7 dấu hiệu cho thấy bạn là người cầu toàn

Tâm lý - 11/24/2024

Bạn luôn làm việc chính xác từng chi tiết, dễ thất vọng vì mọi thứ không diễn ra như ý muốn hoặc bất mãn khi một ai đó hiểu sai về mình? Đây có thể là những biểu hiện cho thấy bạn là một người cầu toàn đấy!

Bạn luôn làm việc chính xác từng chi tiết, dễ thất vọng vì mọi thứ không diễn ra như ý muốn hoặc bất mãn khi một ai đó hiểu sai về mình? Đây có thể là những biểu hiện cho thấy bạn là một người cầu toàn đấy!

Người cầu toàn hay người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn đặt ra những kỳ vọng cao đối với bản thân và với mọi thứ xung quanh. Bạn có thể dễ dàng nhận biết bản thân mình hoặc ai đó có phải là người cầu toàn hay không bởi những dấu hiệu rất đặc trưng sau đây!

1. Người cầu toàn đặt mục tiêu cao

Người cầu toàn thường đặt ra những mục tiêu cao và luôn nỗ lực hết sức để hiện thực hóa lý tưởng của mình. Nếu bạn là một người cầu toàn thì với bạn sẽ không có khái niệm “được”, “ổn” mà phải là “tốt” và “hoàn hảo”.

Những chuẩn mực riêng là lý do khiến bạn không bao giờ ngừng lại khi thấy vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn mà mình đã đặt ra. Bạn không ngừng điều chỉnh những khiếm khuyết lớn nhỏ làm cho kế hoạch của mình còn chưa hoàn thiện.

Những kỳ vọng sẽ giúp bạn cố gắng không ngừng để đạt tới những ước mơ và mục tiêu. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt đâu là giới hạn có thể đạt đến và đâu là ước vọng xa vời ngoài tầm với.

2. Người cầu toàn luôn đầy tham vọng

7 dấu hiệu cho thấy bạn là người cầu toàn

Định nghĩa thành công của mỗi người sẽ không giống nhau, song người cầu toàn thường có xu hướng tham vọng về những điều mình đạt được. Nhiều người xem đích đến của thành công có thể là việc đạt được sự giàu có, sự tôn trọng, hay danh vọng. Người cầu toàn thì lại thấy thành công không phải là đích đến mà là bước đệm để tiếp tục gặt hái được nhiều hơn. 

Ngay cả khi mọi người thấy bạn đã làm rất tốt, bạn vẫn không thỏa mãn với những gì mình đã đạt được. Thành công với bạn không phải là sự kết thúc mà là nền tảng để tiếp tục duy trì và phát huy.

Khi theo đuổi thành công theo chuẩn mực của mình, bạn đừng quên chăm sóc sức khỏe bản thân. Chỉ khi có được sức khỏe tốt, bạn mới có thể vươn đến những mục tiêu xa hơn.

3. Người cầu toàn sợ hãi sự thất bại

Nếu là một người cầu toàn, mùi vị thất bại đối với bạn là rất khó chấp nhận được. Nỗi sợ thất bại bắt nguồn từ sự lo lắng về việc làm sai điều gì đó hay công việc không được như kỳ vọng trước đó.

Bạn rất sợ cảm giác bất lực khi không thực hiện được mục tiêu đã đề ra và luôn trầm tư khi không thể xây dựng hình ảnh hoàn hảo trong mắt mọi người. Cách mọi người đánh giá và kỳ vọng vào khả năng của bạn nhiều khi cũng tạo thành trở ngại tâm lý khiến bạn cảm thấy khá áp lực trong những việc hàng ngày. 

Bạn cần nhìn nhận ở một khía cạnh rằng thất bại chính là một phần của cuộc sống và đừng tự dằn vặt bản thân mãi vì những thất bại đã qua.

4. Người cầu toàn cân nhắc thận trọng

7 dấu hiệu cho thấy bạn là người cầu toàn

Cũng do suy nghĩ sợ thất bại nên người cầu toàn sẽ thường rất đắn đo và mất nhiều thời gian để chọn ra giải pháp tối ưu dẫn đến kết quả tốt nhất. Trong nhiều trường hợp phải lựa chọn “nên” trải nghiệm thử thách mới và “không nên” vì sẽ có rủi ro, bạn có thể sẽ suy nghĩ rất lâu rồi đi đến quyết định an toàn để đảm bảo mọi chuyện vẫn tốt đẹp.

Nếu bạn muốn một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì có vẻ bình yên thật, nhưng khi ấy bạn sẽ không học được cách phát triển bản thân từ những thử thách.

5. Người cầu toàn tập trung vào kết quả

Nếu là một người cầu toàn, bạn luôn chú trọng đến thành quả cuối cùng. Bạn tập trung làm việc hết mình để cho ra những sản phẩm tối ưu nhất trong công việc mà mình đang thực hiện.

Khi bạn chọn cách làm việc tập trung cao độ, năng suất công việc sẽ gia tăng nhưng đồng thời bạn có thể gặp phải nhiều áp lực. Khi tập trung làm việc quá mức, bạn thường bị cuốn theo nhịp chảy công việc và dễ thờ ơ mọi thứ xung quanh. Điều này khiến bản thân bạn quên mất đi việc tận hưởng những điều thú vị khác trong suốt quá trình làm việc.

Bạn nên thu xếp thời gian cho phép bản thân được thư giãn, kết nối với mọi người để lấy thêm nhiều cảm hứng trong công việc và cuộc sống. 

6. Người cầu toàn tìm kiếm sự cân bằng

Người cầu toàn cảm thấy được là chính mình nhất trong môi trường không có quá nhiều căng thẳng. Nơi chốn lý tưởng trong mắt bạn chính là một nơi không có tranh chấp, mâu thuẫn và mọi việc diễn ra theo một trật tự cân bằng, mang lại cảm giác bình yên.

Bạn chỉ thấy thật sự an toàn và thoải mái khi ở trong một sự cân bằng với các mối quan hệ hòa hợp. Khi trục trặc xuất hiện tại nơi làm việc hay trong gia đình, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bất an vì có vẻ như mọi thứ không trơn tru như mình mong muốn.

Để đạt được sự hoàn mỹ, điều quan trọng là bạn phải hoàn thiện bản thân, đồng thời cũng nên học cách bao dung hơn với những khiếm khuyết của người khác.

7. Người cầu toàn thích làm chậm mà chắc

7 dấu hiệu cho thấy bạn là người cầu toàn

Với phương châm “chậm mà chắc”, người cầu toàn luôn cần có nhiều thời gian để hoàn thành công việc. Ngay cả khi bạn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, vẫn có gì đó thôi thúc bạn phải tiếp tục hoàn thiện hoặc kiểm tra lại những điều mình vừa làm xong. 

Trong nhiều tình huống, bạn chấp nhận hy sinh thời gian và công sức để tạo ra sản phẩm hoàn thiện nhất. Điều này có thể khiến bạn nhận lấy luôn phần công việc của người khác để tạo ra một chỉnh thể đồng bộ. Do đó, bạn sẽ thường rơi vào trạng thái căng thẳng và cảm thấy quỹ thời gian của mình dường như không bao giờ đủ!

Nếu biết cách bố trí lịch làm việc và đánh giá nhiệm vụ nào quan trọng hơn, bạn sẽ không bị mất sức hay tốn thời gian cho những việc không thực sự phù hợp.

Mặt tốt của tính cầu toàn là luôn hướng đến chất lượng và hiệu quả của công việc. Tuy nhiên, nếu bạn luôn tìm kiếm những gì hoàn hảo trong cuộc sống thì có thể bạn sẽ không bao giờ hài lòng về những gì mình đang có. Hãy nhìn nhận mọi thứ một cách giản đơn để không phải căng thẳng bởi những điều nhỏ nhặt, bạn nhé!

Tuyết Trinh | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Làm thế nào để tự tin hơn trong giao tiếp và gặt hái thành công?
  • 9 điều bạn không nên nhân nhượng để có sự nghiệp thành công
  • 9 lý do ngăn cản thành công khiến bạn dễ bỏ cuộc

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!