Trong quá trình chế biến, những chất dinh dưỡng có trong rau củ có thể bị hao hụt hoặc mất đi. Vì thế, nhiều người đã chọn cách nấu tái hoặc ăn sống vì không muốn làm thất thoát các chất dinh dưỡng tốt. Những thực phẩm sau bạn không nên ăn sống.
1. Cà tím
Trong cà tím có chứa solanine - một chất làm giảm hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể. Bên cạnh đó, lượng solanine trong cà tím già chưa chín tương đối cao nên rất dễ ngộ độc. Việc dùng các phương pháp như nấu canh, luộc... đều không thể loại bỏ được solanine vì solanine cơ bản không tan trong nước.
Để phá vỡ và phân giải solanine, khi nấu cà tím có thể thêm một chút dấm ăn. Để tránh gặp phải trường hợp đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy, cà tím cần được nấu chín. Tuy nhiên, mọi người không cần phải quá lo lắng bởi trong một bữa, chúng ta ăn khoảng 250 gram cà tím sẽ không thể gây ra bất kỳ vấn đề gì.
2. Nấm rơm
Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm và các vấn đề về tiêu hóa khi ăn nấm rơm sống. Nấm rơm được nấu chín sẽ bảo đảm an toàn và cung cấp lượng dinh dưỡng cao hơn, đặc biệt là kali. Bạn cần đun sôi nấm trong khoảng từ 5-10 phút để đảm bảo nấm đã chín hoàn toàn để đảm bảo vệ sinh và không gây hại cho cơ thể bạn. Nếu các chất trong nấm chưa được chín kỹ hay các vi khuẩn chưa được diệt gọn sẽ là mối nguy hại cho sức khỏe.
3. Bắp cải tí hon
Nên nấu chín bắp cải tí hon.
Khi chưa được nấu chín, bắp cải tí hon có chứa nhiều loại đường không có lợi cho hệ tiêu hóa. Chỉ khi được nấu chín, hợp chất hữu cơ indole sẽ được hình thành giúp ức chế các tế bào ung thư, chống lại các gốc tự do.
4. Rau chân vịt
Trong rau chân vịt có chứa rất nhiều axit oxalic. Loại axit này khi ở trong ruột sẽ kết hợp với canxi hình thành oxalat canxi, gây cản trở việc hấp thụ canxi của cơ thể và dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt canxi. Do đó, bắt buộc phải nấu chín rau chân vịt để loại bỏ bớt axit oxalic để không cản trở việc hấp thụ canxi. Ăn rau chân vịt được nấu chín sẽ hấp thụ nhiều sắt, canxi và magie hơn.
5. Đậu đỏ
Cần ngâm đậu đỏ trước khi nấu.
Do chứa chất lectin, đậu đỏ sống có thẻ gây buồn nôn, nôn mửa tiêu chảy. Vì vậy, hãy ngâm đậu khoảng 5 giờ trước khi nấu và nấu trong khoảng 20-30 phút.
6. Măng tây
Khi được nấu chín, măng tây sẽ phá vỡ tế bào dạng sợi dày trong thực phẩm này, giúp cơ thể hấp thụ nhiều vitamin A, C và E. Bạn có thể luộc, xào, nướng hoặc hấp đối với măng tây.
7. Khoai tây
Không ăn khoai tây đã mọc mầm.
Khi ăn sống, khoai tây có thể khiến bạn bị đầy bụng, đau đầu, khó tiêu và buồn nôn. Lý do là khoai tây có chứa độc tố solanine ảnh hưởng đến sức khỏe. Kể cả sau khi nấu chín, chất độc này rất khó bị phá hủy. Tuyệt đối không nên ăn những củ khoai tây đã mọc mầm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!