Bạn có thể học cách kiểm tra sức khỏe tại nhà khi quan sát tóc rụng dưới sàn, soi gương xem mí mắt hay thực hiện các cử động cơ thể. Có khi bạn sẽ phát hiện được những bất thường về sức khỏe của mình còn sớm hơn cả bác sĩ đấy!
Để chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, bạn nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm. Tuy nhiên, bạn cũng cần tự thực hiện những kiểm tra sức khỏe nho nhỏ giữa các lần đến bệnh viện để phát hiện sớm các dấu hiệu đáng báo động.
1. Kiểm tra bệnh tim và phổi
Cách kiểm tra sức khỏe tim và phổi là bạn đặt các ngón tay theo hình chữ J lộn ngược và đan hai tay lại sao cho móng hai ngón trỏ áp vào nhau.
• Sức khỏe tốt: Nếu bạn thấy một khoảng trống nhỏ giữa hai móng tay của hai ngón trỏ thì hệ tim mạch của bạn vẫn khỏe mạnh.
• Sức khỏe không tốt: Nếu bạn không thấy khoảng trống giữa hai móng tay thì có nghĩa móng đã bị dày lên do máu không có đủ oxy. Tình trạng này có thể do các bệnh về tim mạch, phổi và đường tiêu hóa.
2. Kiểm tra đột quỵ và mất trí nhớ
Bạn hãy nâng một chân lên sao cho đùi song song với sàn và bắt đầu bấm giờ.
• Sức khỏe tốt: Nếu bạn có thể đứng với tư thế này trong 20 giây trở lên thì nguy cơ đột quỵ hay mất trí nhớ của bạn rất thấp.
• Sức khỏe không tốt: Ngược lại, nếu bạn gặp khó khăn trong việc duy trì thăng bằng trên một chân thì hãy tập luyện và sinh hoạt điều độ hơn để bảo vệ não bộ nhé.
3. Kiểm tra bệnh thiếu máu
Bạn hãy đứng trước gương và kéo mí mắt dưới xuống
• Sức khỏe tốt: Nếu phần da bên dưới mí mắt có màu hồng tươi thì sức khỏe của bạn rất ổn.
• Sức khỏe không tốt: Tuy nhiên, nếu phần da này màu hồng nhạt hoặc màu vàng thì bạn có thể bị thiếu máu đấy.
Bệnh thiếu máu là do thiếu huyết sắc tố và khiến các cơ cũng như mô trong cơ thể không được nhận đủ oxy, từ đó không thể hoạt động một cách hiệu quả. Nếu bạn thấy mình xanh xao, dễ mệt hoặc thở nặng nề thì hãy đi khám ngay nhé.
4. Kiểm tra mất cân bằng hormone
Mỗi ngày, bạn rụng từ 50 đến 100 sợi tóc và đây là việc bình thường, không đáng lo. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận nếu thấy tóc rụng quá nhiều.
Bạn hãy áp dụng bài kiểm tra nhỏ sau đây để kiểm tra tóc mình có rụng nhiều quá hay không. Khi tóc đã khô và sạch, bạn cầm một lọn tóc nhỏ và kéo nhẹ.
• Sức khỏe tốt: Nếu bạn chỉ thấy khoảng 2 – 3 sợi tóc rụng xuống thì đây là chuyện hoàn toàn bình thường.
• Sức khỏe không tốt: Bạn cần đi khám nếu tóc rụng nhiều hơn 2 – 3 sợi.
Chứng rụng tóc có thể do căng thẳng, vệ sinh kém hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Đôi khi, đây là dấu hiệu mất cân bằng hormone hoặc thiếu chất dinh dưỡng.
5. Kiểm tra hội chứng ống cổ tay
Bài kiểm tra này có thể giúp bạn phát hiện một vấn đề của các nhân viên văn phòng, họa sĩ hay các vận động viên đạp xe hay gặp, đó là hội chứng ống cổ tay. Hội chứng này xuất hiện khi các mô lân cận chèn vào dây thần kinh giữa và bạn cần chữa trị ngay khi có dấu hiệu.
Bạn nâng hai tay lên để cẳng tay song song trước mặt rồi cố gắng gập bàn tay sao cho đầu ngón tay chạm gần cổ tay.
• Sức khỏe tốt: Nếu bạn có thể giữ tay như vậy trong 1 – 2 phút mà không thấy khó chịu thì không có gì phải lo lắng.
• Sức khỏe không tốt: Nếu bạn bị ngứa ran, tê hoặc đau ở cổ tay hay ngón tay thì đây có thể là dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay đấy.
6. Kiểm tra bệnh tiểu đường
Để làm bài kiểm tra này, bạn cần có một người giúp đỡ mình. Bạn hãy nhờ một người khác lấy cây bút chì có tẩy đi kèm để chạm vào chân bạn. Người này dùng ngẫu nhiên đầu chì hoặc đầu tẩy để chạm vào chân bạn còn bạn thì hãy nhắm mắt hoặc quay đi để không thấy người đó đang dùng đầu nào.
• Sức khỏe tốt: Nếu bạn cảm nhận được đầu chì hay đầu tẩy đang đụng vào chân mình mà không cần nhìn thì sức khỏe của bạn vẫn bình thường.
• Sức khỏe không tốt: Nếu bạn không cảm nhận được đầu nào đang chạm chân mình có nghĩa là các đầu dây thần kinh trên bàn chân của bạn không hoạt động hiệu quả. Đây có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường đấy.
7. Kiểm tra sức khỏe động mạch
Bạn hãy nằm trên sàn, nâng chân lên cao một góc 45° và giữ nguyên trong vài phút. Sau đó, bạn hãy quan sát màu sắc của bàn chân.
• Sức khỏe tốt: Nếu màu da bàn chân và ngón chân vẫn bình thường mà không có sự thay đổi theo tông nhạt hơn thì có nghĩa là hệ tuần hoàn máu của bạn ổn.
• Sức khỏe không tốt: Nếu bàn chân và ngón chân nhợt nhạt thì đây là dấu hiệu cho thấy tuần hoàn máu của bạn không tốt. Màu sắc nhợt nhạt này có thể xuất hiện ở cả hai chân hay chỉ ở một chân.
Động mạch ngoại biên đưa máu đến các chi nên khi các động mạch này bị tắc nghẽn, các cơ không nhận đủ oxy và sẽ trở nên nhợt nhạt cũng như bị tê hay đau. Tình trạng này được gọi là bệnh động mạch ngoại biên (PAD) và có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ nếu không được chữa trị.
8. Kiểm tra thính giác
Để làm bài kiểm tra này, bạn cần vào một căn phòng yên tĩnh. Bạn hãy đưa tay sát tai và xoa hai ngón tay vào nhau và lắng nghe âm thanh từ tay. Sau đó, bạn đưa tay ra xa tai nhất có thể và chà hai ngón tay lại với nhau.
• Sức khỏe tốt: Nếu bạn vẫn có thể nghe âm thanh thì thính giác của bạn rất ổn.
• Sức khỏe không tốt: Nếu bạn không thể nghe rõ khi đưa ra xa dần thì có thể thính giác đã suy giảm.
Bạn hãy dùng cách kiểm tra sức khỏe thính giác này để kiểm tra cả hai tai nhé.
9. Kiểm tra bệnh tim mạch
Để làm bài kiểm tra này, bạn sẽ cần leo cầu thang (khoảng 8 – 12 bước) và hát một bài hát. Nếu không muốn hát, bạn có thể nói chuyện điện thoại hoặc đọc thành tiếng một cái gì đó.
• Sức khỏe tốt: Nếu bạn cảm thấy hoàn toàn bình thường khi vừa hát vừa bước lên thì tim mạch của bạn không có vấn đề gì.
• Sức khỏe không tốt: Nếu bạn cảm thấy tim mình đập nhanh khi vừa leo thang vừa nói chuyện thì có nghĩa là hệ thống tim mạch và phổi không đủ khỏe.
Mặc dù các cách kiểm tra sức khỏe ở nhà có thể giúp bạn an tâm hơn nhưng không thể thay thế quy trình khám tổng quát của bác sĩ. Vậy nên, bạn vẫn cần di khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra ngay khi có các dấu hiệu bất thường nhé.
Như Vũ | HELLO BACSI
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- 5 bài kiểm tra sức khỏe bạn nên làm trước khi cưới
- 6 dấu hiệu dưới cánh tay cảnh báo sức khỏe của bạn
- 5 dấu hiệu chứng tỏ chế độ ăn kiêng gây hại cho sức khỏe
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!