Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm

Bản tin sức khỏe - 10/08/2024

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có xu hướng đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân từ công việc đến tình yêu và hôn nhân. Khi quá kỳ vọng vào sự hoàn hảo, bạn có thể sẽ đối mặt với nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn thần kinh.

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có xu hướng đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân từ công việc đến tình yêu và hôn nhân. Khi quá kỳ vọng vào sự hoàn hảo, bạn có thể sẽ đối mặt với nguy cơ bị trầm cảm và rối loạn thần kinh.

Một nghiên cứu do giáo sư, nhà tâm lý học lâm sàng Simon Sherry và cộng sự thực hiện có sự tham gia của 25.000 người Anh, Mỹ và Canada cho thấy: Kể từ năm 1990 tới nay, số người trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo đã tăng lên rất đáng kể.

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo là ai?

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn nỗ lực để đạt đến sự hoàn mỹ và đòi hỏi bản thân cũng như những người khác phải hoàn hảo. Họ cũng rất hà khắc và thường có phản ứng tiêu cực đối với lỗi lầm nên hay tự trách bản thân rất nhiều. Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng thường hay hoài nghi về năng lực của bản thân và mọi người.

Để hiểu hơn về những người theo chủ nghĩa hoàn hảo, các nhà khoa học thuộc trường Đại học Dalhousie đã thực hiện phân tích từ 77 nghiên cứu. Tổng cộng có sự tham gia của 25.000 người ở độ tuổi từ 15 – 49.

Các nghiên cứu được thực hiện để tìm hiểu đặc điểm của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng như cách khắc phục ảnh hưởng của sự cầu toàn tới cuộc sống của họ. Kết quả cho thấy giới trẻ ngày nay có xu hướng theo chủ nghĩa hoàn hảo nhiều hơn so với thế hệ trước.

Nghiên cứu cho thấy rằng người trẻ trong xã hội hiện đại phải đối mặt với ảnh hưởng do sự cầu toàn đem lại nhiều hơn so với thế hệ trước. 

Xu hướng sống theo chủ nghĩa hoàn hảo

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm

Nhiều nghiên cứu cho thấy cả nam giới và nữ giới đều có thể trở thành người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Lý giải vì sao ngày càng có nhiều người trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo, các chuyên gia cho biết các nguyên nhân rất đa dạng và phức tạp.

• Kỳ vọng lớn của các bậc cha mẹ:Ngay từ những năm tháng giáo dục đầu đời, rất nhiều phụ huynh đã bắt đầu nuôi dạy con theo hướng mong con cái mình trở thành một người hoàn hảo. Nhiều trường hợp, cha mẹ lại chuyển những mục tiêu mà không thực hiện được thành kỳ vọng quá lớn cho con. Con cái sẽ bị áp lực phải luôn chứng tỏ bản thân mình thật hoàn hảo để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ.

• Tính cạnh tranh cao trong xã hội hiện đại: Xã hội ngày nay là nơi thứ hạng và năng lực là điều vô cùng quan trọng, chiến thắng cũng như lợi ích cá nhân được nhấn mạnh. Đặc biệt ở giới trẻ, việc khẳng định bản thân lại có ý nghĩa rất lớn nên áp lực tạo ra sự hoàn hảo lại càng nặng nề hơn.

• Tiêu chuẩn hoàn hảo từ truyền thông: Những hình ảnh được đăng tải trên tivi, mạng xã hội cũng gây nhiều ảo tưởng về sự hoàn hảo. Từ đây, nhiều tiêu chuẩn cao và thiếu thực tế xuất hiện, khiến giới trẻ lầm tưởng và lấy đó làm tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công và thất bại của bản thân.

Bắt nguồn từ những yếu tố từ gia đình, văn hóa và xã hội, người trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo với kỳ vọng có được thành công và chỗ đứng trong cuộc sống. 

Khó khăn của người theo chủ nghĩa hoàn hảo

Xu hướng sống theo chủ nghĩa hoàn hảo trong xã hội hiện đại ngày càng lan rộng và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Dưới đây là những khó khăn phổ biến mà người theo chủ nghĩa hoàn hảo phải đối mặt:

1. Thành công khó đạt được hơn

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm

Theo đuổi sự hoàn hảo – đó là một mục tiêu vô hình, thoáng qua và hiếm gặp có thể khiến người trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo khó vươn tới thành công hơn. Nguy cơ kèm theo là những người này dễ bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế về sự thất bại và ít có khả năng đạt được mục tiêu đã đề ra.

Khi theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, nhiều người lại càng thấy khó đạt được mục tiêu và khó thành công hơn. 

2. Áp lực không cần thiết cho bản thân

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo cũng thường không cho phép bản thân thể hiện con người thật của mình vì lo lắng họ có thể trông không ổn hoặc không toàn diện. Những người cầu toàn như vậy thường cố “hoàn hảo” trước mặt mọi người nhưng lại có một cuộc sống cá nhân không hề dễ dàng bên trong.

Người trẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo thường sợ mắc sai lầm nên khó có thể cảm thấy thư giãn hoặc không đủ can đảm để sáng tạo hoặc bắt đầu những điều mới mẻ. 

3. Sự bất ổn về tâm lý và thể chất

Việc theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo ở mức độ thái quá là vấn đề rất đáng lo ngại bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng và thể chất của chúng ta. Chủ nghĩa hoàn hảo ban đầu có thể làm xuất hiện cảm giác lo âu, căng thẳng, trầm cảm hay rối loạn trong ăn uống. Trong tình huống tiêu cực nhất, chủ nghĩa hoàn hảo thậm chí có thể dẫn đến tự tử.

Nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc sống không hề dễ dàng với những người theo chủ nghĩa hoàn hảo. Trong thế giới đầy thử thách và hỗn loạn này, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo có thể bị kiệt sức và tâm lý trở nên bất ổn hơn.   

4. Sự mất cân bằng trong các mối quan hệ

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm

Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn bị thôi thúc phải làm mọi thứ theo cách đúng nhất và tốt nhất. Sự cầu toàn cũng khiến những người theo đuổi sự hoàn hảo trở nên hà khắc, khó bao dung và tha thứ cho người khác khi mắc những sai lầm dù là rất nhỏ.

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có thể bị ảnh hưởng tiêu cực tới các mối quan hệ và mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống. 

Giải pháp cho người theo chủ nghĩa hoàn hảo

Những ảnh hưởng của việc theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo tới đời sống vẫn chưa được nhìn nhận và quan tâm đúng mức. Để thoát khỏi nguy cơ trầm cảm và cân bằng cuộc sống, những người theo chủ nghĩa hoàn hảo rất cần có sự hỗ trợ từ gia đình và những hoạch định sáng suốt cho bản thân.

Định hướng đúng đắn từ gia đình lúc nhỏ

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm

Cha mẹ và cả xã hội cần có những thay đổi tích cực để giới trẻ không theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo một cách tiêu cực. Ngay cả ở những giai đoạn giáo dục trẻ từ sớm, cha mẹ vẫn nên thận trọng với những kỳ vọng đặt ra cho con cái. Tình yêu vô điều kiện xuất phát từ trái tim của cha mẹ bất kể năng lực, xếp hạng, vẻ bề ngoài của trẻ là cách tốt nhất để trẻ không hiểu sai về chủ nghĩa hoàn hảo khi lớn lên.

Cha mẹ nên dạy trẻ cách khoan dung, học hỏi từ sai lầm và đề cao sự cần cù, kỷ luật hơn là theo đuổi sự hoàn hảo thiếu thực tế. 

Ngoài ra, những chia sẻ, câu chuyện trên truyền thông và mạng xã hội cũng cần được nhìn nhận thận trọng hơn để giới trẻ không bị ảo tưởng về những chuẩn mực của thành công.

Cách cân bằng cho người theo chủ nghĩa hoàn hảo

Người theo chủ nghĩa hoàn hảo có nguy cơ cao bị trầm cảm

Sẽ mất khá nhiều thời gian nhưng bạn hoàn toàn có thể tự lấy lại cân bằng cho cuộc sống bằng cách điều chỉnh một vài thói quen nhỏ trong cuộc sống:

• Đặt yếu tố con người lên hàng đầu: Trước khi quan tâm tới các công việc, nhiệm vụ và mọi thứ khác, bạn nên kết nối với những người xung quanh bằng sự chân thành của trái tim.

• Học cách nhìn nhận những khiếm khuyết: Khi biết chấp nhận và nhìn cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau, bạn sẽ thấy thoải mái và dễ dàng tận hưởng hạnh phúc, niềm vui và tình yêu.

• Chú ý tới các dấu hiệu trầm cảm: Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường trở nên lo lắng và cứng nhắc hơn khi họ tức giận, cô đơn hoặc mệt mỏi. Bạn nên tìm cách để ngăn ngừa và kiểm soát cảm xúc để không bị ảnh hưởng nhiều, tránh nguy cơ trầm cảm nặng.

Nếu có dấu hiệu bị trầm cảm và rối loạn thần kinh, bạn cần đi khám bác sĩ tâm lý để được tư vấn. Các chuyên gia sẽ tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra liệu pháp điều trị tâm lý phù hợp. 

Bạn nên học cách chấp nhận bản thân cũng như mọi người xung quanh vì giá trị của mỗi người đều khác biệt. Hãy ngưng đặt ra những tiêu chuẩn quá cao cho bản thân và thế giới xung quanh để tránh tạo những áp lực không cần thiết cho mọi người và chính mình. Bạn cần nhớ rằng không ai trong chúng ta có thể tránh mọi thiếu sót nhưng mỗi điểm dù tốt dù xấu đều có những nét riêng đáng trân trọng.

Hồng Nhung | HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 9 cạm bẫy tâm lý khiến bạn hành động khác suy nghĩ
  • Đừng bảo con hư, có thể bé đang mắc bệnh tâm lý!
  • 7 dấu hiệu cho thấy bạn là người cầu toàn

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!