ngày càng tăng, xảy ra tình trạng sốc nhiệt. Đột quỵ do nhiệt độ là tình trạng sức khỏe rất nghiêm trọng, nó có thể tác động gây ra tử vong nếu bạn không được điều trị ngay.

Các triệu chứng của đột quỵ nhiệt bao gồm nhiệt độ cơ thể cao, đỏ, nóng, da khô, tim đập nhanh, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, bị rối loạn và bất tỉnh.

Dị ứng cây thường xuân, cây sồi và cây sơn

Chất nhựa từ các cây này có thể là nguyên nhân gây ra phản ứng da dị ứng như: ngứa, phồng da, bỏng, đỏ và sưng tấy. Chúng cũng có thể ảnh hưởng đến vùng mắt và miệng. Vì vậy, bạn hãy tránh tiếp xúc và tìm hiểu về tác hại của các cây thực vật này.

Khi chất nhựa dính vào da, bạn hãy rửa vùng da đó bằng xà phòng và nước. Điều này có thể ngăn ngừa được các phản ứng dị ứng nếu bạn rửa trong vòng một giờ sau khi tiếp xúc. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giặt sạch quần áo nữa nhé. Bạn có thể bôi thuốc chống dị ứng để giảm triệu chứng ngứa. Nếu da xuất hiện tình trạng phát ban hay sưng tấy nặng hơn, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra ngay nhé.

Viêm tai ngoài

Khi tai của bạn có triệu chứng viêm hoặc rát, có thể bạn đã bị viêm tai ngoài. Các triệu chứng bao gồm ngứa, đau, tiết dịch xanh hoặc vàng và mất thính giác. Bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thuốc kháng sinh để nhỏ lỗ tai cộng với việc trị liệu triệu chứng ngứa, viêm và đau.

Vi khuẩn và sự ô nhiễm là nguyên nhân gây ra viêm tai ngoài, nhưng cũng có một số vật làm trầy xước tai hoặc kích ứng tai. Bạn nên vệ sinh tai hằng ngày, tránh nước bẩn và không để bất cứ thứ gì tác động phía bên trong tai nhé.

Mùa hè là mùa được mọi người mong đợi với những chuyến đi thú vị. Vì vậy, hãy chăm sóc cơ thể bạn thật tốt khỏi những nguy cơ gây hại để bạn có thể tham gia vui chơi lành mạnh và thoải mái.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Mẹo xoa dịu vết ngứa khi bị côn trùng cắn
  • Bị cháy nắng, áp dụng ngay 10 mẹo “cấp cứu” cho da!
  • Bạn đã biết cách bảo vệ da khỏi sẹo mụn và cháy nắng?

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!