8 bí quyết để không cáu giận với con của mẹ Nhật

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Khi con hờn dỗi, phản kháng, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là tiếp nhận tâm trạng của con.

Kawai Michiko là mẹ của 3 đứa trẻ, và cũng như những người làm cha làm mẹ khác, bà từng nhiều lần cáu giận với con mình. Từ trải nghiệm bản thân, bà đã đúc kết ra 8 bí quyết để không cáu giận với con.

Kawai Michiko đã viết cuốn sách ‘Từ hôm nay mẹ sẽ không nổi giận với con nữa’ để chia sẻ với các bố mẹ Nhật khác kinh nghiệm để lắng nghe, thấu hiểu con hơn, từ đó ứng xử hiệu quả với những cơn ăn vạ, phản kháng của trẻ.

Tác giả cuốn sách đưa ra 8 bí quyết giúp cha mẹ không nổi giận với con:

1. Tiếp nhận suy nghĩ và mong muốn của con

Khi con hờn dỗi, phản kháng, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là tiếp nhận tâm trạng của con. Tiếp nhận ở đây hàm nghĩa rằng bạn chăm chú nghe lời con nói, quan sát hành động của con để hiểu cảm xúc của con.

Chẳng hạn, khi ở siêu thị, con nhõng nhẽo ‘con muốn ăn kẹo cơ’ và đòi mua bằng được. Thay vì mua ngay cho con hoặc phản ứng gay gắt ‘lúc nãy ăn bánh rồi, bây giờ lại còn đòi, không được’, bố mẹ hãy nhẹ nhàng nói với con: ‘Con muốn ăn kẹo à/ mẹ biết là con mẹ rất thích ăn kẹo mà.’ Mua hay không mua cho con là vấn đề khác, đầu tiên bố mẹ cần tiếp nhận cảm xúc của con mình. Cũng tương tự như vậy, bố mẹ có thể áp dụng bí quyết này để tìm ra cách ứng xử hay nhất khi con khóc vì vấp ngã.

2. Chăm chú lắng nghe con

‘Một người mẹ tuyệt vời là một người mẹ giỏi lắng nghe con nói’. Khi bạn lắng nghe con, hiểu câu chuyện của con, con sẽ cảm thấy được quan tâm, hạnh phúc. Vì thế, dù con vòi vĩnh hoặc muốn nói gì khi bố mẹ đang bận, bố mẹ hãy dừng tay vài phút để nghe con nói.

Bố mẹ có thể rèn luyện thói quen lắng nghe con cụ thể qua các hành động sau:

-  Nhìn vào mắt con khi con nói

-  Gật đầu hoặc nói ‘ừ’ để thể hiện sự đồng tình

-  Không cắt ngang khi con đang nói

-  Không phán xét, đánh giá giữa chừng.

8 bí quyết để không cáu giận với con của mẹ Nhật

Ảnh minh họa

3. Lặp lại lời con nói

Bố mẹ nào cũng đều muốn chăm chú lắng nghe con nói nhưng ít ai làm được điều đó đến cùng vì giữa chừng sẽ thường đưa ra phán xét, đánh giá hay là giáo huấn, hoặc đơn giản nghĩ rằng phải trả lời gì đó với câu chuyện của con.

Thực ra, trong nhiều trường hợp, bố mẹ chỉ cần nhìn con và nhắc lại câu chuyện con nói bằng một ngôn ngữ khác. Chỉ cần như vậy, con đã cảm thấy tình yêu thương và sự quan tâm, rằng bố mẹ rất chịu khó ngồi nghe mình kể chuyện.

Khi con nói những lời phản kháng hoặc suy nghĩ tiêu cực, bố mẹ đừng vội thuyết giáo hay động viên con. Nếu đặt mình vào vị trí của con, bố mẹ sẽ nhận ra rằng có thể con đang cảm thấy tức giận, bất an, thiếu tự tin. Lúc này những lời khuyên, khích lệ chưa thể hiệu quả.

Điều tốt nhất lúc này bố mẹ có thể làm là nhắc lại tâm trạng của con bằng biểu đạt khác đi: ‘Con đang lo lắng à?’, ‘Con không thích bạn A à?’ Dù suy nghĩ, lời nói con có tiêu cực đến mức nào thì sự tiếp nhận của bố mẹ sẽ làm chúng nhẹ nhàng đi, còn thuyết giáo chỉ khiến con phản kháng hơn mà thôi.

4.  Dùng câu có chủ ngữ là ‘bố/mẹ’

Sau khi đã chăm chú quan sát, lắng nghe con nói, tiếp nhận tâm trạng và mong muốn của con, tiếp theo cha mẹ sẽ truyền đạt thông điệp của mình.

Hãy để ý một chút tới các bạn truyền thông điệp tới con hàng ngày. Bao nhiêu lần bạn dùng những câu ra lệnh hay cấm đoán với con theo kiểu: ‘dậy nhanh lên còn đi học không muộn rồi’,’ăn nhanh lên cho mẹ còn dọn’, ‘không chơi game nữa học bài đi’, ‘không bỏ quần áo vào máy giặt à’, hay là ‘chơi xong sao để đồ đạc bừa bãi như này’, ‘không được đi chơi đến quá 9 giờ đâu đấy’…

Những câu nói phê phán, đánh giá như ‘con thì lúc nào chẳng quên đồ, không cái này thì cái kia’’con thì có bao giờ nhường nhịn em đâu’, ‘phải nói con là anh mà hư quá’, hay là ‘con thì lúc nào cũng…’ sẽ khiến con càng chống đối.

Cả hai kiểu giao tiếp này đều khiến con không hợp tác vì chỉ là mệnh lệnh, đánh giá từ bố mẹ, không phải là cuộc trò chuyện giữa bố mẹ và con.

Những câu nói trên đều có chủ ngữ là ‘con’, ‘con phải như thế này, như thế kia’… Lần tới, bố mẹ hãy sử dụng thông điệp ngôi thứ nhất với các câu bắt đầu bằng chủ ngữ ‘bố/ mẹ’: ‘bố mẹ rất vui vì con đã rửa bát’, ‘bố mẹ cảm ơn vì…’, ‘bố mẹ hơi buồn vì con đã hứa dọn phòng mà không dọn’… Những câu nói như vậy sẽ khiến con không cảm thấy bị công kích, sẵn sàng hợp tác với bố mẹ hơn.

5. Xóa bỏ định kiến sẵn có về con

Bậc cha mẹ nào cũng sẽ tự đặt ra cho mình và con một khung định hình sẵn rằng ‘Bố mẹ thì phải làm cái này cái kia cho con, con cái thì phải thế này thế kia.’ Những người nuôi con nhỏ sẽ suy nghĩ ‘con mình phải ngoan, cân nặng bao nhiêu, phải được học nhạc, học vẽ…’ Liệu những suy nghĩ này có chắc chắn đúng không? Đôi khi, những suy nghĩ đó chỉ là ý kiến chủ quan, những định kiến. Hãy tháo bỏ chiếc kính định kiến đó để nhìn nhận con thì sẽ ra sao?

Nếu bố mẹ thử tháo bỏ quan niệm ‘trẻ con thì phải nghe lời người lớn’ mà thay bằng suy nghĩ ‘trẻ không nghe theo lời nói của cha mẹ là điều bình thường’, lập tức suy nghĩ của bố mẹ sẽ thay đổi. Thay vì trước kia khi cha mẹ sẽ hỏi mình ‘tại sao trẻ lại không nghe lời mình nói’ thì bây giờ trong đầu cha mẹ sẽ là câu hỏi ‘làm thế nào để trẻ nghe theo lời cha mẹ đây nhỉ?’.

Vì quan niệm ‘con phải nghe lời’, bố mẹ dễ trở nên tức giận, chỉ trích khi không như ý. Còn nếu bạn nghĩ rằng ‘trẻ con không nghe lời bố mẹ là bình thường’, bạn sẽ thư giãn và tìm cách để con nghe lời mình. Khi con nghe lời, bạn cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn.

Trẻ em cũng có suy nghĩ của riêng mình, không phải là vật sở hữu của bố mẹ, bố mẹ đừng bao giờ áp đặt quan niệm và suy nghĩ cá nhân lên con.

6. Đặt câu hỏi để con tự tìm ra câu trả lời

Bạn hãy nhớ lại khi mình mắc lỗi và bị sếp hỏi: ‘Vì sao lại để xảy ra lỗi như vậy’, ‘Tôi đã nói bao lần mà cô/ cậu không nghe?’ Nếu bạn chỉ xin lỗi và hứa sửa thì cũng không ổn, còn nếu bạn đưa ra lí do ‘vì…’, sẽ bị cho là bao biện.

Thông thường, khi bị hỏi kiểu công kích, chúng ta sẽ có ý muốn phản kháng hoặc né tránh. Cũng tương tự như vậy khi con mắc lỗi, hãy tránh những câu hỏi tấn công, mang hàm ý chê trách, phê phán.

Hãy hỏi con ‘Làm thế nào để không… (đi muộn/ điểm kém/ bị cô phạt...) nữa nhỉ?’ Đây chính là câu hỏi hiệu quả nhất để khơi gợi con tìm ra câu trả lời mà đôi khi con cũng không hề biết là mình có.

7. Im lặng và chờ đợi con thay đổi

Khi bố mẹ hỏi con và muốn có câu trả lời, bố mẹ cần nhẹ nhàng, cho con thời gian suy nghĩ. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế ít cha mẹ có thể giữ bình tĩnh, nhất là khi hỏi mà trẻ cứ im lặng và không nói. Những lúc ấy, người bố người mẹ nào cũng dễ bực mình, khó chịu, nổi nóng. Nhìn khuôn mặt cau có nổi giận của bố mẹ, con lại càng sợ hãi và không chịu mở miệng trả lời.

Vậy thì nếu trẻ không nói và trước khi cơn nổi giận kéo đến cha mẹ hãy đếm từ 1 đến 3 rồi kiên nhẫn chờ đợi sự thay đổi ở trẻ. Thi thoảng nếu trẻ nhất quyết không trả lời thì hãy bỏ qua và chờ đến một thời điểm khác cùng nói chuyện lại với trẻ.

8. Tin tưởng rằng con sẽ tìm được câu trả lời

Sau các bước lắng nghe, im lặng chờ đợi câu trả lời của con, cha mẹ nên tin tưởng rằng con sẽ tự mình suy nghĩ, tự mình đưa ra câu trả lời. Không phải lúc nào câu trả lời của trẻ cũng đúng, nhưng nhưng đáp án do con tự tìm ra có giá trị hơn nhiều đáp án từ bố mẹ.

Nếu con đưa ra giải pháp chưa hợp lý, bố mẹ cũng đừng phủ định ‘không đúng’ hay thờ ơ với ý tưởng của con. Hãy khen con chịu khó suy nghĩ và cùng con tìm ra câu trả lời tốt nhất: ‘nhưng mà nếu là như này thì sẽ tốt hơn…’ ‘nếu làm như vậy thì sẽ… nên có cách nào khác không nhỉ…’.

Điều quan trọng là hãy trao quyền quyết định cuối cùng cho trẻ để trẻ cảm thấy thuyết phục và tự mình đưa ra quyết định. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp trẻ tự tin và tự lập.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!