Tôi quen biết ông Nguyễn Văn Hy đã nhiều năm nay, khoảng đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi ông đang làm giảng viên của Trường đại học Văn hóa Hà Nội, Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa, Chủ tịch Hội đồng khoa học của khoa, Ủy viên Hội đồng khoa học nhà trường. Hơn nữa ông còn là Ủy viên Hội đồng khoa học, trực tiếp làm Trưởng ban Xã hội học của Viện Văn hóa Việt Nam.
Ngoài công việc giảng dạy tại nhà trường, ông còn luôn được các địa phương mời về giảng dạy tại các trường văn hóa - nghệ thuật và tham gia hướng dẫn và giảng dạy Bộ môn Văn hóa học tại Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội.
Khi đó, dù đang bận rộn giảng dạy nhưng ông vẫn có nhiều công trình nghiên cứu, đặc biệt như công trình khoa học về ‘Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở’, được Bộ Văn hóa đánh giá cao, được chỉ đạo triển khai rộng khắp cả nước, sau đó được Trường đại học Văn hóa dùng làm tài liệu giảng dạy cho Khoa Quản lý Văn hóa trong suốt nhiều năm.
Ông Nguyễn Văn Hy.
Vậy nhưng nhiều người nói ông là lập dị, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu khác người. Có lần tôi lấy tình thân quen nhiều năm đem thắc mắc hỏi ông.
Nghe vậy ông liền thẳng thừng phản ứng: Sao người ta cứ muốn mọi người phải giống nhau? Theo tôi mỗi người rất cần có cho mình một lối sống, một cách sống hợp với sở thích, miễn sao không vi phạm đến pháp luật, đến đạo đức, đến cộng đồng.
Sau thì tôi hiểu. Sở dĩ mọi người nói tính ông lập dị, khác người là do nếp sinh hoạt cá nhân. Vợ đã mất, con cái công tác xa nên chỉ một mình ông sống trong căn hộ có từ mấy chục năm trước trong con ngõ nhỏ La Thành, cạnh trường.
Khi ấy căn hộ của ông không khác các căn hộ chung quanh được nhà trường phân phối đều cho cán bộ, giáo viên.
Dần dần khu nhà được phân hóa, thay đổi theo thời thế. Hầu như tất cả các ngôi nhà được lên tầng, giàu thì 5, 6 tầng, hoặc ít ra cũng phải 2, 3 tầng cùng các tiện nghi cao cấp.
Chỉ duy nhất căn hộ của ông Hy vẫn y nguyên như mấy chục năm về trước. Vẫn ngôi nhà cấp 4, mái ngói, tường vôi, lại như xập xệ hơn vì suốt mấy chục năm đã không được vôi ve, sửa chữa, hoàn toàn gợi nhớ lại quãng thời gian bao cấp khó khăn.
Bên trong, các tiện nghi sinh hoạt của ông lại quá giản dị, không tủ lạnh, không điều hòa, chỉ một chiếc quạt máy nhỏ. Ông cũng không dùng máy tính, cần gì ông viết trên giấy rồi đi thuê đánh vi tính. Cũng không xe đạp, xe máy.
Không phải ông không có điều kiện thay đổi cuộc sống nhưng ông không muốn.Với ông như vậy cũng là đủ. Miếng đất nơi ông ở có giá tiền tỉ, nhiều người hỏi mua nhưng ông không bán.
Vợ chồng cậu con trai làm ăn khá giả trong Huế muốn đón bố vào để tiện chăm sóc nhưng ông chưa thuận.
Nhiều người nói ông lập dị vì thế. Ông bảo, sướng khổ là quan niệm mỗi người, chắc gì xe hơi nhà lầu đã là sướng?
Với ông, được sống vui, sống khỏe mạnh, sống có ích, được làm việc tốt là mãn nguyện rồi. Chẳng thế, nghỉ hưu đã hơn 20 năm nay nhưng ông vẫn như chưa một ngày nghỉ ngơi.
Ông vẫn giữ cho mình sự hăng say làm việc, vẫn thường xuyên đi về các địa phương, vẫn được trường này trường khác mời về giảng dạy.
Vẫn có các công trình nghiên cứu khoa học, vẫn viết tham luận cho các hội thảo khoa học, vẫn hướng dẫn sinh viên, thậm chí vẫn giúp đỡ các học sinh đang học cao học, hoặc còn hơn nữa.
Và chính tại căn phòng xập xệ này của ông là nơi đã hình thành những công trình nghiên cứu thể hiện những đóng góp hết sức nhạy bén của ông về văn hóa mang tính thời đại công nghiệp và xu thế hội nhập toàn cầu.
Nhiều công trình nghiên cứu của ông được đánh giá cao bởi tính hiện đại, cập nhật ví như đề án: Quy hoạch phát triển nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội (đề tài khoa học của UBND thành phố Hà Nội); Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long (đề tài khoa học cấp Bộ) Phát triển văn hóa cộng đồng trong điều kiện nước ta hiện nay (tham luận khoa học), Chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế...
Và nhiều công trình nghiên cứu mang tính khai mở như: Tìm hiểu thêm về công nghiệp sáng tạo và công nghiệp văn hóa; Cần tái cấu trúc đề án xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng ở nước ta hiện nay; Về việc hoạch định chính sách xây dựng nguồn nhân lực văn hóa thời hội nhập quốc tế...
Những công trình đã công bố và cả chưa công bố của ông Nguyễn Văn Hy có thể nói là khá nhiều mà một lần tôi đến thăm được ông lấy tình thân đồng nghiệp nhiệt tình đem ra giới thiệu. Những tập tài liệu về các công trình, các bài giảng được đóng thành tập dày, xếp đầy trên chiếc ghế dài nhà ông khiến tôi vô cùng khâm phục lẫn ngạc nhiên.
Những công trình mang tính học thuật và thực tiễn hết sức có giá trị mà tôi nghĩ thường phải là người có cho mình một học hàm học vị cao hoặc cả một tập thể tham gia. Vậy vẫn là những công trình của một cá nhân ông Nguyễn Văn Hy, một người suốt nửa thế kỷ qua vẫn chỉ duy nhất có cho mình tấm bằng cử nhân văn hóa.
Mỗi khi lên lớp giảng hoặc thuyết trình một đề tài nào đó trước các sinh viên hay đồng nghiệp, ông thường thẳng thắn thưa trước: Xin thưa, tôi chỉ là một giảng viên bình thường, một người nghiên cứu bình thường, tôi không phải tiến (sĩ) hay lùi, tôi cũng không là giáo (sư) hay mác gì đâu.
Vậy nhưng lại có nhiều cán bộ, sinh viên từng học ông, được sự giúp đỡ tận tâm của ông sau này đã trở thành chánh, phó các đơn vị hay thành thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên các trường đại học nào đó.
Lại có những học trò ông sau đó đã giữ các trọng trách ở những trường đại học hoặc các cơ quan nghiên cứu lớn... biết thực học của ông nên luôn mong muốn thầy cố dành thời gian làm luận văn tiến sĩ, dù rằng không tiến - lùi hay giáo - mác gì như thầy nói thì thêm tấm bằng cũng là thuận lợi cho làm việc.
Ông Hy biết thiện ý của học trò, muốn ông có tấm bằng để khỏi thiệt thòi, có tấm bằng để dễ bề ăn nói, nhất là trong thời buổi bằng cấp như hiện nay.
Ông còn biết, quyền lực trong tay họ, ông chỉ làm cho có thủ tục, còn mọi việc sẽ thật dễ dàng. Nhưng một lần nữa, sự lập dị, sự khác người trong ông lại thắng.
Ông nói cảm ơn, không theo mà nói rằng, ông đang cảm thấy hài lòng với những gì đang có của mình. Với ông đâu phải cứ học hàm học vị là cái đích bắt phải lao tới.
Không bằng cấp cao nhưng ông Nguyễn Văn Hy đến tận những ngày này vẫn luôn bận rộn với những yêu cầu từ các nơi. Mới rất gần đây thôi, đến thấy ông đang cặm cụi làm việc.
Hỏi thì ông nói đang viết tham luận cho một hội thảo khoa học về đề tài gia đình chuẩn bị họp vào tháng 6. Ngoài ra, ông còn phải lo thêm mấy tham luận tại hội nghị về văn hóa cơ sở khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên đặt ông viết cũng sắp được tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Hy năm nay đã bước vào tuổi 85. Với tuổi ông và với những đóng góp của ông trong nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt những vấn đề về văn hóa cơ sở, đã được ghi nhận, thì ông hoàn toàn có thể nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi, chuyển đến nơi tiện nghi hơn, vui vầy bên con cháu.
Nhưng ông vẫn tiếp tục sống trong căn hộ nhỏ bé quen thuộc của mình. Cuộc sống của ông vẫn diễn ra hết sức đơn giản.
Hàng ngày ông ra quán ăn cơm bình dân, rồi thêm vài tách trà chén ngay các cửa hàng cạnh nơi ông ở. Ông không cà phê, thuốc lá.
Đi đâu xa ông đi xe ôm, xe buýt nhưng thường đi bộ. Nhiều người trẻ đi với ông có khi phải chật vật mới theo kịp. Ông bảo đi bộ cho khỏe, người già mà ít vận động, lo lắng, nghĩ ngợi vơ vẩn dễ sinh bệnh.
Ông nhỏ con nhưng da dẻ hồng hào, không thấy bệnh tật cũng chẳng đau yếu vặt. Hỏi ông phải vào bệnh viện bao nhiêu lần? thì ông bảo, cả đời tôi, suốt 85 năm qua, chỉ có một lần duy nhất phải vào viện mổ tiền liệt tuyến mất mấy ngày còn suốt từ đấy đã không phải vào viện thêm lần nào.
Nhiều người quen biết rất phục ông về giữ gìn sức khỏe. Trò chuyện với ông thấy vẫn còn vô cùng nhanh nhạy, sáng suốt, vẫn hăng hái, vui vẻ, lạc quan và đầy sáng tạo như không chịu bất kỳ áp lực nào của tuổi già.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!