7 tháng tuổi, trẻ biết làm những gì?

Làm mẹ - 04/28/2024

Khi trẻ 7 tháng tuổi, trẻ trở nên nhanh nhẹn và cần nhiều không gian hơn để di chuyển, chơi đùa và khám phá.

Khi trẻ 7 tháng tuổi, trẻ trở nên nhanh nhẹn và cần nhiều không gian hơn để di chuyển, chơi đùa và khám phá. Trẻ bắt đầu thích tìm kiếm đồ vật, cầm lên rồi lại vứt xuống. Trẻ có thể chơi mãi trò này không biết chán. Với cách khám phá và chơi đùa này, trẻ tạo ra cho bạn vô số công việc phải dọn dẹp và có thể tạo ra những tình huống bất ngờ đầy thú vị.

Tháng thứ 7, trẻ cũng đã khiến bạn bật cười vì nhiều hành động vô cùng đáng yêu. Đây là tháng phát triển vượt trội của trẻ về năng lực trí não và khả năng tư duy của trẻ.

Dưới đây là một số đặc điểm chung mà hầu như trẻ 7 tháng tuổi nào cũng có:

Nghe và nói:Trẻ biết một số từ quen thuộc và bắt đầu hiểu được nội dung chung của một câu nói. Khả năng bắt chước những âm thanh do bạn tạo ra khiến bạn  ngạc nhiên. Chỉ cần dạy vài lần trẻ đã có thể nói được một số từ dễ, có một âm tiết và bắt đầu với một phụ âm, chẳng hạn như khi bạn nói: ‘ba’ hoặc ‘má’. Trẻ cũng đã biết nhận ra tên mình và sẽ quay xung quanh tìm khi ai đó gọi tên trẻ.

7 tháng tuổi, trẻ biết làm những gì?

Biết giữ cân bằng:7 tháng tuổi, trẻ đã phát triển phản xạ để giúp duy trì sự cân bằng. Trẻ có thể ngồi mà không cần trợ giúp hoặc biết chống tay để giữ thăng bằng khi ngồi. Ngoài ra, trẻ cũng đang bắt đầu làm quen dần với việc đi lại. Nếu có sự hỗ trợ của bạn, trẻ có thể đứng và bắt đầu di chuyển từ chân này đến chân kia trong một khoảng thời gian ngắn.

Vận động: Chuyện lật qua lật lại đã trở thành quá dễ dàng với trẻ. Trẻ đã có thể nằm sấp để chơi, xoay người hoặc nâng người, với tay... Một số trẻ bắt đầu bò lê xung quanh sàn nhà.Nếu được giữ để đứng dưới đất, trẻ có thể làm những động tác thay đổi từ chân này sang chân kia như thể đang bước đi. Điều này cho phép trẻ tăng cường cơ bắp và làm quen với bước đi.

Biết lạ:Trí não của trẻ tăng trưởng nhanh chóng, nhất là các tế bào và các kết nối dây thần kinh. Trẻ ý thức được mối quan hệ của mình với cha mẹ, với thế giới xung quanh và những nguy hiểm tiềm ẩn (nếu có). Kết quả, trẻ biểu hiện sự lo lắng với người lạ. Điều đó chứng tỏ trẻ bắt đầu phân biệt được người thân – người lạ rõ ràng.

Trí nhớ: Trí nhớ của trẻ phát triển rất nhanh. Chẳng hạn như lúc đang hứng thú chơi với một đồ chơi nào đó mà bạn giấu đi, trẻ đã có thể dễ dàng nhận ra đồ chơi đó đã biến mất và sẽ đi tìm.

Nhận thức: Tháng thứ 7, trẻ đã có khả năng nhận biết cảm xúc của người khác như khi bạn cười trẻ sẽ cười theo, hoặc khi bạn nhăn mặt khó chịu trẻ có thể sợ hãi hoặc khóc… Trẻ cũng đã dần ý thức được mối quan hệ của mình với cha mẹ, với thế giới xung quanh. Do đó trẻ có thể khóc khi người lạ bế hoặc lúc mẹ rời đi đâu đó.

Đồ chơi và trò chơi phù hợp:Trẻ của bạn bắt đầu biết hài hước và cười với những cử chỉ hay hành động buồn cười. Trẻ cũng biết nhận ra những cảm xúc của người khác như một khuôn mặt hạnh phúc, ngạc nhiên hay sợ hãi.

Phản xạ cầm nắm:Trẻ có thể dễ dàng nắm ngay lấy những vật gì trong tầm tay. Ngón tay cái và ngón tay trỏ của trẻ bắt đầu hoạt động một cách riêng biệt. Trẻ có thể dùng hai ngón tay này để cầm một thứ gì lên hoặc biết cách cầm thìa với cả bàn tay.

7 tháng tuổi, trẻ biết làm những gì?

Yêu thích sách, truyện:Khi bạn đọc sách cho trẻ nghe, trẻ cũng thích được tham gia cùng bạn, ví dụ như lật trang sách cho bạn, chăm chú lắng nghe và dõi theo các bức tranh nhiều màu sắc. Nhưng trẻ cần phải có thời gian để liên kết các bức tranh với những gì bạn đọc. Trong giai đoạn này, sách nói về động vật rất thú vị để trẻ học hỏi từ mới.

Đối với trẻ nhỏ, thể chất và tinh thần của trẻ sẽ phát triển từng ngày. Vậy nên, bạn hãy chú ý quan sát và chăm sóc để trẻ được phát triển toàn diện hơn.

Nguồn ảnh: Internet

Thùy Chi

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!